Đấu thầu chỉnh lý dữ liệu: Nhiều tiêu chí gây khó nhà thầu

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Công tác đấu thầu thời gian qua ghi nhận hàng loạt trường hợp hồ sơ mời thầu (HSMT) xây lắp, hàng hóa bao hàm các tiêu chí vi phạm quy định về cạnh tranh trong đấu thầu, làm giảm hiệu quả hoạt động mua sắm công. Ghi nhận từ thực tế cho thấy, những bất cập này đang dần trở nên phổ biến trong lĩnh vực phi tư vấn, mà nổi bật là các gói thầu chỉnh lý dữ liệu đang được mời thầu trên phạm vi cả nước.
Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet
Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet

Trung tuần tháng 5 vừa qua, Sở Nội vụ tỉnh Ninh Bình phát hành HSMT Gói thầu Thuê dịch vụ thực hiện chỉnh lý tài liệu giấy tiếng Việt năm 2023 (giá gói thầu 251 triệu đồng). Ngay sau khi nội dung HSMT được công bố, một số nhà thầu đã có văn bản đề nghị Bên mời thầu loại bỏ một số tiêu chí được cho rằng không phù hợp quy định pháp luật đấu thầu. Trong đó nổi bật là yêu cầu “có báo cáo khảo sát hiện trạng tài liệu, kho tàng, cơ sở vật chất và đề xuất phương án triển khai phù hợp”. Kết quả lựa chọn nhà thầu được phê duyệt ngày 9/6 cho thấy, nhà thầu duy nhất tham dự và trúng thầu là Công ty CP Dịch vụ hành chính văn phòng Thăng Long.

Đầu tháng 6/2023, Gói thầu số 03 Chỉnh lý tài liệu lưu trữ năm 2023 của Văn phòng UBND tỉnh Lâm Đồng (giá gói thầu 7,172 tỷ đồng) cũng bị phản ánh hạn chế cạnh tranh khi HSMT quy định “nhà thầu phải tiến hành khảo sát dự án, có báo cáo kết quả khảo sát trực tiếp và phương án thực hiện đến Chủ đầu tư”. Các nhà thầu đều quan điểm cho rằng, đây là yêu cầu nằm ngoài sự cần thiết của công việc đang xét, dễ phát sinh thêm chi phí; mặt khác, không loại trừ trường hợp tạo lợi thế cho một hoặc một số nhà thầu.

Tại Gói thầu Lưu trữ và chỉnh lý tài liệu của Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh Sơn La (phát hành HSMT từ ngày 2 - 9/6/2023), HSMT yêu cầu nhà thầu sở hữu hoặc thuê cơ sở lưu trữ bảo đảm trang thiết bị, cơ sở vật chất (danh sách quy định tại HSMT) để thực hiện Gói thầu. Tuy nhiên, theo một nhà thầu, tại gói thầu chỉnh lý số hóa tài liệu, đối tượng cần chỉnh lý là những tài liệu, tài sản có tính bảo mật rất cao, liên quan đến toàn bộ hoạt động của cơ quan, tổ chức. Do đó, việc Bên mời thầu yêu cầu nhà thầu mang các tài liệu này ra khỏi phạm vi cơ quan đến một địa điểm khác để thực hiện chỉnh lý sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro với nhà thầu, trong trường hợp hồ sơ tài liệu bị mất mát, bị rách nát, bị hư hỏng hay bị phá hoại...

Cũng tại gói thầu này, các nhà thầu cho rằng việc HSMT yêu cầu “nhà thầu phải có nhà kho lưu trữ diện tích 300 m2” là không phù hợp với tính chất của một gói thầu phi tư vấn, gây khó cho nhà thầu từ địa phương khác. Trên thực tế, Gói thầu cũng chỉ ghi nhận sự tham dự của một nhà thầu là Công ty TNHH Đầu tư và tư vấn xây dựng Tuấn Minh.

Bên cạnh những tiêu chí kể trên, các gói thầu trong lĩnh vực chỉnh lý dữ liệu cũng thường xuyên gây tranh cãi bởi những yêu cầu về nhân sự chủ chốt. Đơn cử HSMT Gói thầu Chỉnh lý và số hóa tài liệu lưu trữ tại Văn phòng HĐND&UBND huyện Thanh Oai, TP. Hà Nội (giá gói thầu 2,6 tỷ đồng) yêu cầu vị trí cán bộ phụ trách chung tốt nghiệp thạc sĩ trở lên chuyên ngành công nghệ thông tin, có chứng chỉ giám sát thi công dự án công nghệ thông tin, chứng chỉ hành nghề hoạt động đấu thầu; cán bộ đào tạo có trình độ thạc sĩ, chuyên ngành Sư phạm tin... Đây được xem là các tiêu chuẩn quá cao so với quy mô, tính chất Gói thầu, đồng thời, chưa phù hợp pháp luật chuyên ngành, bởi, Luật Lưu trữ không yêu cầu bắt buộc cá nhân hoạt động trong lĩnh vực lưu trữ phải có trình độ về công nghệ thông tin.

Theo một chuyên gia về đấu thầu, riêng đối với lĩnh vực phi tư vấn, khi xây dựng các tiêu chuẩn mời thầu, đặc biệt là yêu cầu về kỹ thuật, cần hướng đến bảo đảm chất lượng dịch vụ đáp ứng mục tiêu ban đầu của chủ đầu tư. Trong đó, các yêu cầu do chủ đầu tư, bên mời thầu đưa ra cần chú trọng vào sản phẩm đầu ra của dịch vụ như tiêu chuẩn, quy cách, chất lượng..., thay vì nêu quy trình, phương pháp thực hiện dịch vụ chi tiết, cụ thể mà nhà thầu phải tuân theo.

Chuyên đề