Đấu thầu cung cấp dịch vụ hậu cần y tế: Tự làm khó mình khi xây dựng hợp đồng ngắn hạn

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Thời gian qua, nhiều gói thầu dịch vụ thuê ngoài tại bệnh viện công lập (vệ sinh công nghiệp, giặt ủi, bảo vệ…) liên tục phải gia hạn, thậm chí hủy thầu do không có nhà thầu quan tâm. Theo ý kiến của những người trong cuộc, thời gian thực hiện hợp đồng ngắn dẫn tới rủi ro cho nhà thầu khi tham dự các gói thầu sử dụng nhiều lao động ở lĩnh vực đặc thù này. Cần “nội soi” hiện tượng này để có hướng xử lý phù hợp.
Bệnh viện Sản Nhi Ninh Bình mời thầu cung cấp dịch vụ bảo vệ trong 30 ngày do phải xử lý tình thế khi lựa chọn nhà thầu. Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet
Bệnh viện Sản Nhi Ninh Bình mời thầu cung cấp dịch vụ bảo vệ trong 30 ngày do phải xử lý tình thế khi lựa chọn nhà thầu. Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet

Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết, hiện nay, một số gói thầu dịch vụ phi tư vấn (dịch vụ vệ sinh công nghiệp, cung cấp suất ăn, giặt ủi…) không lựa chọn được nhà thầu do nhiều yếu tố khách quan như thiếu hụt nhân lực thực hiện gói thầu, giá cả hàng hóa tăng… Bệnh viện đề nghị Bộ Y tế xem xét cho phép gia hạn thực hiện hợp đồng đối với các gói thầu có hình thức đấu thầu rộng rãi liền kề trước đó để Bệnh viện lựa chọn nhà thầu đáp ứng nhu cầu phục vụ bệnh nhân.

Thực tế khảo sát của phóng viên Báo Đấu thầu cho thấy, có đến 95% số gói thầu dịch vụ hậu cần bệnh viện hiện nay được mời thầu với thời gian thực hiện hợp đồng là 12 tháng. Đơn cử như Gói thầu Cung cấp dịch vụ bảo vệ tại Bệnh viện Đa khoa Y học cổ truyền Hà Nội năm 2022 - 2023; Gói thầu số 01 Dịch vụ bảo vệ Bệnh viện Phổi Hà Nội năm 2022 - 2023; Gói thầu Thuê dịch vụ bảo vệ trọn gói 12 tháng tại Bệnh viện Nhi tỉnh Hải Dương…

Cá biệt, có những bệnh viện mời thầu cung cấp dịch vụ bảo vệ trong 30 ngày do phải xử lý tình thế khi lựa chọn nhà thầu như: Bệnh viện Sản Nhi Ninh Bình mời thầu thuê dịch vụ bảo vệ tháng 4/2022.

Rất ít bệnh viện có gói thầu dịch vụ bảo vệ 20 tháng như Bệnh viện Đa khoa Thanh Trì; 36 tháng như Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh Bắc Giang.

Câu chuyện tương tự cũng diễn ra với các gói thầu dịch vụ vệ sinh công nghiệp. Rất ít bên mời thầu (BMT) như Bệnh viện Lao và Bệnh phổi Bắc Ninh có thời gian thực hiện hợp đồng dịch vụ vệ sinh công nghiệp là 29 tháng; Bệnh viện Tâm thần Đồng Tháp, Bệnh viện Nhi Trung ương là 24 tháng. Phần lớn mời thầu với thời gian thực hiện hợp đồng 12 tháng. Thậm chí, Bệnh viện Sản Nhi Bắc Giang mời thầu vệ sinh công nghiệp chỉ trong 15 ngày (từ 7 đến 21/7/2022).

Trong khi đó, các gói thầu dịch vụ bảo vệ, vệ sinh công nghiệp, giặt ủi của bệnh viện hiện chiếm tỷ lệ áp đảo trong các gói thầu phải gia hạn, thậm chí hủy thầu, thay đổi một số nội dung của hồ sơ mời thầu… do không có nhà thầu quan tâm.

Theo thống kê của phóng viên Báo Đấu thầu, chỉ tính từ tháng 5 - 6/2022, hàng chục BMT đã phải công bố hủy/gia hạn các gói thầu dịch vụ bảo vệ, vệ sinh bệnh viện do khó khăn hoặc không thể lựa chọn được nhà thầu. Với các gói thầu dịch vụ bảo vệ, Bệnh viện Đại học Y dược Cần Thơ, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bạc Liêu, Bệnh viện Đa khoa Khánh Hòa, Từ Dũ, Đa khoa Lào Cai... liên tục phải gia hạn và hủy thầu. Bệnh viện Thanh Nhàn (Hà Nội), Nhi đồng 2 (TP.HCM), Đa khoa Phú Thọ, Đa khoa Bình Dương... cũng trong tình cảnh tương tự khi tìm nhà thầu cung cấp dịch vụ vệ sinh.

Nhiều BMT cho biết, dịch vụ như bảo vệ, giặt ủi có thời gian thực hiện dưới 12 tháng phát sinh rất nhiều khó khăn cho cả BMT lẫn nhà thầu. Phát sinh thừa/thiếu khi thực hiện hợp đồng nếu tính theo đơn vị quần áo, drap giường bệnh sẽ khiến cả hai bên mất nhiều thời gian để thống nhất.

Các BMT phải tìm nhà thầu cung ứng dịch vụ 15, 30 ngày thì cho rằng, dù có sự chuẩn bị, BMT rất bị động khi hợp đồng sắp kết thúc mà chưa thể lựa chọn được đơn vị kế tiếp.

Trao đổi với Báo Đấu thầu, các nhà thầu trong lĩnh vực hậu cần bệnh viện cho biết, hợp đồng dưới 12 tháng là trở ngại rất lớn đối với hoạt động kinh doanh của nhà thầu.

“Trong lĩnh vực vệ sinh bệnh viện, khó khăn nhất là giai đoạn chuyển giao hợp đồng giữa các nhà thầu. Nhà thầu mới cần 1 - 3 tháng để ổn định nhân sự, đầu tư thiết bị mới (nhiều BMT bắt buộc dụng cụ, thiết bị mới hoàn toàn). Khi nhân sự quen với địa bàn, thông thạo công việc (3 ca, luôn cắm chốt tại bệnh viện) thì lại sắp kết thúc hợp đồng. Do đó, nhà thầu thường dè dặt khi tham dự gói thầu có thời gian thực hiện hợp đồng dưới 12 tháng. Chúng tôi chỉ dám đầu tư cho những gói thầu từ 24 - 36 tháng”, một nhà thầu tại Cần Thơ cho biết.

Trong lĩnh vực giặt ủi bệnh viện, một nhà thầu tại TP.HCM bày tỏ, để triển khai gói thầu, nhân sự của nhà thầu phải gần như có mặt 24/24 giờ ở bệnh viện. Các kỹ năng phòng ngừa nhiễm khuẩn, kỹ năng giao tiếp trong bệnh viện phải thuần thục. Do đó, tâm lý người lao động sẽ bất ổn khi liên tục phải thay đổi địa bàn làm việc. Nếu triển khai hợp đồng 12 tháng, nhà thầu không chủ động được nhân sự, tuyển nhân sự mới rất khó.

Trao đổi với Báo Đấu thầu, một chuyên gia về đấu thầu cho biết, pháp luật hiện hành không có quy định nào bắt buộc các gói thầu này phải áp dụng hợp đồng 12 tháng. “Có thể do tâm lý e ngại từ các BMT, hoặc các nhà thầu dù kêu khó khăn khi triển khai hợp đồng 12 tháng nhưng lại can thiệp để sau 1 năm xây dựng đơn giá mới”, chuyên gia này nhận định.

Mặt khác, một đơn vị tư vấn đấu thầu ngành y tế chia sẻ, các gói thầu dịch vụ phi tư vấn thường áp dụng hợp đồng theo đơn giá. Loại hợp đồng này hiện áp dụng cho những gói thầu có thời gian thực hiện trên 12 tháng. Do đó, xét về bản chất, các BMT đang tự làm khó mình khi xây dựng kế hoạch dưới 12 tháng. Các gói thầu dịch vụ hậu cần bệnh viện cần được nghiên cứu để thực hiện với thời gian trên 12 tháng để có lợi nhất cho bệnh viện lẫn người bệnh. Theo đó, hợp đồng từ 12 tháng trở lên sẽ giúp giữ đơn giá ổn định từ 2 - 5 năm, buộc nhà thầu phải có những tính toán phù hợp nhằm cung cấp dịch vụ chất lượng. Trong khi đó, bệnh viện yên tâm trong khoảng thời gian đó không phải điều chỉnh giá, cập rập lựa chọn nhà thầu.

Chuyên đề