Đấu thầu dự án có sử dụng đất: Tăng phạm vi để phát huy giá trị tài nguyên

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Tại các buổi họp lấy ý kiến đóng góp Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), nhiều đại biểu rất băn khoăn về nội dung tiêu chí, điều kiện đấu thầu dự án đầu tư có sử dụng đất (DASDĐ). Lý do là nếu không cân nhắc nội dung này sẽ vô tình dẫn tới tình trạng chỉ định hàng loạt dự án có sử dụng đất quy mô dưới 20 ha ở đô thị, 50 ha ở nông thôn.
Trên địa bàn TP.HCM, nếu áp dụng theo nội dung Dự thảo Luật, 4 lô đất thuộc quỹ đất vàng trong Khu đô thị Thủ Thiêm sẽ không được tổ chức đấu thầu. Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet
Trên địa bàn TP.HCM, nếu áp dụng theo nội dung Dự thảo Luật, 4 lô đất thuộc quỹ đất vàng trong Khu đô thị Thủ Thiêm sẽ không được tổ chức đấu thầu. Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet

Về tiêu chí đối với trường hợp đấu thầu DASDĐ tại Khoản 2 Điều 127 Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), khi được lấy ý kiến đông đảo tại TP.HCM, nhiều chuyên gia băn khoăn, lo ngại tiêu chí “dự án đô thị, nhà ở thương mại có quy mô từ 50 ha trở lên tại khu vực nông thôn hoặc 20 ha trở lên tại khu vực đô thị” sẽ loại bỏ rất nhiều trường hợp đang tổ chức đấu thầu theo pháp luật đấu thầu hiện hành. Việc xác định tiêu chí về quy mô sử dụng đất để tổ chức đấu thầu như Dự thảo Luật cũng dẫn đến khoảng trống pháp lý đối với các dự án khu đô thị, nhà ở thương mại có quy mô dưới 50 ha tại nông thôn hoặc dưới 20 ha tại đô thị không đủ điều kiện tổ chức đấu giá do chưa giải phóng mặt bằng.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Phú Cường, đây là một nội dung cần phải đặc biệt cân nhắc kỹ, rà soát lại. “Quy mô của quỹ đất dưới 20 ha ở đô thị là rất lớn, rất giá trị. Đơn cử tại TP.HCM hay Hà Nội, việc không tổ chức đấu thầu các dự án sử dụng đất có quy mô dưới 20 ha là không phát huy hết giá trị của những tài sản đắc địa của địa phương”, ông Cường nhấn mạnh.

Đồng quan điểm, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) Lê Hoàng Châu cho biết, đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư DASDĐ, đấu giá quyền sử dụng đất là 2 phương thức tối ưu nhất để phát huy đúng giá trị tài sản đất đai. “Đây cũng là giải pháp minh bạch, công khai và công bằng đối với mọi cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp khi tham gia vào các dự án sử dụng đất, quỹ đất công. Hiện nay, Nhà nước đang nỗ lực kiểm soát chặt chẽ các hành vi giao đất không thông qua đấu giá, đấu thầu. Do đó, quy định về quy mô dự án dưới 20 ha tại khu vực đô thị không tổ chức đấu thầu là không phù hợp, tạo nhiều kẽ hở về pháp lý”, ông Châu chia sẻ.

Đại diện HoREA thông tin thêm, trên địa bàn TP.HCM, nếu áp dụng theo nội dung Dự thảo Luật, 4 lô đất thuộc quỹ đất vàng trong Khu đô thị Thủ Thiêm sẽ không được tổ chức đấu thầu. Bên cạnh đó, tại TP.HCM rất nhiều quỹ đất vàng chỉ có diện tích hơn 2.000 m2, 5000 m2 đang cần được tổ chức đấu giá, đấu thầu để lựa chọn nhà đầu tư, phát huy giá trị quỹ đất. “TP.HCM đã mạnh dạn đấu thầu nhiều lô đất có quy mô dưới 10.000 m2 và thực sự phát huy giá trị đất đô thị. Do đó, theo tôi, về nội dung này, cần phân cấp cho địa phương quyết định về quy mô của dự án để lựa chọn hình thức phù hợp. Hiện nay, HĐND các tỉnh/thành phố phát huy rất tốt vai trò giám sát, phản biện, chịu trách nhiệm cao trước các đề xuất đấu thầu, đấu giá quỹ đất công. Có như vậy mới thực thi đúng tinh thần phát huy giá trị tài sản đất đai của địa phương”, ông Châu nói.

Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Yến, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu nhận định, ngay cả các đô thị ngoài TP.HCM, Hà Nội nếu giữ tiêu chí quy mô dự án dưới 20 ha không tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư cũng là không phù hợp. “Tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, giá đất đô thị trong các giao dịch trên thị trường rất cao. Nếu đấu thầu, nhà đầu tư sẽ ứng trước kinh phí giải phóng mặt bằng, giảm rất nhiều gánh nặng cho địa phương. Đặc biệt cách làm này bảo đảm đúng tinh thần của Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 16/6/2022 là thực hiện việc giao đất, cho thuê đất chủ yếu thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu DASDĐ”, bà Yến khẳng định.

Chuyên đề