Các dự án BOT thời gian qua đều do nhà đầu tư đề xuất và thực hiện bằng cơ chế chỉ định nhà đầu tư. Ảnh: Lê Tiên |
Chưa lựa chọn được nhà đầu tư có năng lực tốt
Theo đánh giá của Bộ Tài chính, nhà đầu tư dự án BOT ngành giao thông thời gian qua là các nhà đầu tư trong nước, chưa đủ năng lực để huy động các nguồn vốn ngoài nước với mức lãi suất thấp và thời gian vay dài hạn phù hợp với các dự án BOT. Thêm vào đó, tình trạng nhà đầu tư không huy động được đủ nguồn vốn chủ sở hữu theo cam kết đã xảy ra đối với BOT đường bộ, dẫn đến việc chuyển đổi nhà đầu tư trong liên danh nhà đầu tư, ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện dự án.
Thực tế, một số công trình, dự án sau khi đưa vào khai thác đã bị hư hỏng đường đầu cầu, mặt đường và hằn lún vệt bánh xe, ảnh hưởng đến chất lượng khai thác, khiến nhiều người dân bức xúc. Điều này cho thấy chưa lựa chọn được nhà đầu tư có năng lực tốt có thể thực hiện đầu tư các công trình giao thông với mức chi phí thấp, hiệu quả và cung cấp chất lượng dịch vụ tốt.
Ngoài ra, nhiều nhà đầu tư BOT ngành giao thông là các nhà thầu xây dựng, chưa có kinh nghiệm làm nhà đầu tư. Việc để tình trạng vệt hằn lún trên đường hay chất lượng cung cấp dịch vụ chưa đáp ứng được yêu cầu ngay sau khi dự án đi vào vận hành cho thấy tư duy quản lý các dự án BOT của nhà đầu tư còn mang nặng tư duy nhà thầu, chưa đáp ứng yêu cầu.
Hạn chế về năng lực khiến cho các nhà đầu tư BOT ngành giao thông không thể huy động được nguồn vốn vay ngoài nước, chỉ có thể huy động được nguồn vốn vay từ các ngân hàng thương mại trong nước với mức lãi suất khá cao, thời gian cho vay ngắn và quy mô vốn vay không lớn.
Áp dụng cơ chế chỉ định nhà đầu tư là phổ biến
Kết quả kiểm toán 27 dự án BOT giao thông của Kiểm toán Nhà nước chỉ ra, thực tế hầu hết các dự án giao thông đầu tư theo hình thức BOT đều lựa chọn nhà đầu tư theo hình thức chỉ định thầu. Theo nhiều ý kiến, đây là khởi đầu của mọi bất cập kéo theo sau đó liên quan đến dự án BOT.
Bộ Giao thông vận tải (GTVT) lý giải, giai đoạn trước khi Chính phủ ban hành Nghị định 30/2015/NĐ-CP, công tác lựa chọn nhà đầu tư được thực hiện như sau: sau khi xác định thông tin cơ bản về dự án, cơ quan nhà nước có thẩm quyền tổ chức công bố danh mục dự án theo quy định, sau khi dự án được phê duyệt bắt đầu tổ chức lựa chọn nhà đầu tư. Quá trình triển khai theo Bộ GTVT là minh bạch, theo quy định, có ý kiến của các bộ, ngành, địa phương trước khi Bộ GTVT ký hợp đồng chính thức với nhà đầu tư và triển khai dự án. Tuy nhiên, Bộ này cũng nhìn nhận hạn chế là trong giai đoạn vừa qua, dù thực hiện đúng quy định pháp luật nhưng còn có nhiều dự án thực hiện theo hình thức chỉ định thầu, thông tin chưa đến được người dân và các tổ chức xã hội.
Trong báo cáo gửi Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Bộ Tài chính cũng cho rằng, các dự án BOT thời gian qua của Việt Nam đều do nhà đầu tư đề xuất và thực hiện bằng cơ chế chỉ định nhà đầu tư. Cơ quan nhà nước có thẩm quyền không tham khảo ý kiến từ các ngân hàng thương mại trong nước. Nhà đầu tư trong nước không có khả năng huy động nguồn vốn nước ngoài, chỉ huy động từ ngân hàng trong nước với mức lãi suất vốn vay khá cao (trên 10,5%/năm); thực tế có những hợp đồng BOT ký năm 2011, 2012 với mức lãi suất vốn vay lên tới 20 - 21%/năm. Mức lãi suất cao khiến chi phí lãi vay rất lớn, làm tăng tổng mức đầu tư và kéo dài thời gian thu phí hoặc mức thu phí cao, không phù hợp với tính chất dự án hạ tầng giao thông.
Trong khi theo Bộ Tài chính, đấu thầu rộng rãi để lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án BOT là điều kiện cần để đảm bảo tính công bằng, cạnh tranh, minh bạch trong việc thực hiện dự án BOT. Đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư là công cụ rất quan trọng để nâng cao hiệu quả đầu tư công thông qua việc khai thác hiệu quả nguồn lực, sự sáng tạo của khu vực tư nhân. Nhà đầu tư BOT có năng lực, uy tín sẽ huy động đủ nguồn vốn vay, vốn chủ sở hữu đảm bảo được tiến độ thực hiện dự án và huy động được nguồn vốn vay với mức lãi suất thấp hơn. Đồng thời, nhà đầu tư BOT có năng lực, có phương án đầu tư, quản lý tốt sẽ giảm chi phí đầu tư xây dựng và chi phí vận hành so với những nhà đầu tư BOT yếu kém.
Kiểm toán Nhà nước cũng nhiều lần kiến nghị thực hiện lựa chọn nhà đầu tư theo đúng quy định của pháp luật, tiến hành đấu thầu để lựa chọn nhà đầu tư nhằm tăng tính cạnh tranh, mang lại hiệu quả cho dự án. Các yếu tố như chi phí quản lý thu phí, lợi nhuận nhà đầu tư, lãi suất vay vốn, tỷ lệ vốn chủ sở hữu, chi phí xây lắp công trình dự án,… đều nên được đấu thầu công khai, minh bạch.