Đấu thầu tại Bệnh viện Bạch Mai: Vì sao khó chọn nhà thầu?

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Giá kế hoạch xây dựng theo kết quả trúng thầu của năm trước không theo kịp biến động giá thị trường, quy định phân nhóm vật tư y tế (VTYT) không hợp lý gây khó khăn cho việc xây dựng tiêu chí mời thầu… là những nguyên nhân chính dẫn đến khó chọn nhà thầu.
Quy định về việc phân nhóm các mặt hàng vật tư y tế hiện nay chưa hợp lý, gây khó khăn cho các bên mời thầu trong việc xây dựng tiêu chí mời thầu. Ảnh: Nhã Chi
Quy định về việc phân nhóm các mặt hàng vật tư y tế hiện nay chưa hợp lý, gây khó khăn cho các bên mời thầu trong việc xây dựng tiêu chí mời thầu. Ảnh: Nhã Chi

Bệnh viện Bạch Mai vừa quyết định lùi thời gian tổ chức lựa chọn nhà thầu (LCNT) 14 gói thầu thuộc các dự toán mua sắm vật tư tiêu hao - hóa chất (VTTH - HC) lần 5, lần 6, lần 8 năm 2022 của Bệnh viện từ quý II/2022 sang quý III/2022. Cùng với đó, nhiều gói thầu đã đóng/mở thầu nhưng đến nay vẫn chưa có kết quả LCNT, thậm chí đấu thầu nhiều lần vẫn không chọn được nhà thầu.

Trước đó, một số dự toán mua sắm VTTH - HC đã được đóng/mở thầu nhưng đến nay vẫn chưa có kết quả LCNT. Cụ thể, Dự toán Mua sắm VTTH - HC lần 2, 3, 4 năm 2022 với giá trị lần lượt là 62,015 tỷ đồng, 26,243 tỷ đồng, 180,575 tỷ đồng; Dự toán Mua sắm VTTH - HC dùng trong can thiệp tim mạch phục vụ nhu cầu chuyên môn năm 2022 (689,475 tỷ đồng); Dự toán Mua sắm VTTH - HC đợt 2 cho Trung tâm Huyết học và Truyền máu năm 2022 (75 tỷ đồng); Dự toán Mua sắm bông băng, gạc, phương tiện phòng hộ cá nhân, vật liệu đóng gói, kiểm soát chất lượng tiệt khuẩn và hoá chất khử khuẩn, làm sạch cho Bệnh viện Bạch Mai năm 2022 - 2023 (62,637 tỷ đồng).

Một số gói thầu khác đã có kết quả LCNT, nhưng nhiều mặt hàng không chọn được nhà thầu. Đơn cử như Gói thầu Mua sắm VTTH - HC xét nghiệm phục vụ nhu cầu chuyên môn lần 1 cho Trung tâm Dị ứng miễn dịch lâm sàng, Trung tâm Y học hạt nhân ung bướu, Trung tâm Tiêu hóa - Gan mật năm 2021 có giá dự toán 114,734 tỷ đồng với 225 mặt hàng. Bệnh viện đã chọn được 15 nhà thầu trúng 134 mặt hàng với tổng giá trúng thầu là 65,372 tỷ đồng, còn 91 mặt hàng chưa chọn được nhà thầu. Gói thầu này từng phải lùi thời gian tổ chức LCNT từ quý III/2021 sang quý IV/2021.

Trao đổi với phóng viên Báo Đấu thầu, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai Đào Xuân Cơ cho biết: Tình trạng không lựa chọn được nhà thầu trong mua sắm VTYT - HC của Bệnh viện gần đây xảy ra khá phổ biến, chiếm từ 30 - 50% tổng số mặt hàng mời thầu. Một số mặt hàng còn phải mời thầu lại 2 - 3 lần.

Về nguyên nhân, theo Lãnh đạo Bệnh viện, chủ yếu là do giá kế hoạch được xây dựng theo kết quả trúng thầu của năm trước, trong khi biến động giá cả thị trường trong 2 năm Covid-19 và thời gian gần đây đã thiết lập mặt bằng giá mới. Do vậy, giá kế hoạch quá thấp, không còn phù hợp với thực tế, từ đó dẫn tới việc không có nhà thầu tham dự, hoặc có tham dự song đều chào vượt giá. Bên mời thầu có văn bản yêu cầu nhà thầu chào lại nhưng giá vẫn không thể giảm hơn.

Mặt khác, một trong những căn cứ để xây dựng hồ sơ mời thầu, xây dựng giá kế hoạch là giá kê khai, nhưng giá kê khai trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Y tế hiện chưa có cơ quan nào thẩm định và chịu trách nhiệm, dẫn đến “bẫy giá”, gây rủi ro cho đơn vị mua sắm.

Ngoài ra, theo ông Cơ, một số mặt hàng tuy đã chọn được nhà thầu nhưng chất lượng không đảm bảo, cho dù đã đạt yêu cầu về kỹ thuật và có giá dự thầu thấp nhất. Ví dụ cùng là ống nội khí quản, có tính năng, cấu hình như nhau nên vượt qua bước đánh giá về kỹ thuật, nhưng mặt hàng có xuất xứ từ Trung Quốc trúng thầu vì có giá rẻ hơn (140.000 đồng), còn mặt hàng có xuất xứ từ Đài Loan trượt thầu vì giá cao hơn (200.000 đồng). Tuy nhiên, khi điều dưỡng sử dụng ống nội khí quản có xuất xứ từ Trung Quốc vào đường thở của bệnh nhân để duy trì đường thở thông thoáng và thông khí nhân tạo xâm nhập thì gây tổn thương, chảy máu vì ống quá cứng, trong khi việc sử dụng ống nội khí quản có xuất từ Đài Loan không xảy ra tình trạng này, mềm mại và dễ dàng thực hiện hơn. Do vậy, các bác sĩ và điều dưỡng đã đề nghị chỉ định không sử dụng loại VTYT đã trúng thầu này.

Sở dĩ như vậy, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai chia sẻ, đó là do quy định về việc phân nhóm các mặt hàng VTYT hiện nay của Bộ Y tế tại Thông tư 14/2020/TT-BYT chưa hợp lý, nhiều mặt hàng của Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc xếp cùng nhóm với các nước phát triển như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản… Điều này gây khó khăn cho các bên mời thầu trong việc ra “đề bài”, muốn mua vật tư tốt để khám chữa bệnh hiệu quả là không dễ. Do đó, Bộ Y tế cần sớm sửa đổi quy định này để tạo thuận lợi cho các đơn vị mua sắm lựa chọn được mặt hàng đảm bảo chất lượng với giá cả phù hợp, đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh cho bệnh nhân, nhất là đối với bệnh viện tuyến cuối như Bạch Mai.

Chuyên đề