Đấu thầu mua kit/test nhanh Covid-19: Gỡ “giấy phép con” để tăng cạnh tranh

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Để khắc phục tình trạng loạn giá trang thiết bị y tế phòng chống dịch Covid-19, trong đó có test xét nghiệm, một số nhà thầu và chuyên gia cho rằng trước tiên cần xóa bỏ các “giấy phép con” không cần thiết, hạn chế tính cạnh tranh như giấy phép bán hàng, thư ủy quyền… trong hồ sơ mời thầu (HSMT).
Yêu cầu giấy phép hoặc giấy ủy quyền bán hàng của nhà sản xuất đối với gói thầu mua test xét nghiệm nhanh Covid-19 có thể gây hạn chế cạnh tranh. Ảnh: Cẩm Tú
Yêu cầu giấy phép hoặc giấy ủy quyền bán hàng của nhà sản xuất đối với gói thầu mua test xét nghiệm nhanh Covid-19 có thể gây hạn chế cạnh tranh. Ảnh: Cẩm Tú

Phản ánh của nhiều nhà thầu gần đây cho thấy, đa số HSMT của gói thầu mua kit/test xét nghiệm nhanh Covid-19 đều đưa ra yêu cầu: “Nhà thầu phải có giấy phép hoặc giấy ủy quyền bán hàng của nhà sản xuất hoặc giấy chứng nhận quan hệ đối tác”. Đơn cử Gói thầu Mua test xét nghiệm phục vụ công tác chuyên môn của Trung tâm Giám định Y khoa tỉnh Gia Lai; Gói thầu Mua test xét nghiệm nhanh kháng nguyên SARS-CoV-2 đợt 1 năm 2022 của Bệnh viện đa khoa huyện Phúc Thọ, TP. Hà Nội...

Với tiêu chí này, khi đánh giá hồ sơ dự thầu, nhiều nhà thầu đã bị loại ngay tại bước đánh giá về kỹ thuật, mà chưa được xem xét tới giá chào thầu.

Lý giải về việc đưa tiêu chí về tính hợp lệ của hàng hóa chào thầu trong HSMT, một số bên mời thầu (BMT) cho biết là theo quy định tại Thông tư số 14/2020/TT- BYT của Bộ Y tế ngày 10/7/2020.

Tuy nhiên, phản ánh với Báo Đấu thầu, một số nhà thầu cho rằng, quy định về Giấy ủy quyền bán hàng này chỉ nên áp dụng với những hàng hóa là trang thiết bị y tế mang tính đặc thù, phức tạp, nhằm gắn trách nhiệm của nhà sản xuất trong việc cung cấp các dịch vụ sau bán hàng như bảo hành, bảo trì, sửa chữa, cung cấp phụ tùng, vật tư thay thế và các dịch vụ liên quan khác. Trong khi đó, test xét nghiệm rất thông dụng, sẵn có trên thị trường, đã được tiêu chuẩn hóa và chỉ sử dụng đúng 1 lần. Bên cạnh đó, theo hướng dẫn của Bộ Y tế, mọi người dân hiện có thể tiếp cận và mua test xét nghiệm nhanh Covid-19 ở bất cứ đâu. Do đó, việc đưa ra yêu cầu như vậy là không cần thiết, hạn chế các nhà thầu cạnh tranh. Để kiểm soát chất lượng test xét nghiệm, BMT chỉ cần yêu cầu nhà thầu cung cấp tài liệu xác minh được nơi sản xuất, nơi xuất nhập khẩu, hóa đơn bán hàng… là đủ.

Theo tìm hiểu của Báo Đấu thầu, khá nhiều gói thầu mua sắm test xét nghiệm nhanh Covid-19 thời gian qua, mặc dù đấu thầu qua mạng nhưng chỉ có một nhà thầu tham dự. Có thể kể đến Gói thầu Mua Test kháng nguyên vi rút SARS-CoV-2 phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid- 19 năm 2022 (lần 02) do Trung tâm Kiểm dịch y tế quốc tế tỉnh Lào Cai mời thầu (Liên danh Công ty CP Dược phẩm và Thiết bị Y tế An Thành - Công ty CP BCN Việt Nam trúng thầu với giá 1,68 tỷ đồng); Gói thầu Mua sắm test nhanh, hóa chất tách chiết xét nghiệm SARS-CoV-2 năm 2021 cho Bệnh viện Đa khoa Trung tâm An Giang (Công ty TNHH Thiết bị khoa học kỹ thuật Hóa Sinh trúng thầu với giá 9,181 tỷ đồng)…

Một chuyên gia đấu thầu trong lĩnh vực y tế cho rằng, việc đưa ra điều kiện trên đối với loại hàng hóa là test xét nghiệm nhanh Covid-19 là một “giấy phép con”. Điều này không chỉ cản trở sự tham gia của các nhà thầu, mà còn tạo thế độc quyền cho một số nhà thầu. Giá test xét nghiệm nhanh Covid-19 tại Việt Nam thời gian qua được phản ánh là nằm trong top cao nhất thế giới. Đa số đơn giá trúng thầu cao hơn rất nhiều so với giá nhập khẩu, từ đó tác động tới giá cả trên thị trường. Do đó, cần gỡ bỏ ngay những “giấy phép con” như trên để tăng tính cạnh tranh trong đấu thầu mua sắm test xét nghiệm nhanh Covid-19 nói riêng và cả những trang thiết bị y tế có tính chất đơn giản, thông dụng khác. “Chỉ có cạnh tranh thực sự mới giúp giảm được giá bán”, vị chuyên gia nhấn mạnh.

Tại cuộc họp của Ban Chỉ đạo điều hành giá ngày 25/2, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái cho biết, đối với mặt hàng vật tư y tế phòng chống dịch bệnh, vừa qua mặt hàng kit-test xét nghiệm SARS-CoV-2 có hiện tượng khan hiếm và tăng giá cục bộ ở một số thời điểm, dư luận rất quan tâm. Tại Nghị quyết 12/2021/UBTVQH, mặt hàng trang thiết bị y tế phục vụ công tác phòng chống dịch COVID-19 được bổ sung vào Danh mục hàng hóa, dịch vụ thực hiện bình ổn giá. Do vậy, Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Y tế khẩn trương triển khai các giải pháp để bảo đảm đầy đủ nguồn cung, triển khai các biện pháp quản lý giá, bình ổn giá theo quy định của pháp luật, nhất là mặt hàng kit/test.

Chuyên đề