Đấu thầu bảo trì đường cấp huyện tại Quảng Nam: “Sân đấu” của nhà thầu địa phương?

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một số yêu cầu tại hồ sơ mời thầu (HSMT) Gói thầu Dịch vụ công bảo trì thường xuyên hệ thống đường huyện trên địa bàn huyện Phú Ninh (tỉnh Quảng Nam) năm 2021 thuộc dự toán cùng tên khiến nhà thầu phản ứng. “Nếu HSMT không được điều chỉnh kịp thời, cuộc thầu này dễ trở thành “sân chơi” của riêng các nhà thầu trên địa bàn huyện”, một nhà thầu khẳng định.
Hồ sơ mời thầu yêu cầu các nhà thầu tham dự phải có trụ sở công ty hoặc văn phòng đại diện trên địa bàn huyện Phú Ninh (tỉnh Quảng Nam). Ảnh: Nhã Chi
Hồ sơ mời thầu yêu cầu các nhà thầu tham dự phải có trụ sở công ty hoặc văn phòng đại diện trên địa bàn huyện Phú Ninh (tỉnh Quảng Nam). Ảnh: Nhã Chi

Gói thầu có giá 1.458.249.000 đồng, sử dụng vốn sự nghiệp kinh tế, do Phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện Phú Ninh làm chủ đầu tư, giao Công ty TNHH Tư vấn Xây dựng Đại Cường (địa chỉ tại TP. Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam) làm tư vấn mời thầu. Gói thầu được đấu thầu rộng rãi, qua mạng. HSMT được phát hành từ ngày 29/6, dự kiến mở thầu ngày 9/7/2021.

Thông tin với Báo Đấu thầu, Nhà thầu cho biết, tại HSMT, Chương III xuất hiện một số tiêu chuẩn đánh giá mang tính định hướng, “loại trừ” nhà thầu trực diện, khi đều áp dụng đánh giá theo tiêu chí đạt/không đạt.

Theo đó, HSMT yêu cầu các nhà thầu tham dự phải có trụ sở công ty hoặc văn phòng đại diện trên địa bàn huyện Phú Ninh. Trường hợp nhà thầu chưa có trụ sở/văn phòng đại diện trên địa bàn Huyện tại thời điểm dự thầu, thì phải cam kết sẽ đáp ứng điều kiện này sau khi được phê duyệt trúng thầu.

Nhà thầu cho rằng, không có cơ sở pháp lý cũng như cơ sở thực tế về tính cần thiết phải đáp ứng khi xây dựng tiêu chí này tại HSMT. Bởi, trên thực tế, mỗi đơn vị thi công đều có lán trại dựng tại công trường. Trường hợp cấp bách cần liên hệ với nhà thầu, chủ đầu tư có thể đến ngay lán trại, hoặc mời nhà thầu đến trụ sở của Chủ đầu tư, theo đó, nhà thầu có nghĩa vụ phải thực hiện, đáp ứng nhanh nhất.

Ngoài ra, HSMT yêu cầu nhà thầu lập bình đồ duỗi thẳng tất cả các tuyến đường (gồm 12 tuyến, với tổng chiều dài 95,26 km), trong đó thể hiện rõ mặt bằng hiện trạng, chiều dài tuyến; thể hiện lý trình các công trình cầu, cống thoát nước...

Nhà thầu cho rằng, tiêu chí này không khác nào các yêu cầu khảo sát hiện trường trước thời điểm dự thầu tại các gói thầu xây lắp thuộc các dự án đầu tư xây dựng mới. Theo Nhà thầu, việc đo đạc, ghi chú toàn bộ các hạng mục công trình trên 95,26 km đường để lập bình đồ có thể mất đến cả tuần để hoàn thành và nhà thầu phải chịu chi phí phát sinh, điều này vô lý và không cần thiết.

Ngày 2/7/2021, trả lời phỏng vấn của Báo Đấu thầu, đại diện đơn vị tư vấn mời thầu lý giải, huyện Phú Ninh là một huyện miền núi của tỉnh Quảng Nam, mang điều kiện địa lý, địa hình đặc thù, khác biệt, dễ xảy ra bão lũ, thiên tai... ảnh hưởng nghiêm trọng tới các tuyến đường hiện trạng. Trường hợp những sự cố này xảy ra, Chủ đầu tư cần sự có mặt của nhà thầu ngay lập tức nhằm bảo trì, khắc phục hư hỏng, thiệt hại tại các tuyến đường. Do đó, việc HSMT yêu cầu nhà thầu phải có trụ sở/văn phòng đại diện trên địa bàn huyện nhằm đảm bảo tính liên tục, tính sẵn sàng huy động nhân sự phục vụ Gói thầu.

“Ngoài ra, việc yêu cầu nhà thầu khảo sát, lập bình đồ hiện trạng các tuyến đường nhằm đảm bảo các nhà thầu tham dự có hiểu biết về mặt bằng hiện trạng thực hiện Gói thầu”, vị cán bộ nêu trên cho biết thêm.

Theo một chuyên gia đấu thầu, trường hợp nhằm đảm bảo khả năng sẵn sàng huy động nhân sự, thiết bị của nhà thầu cho việc thực hiện Gói thầu, Chủ đầu tư có thể xây dựng tiêu chí đánh giá theo hướng quy định chặt chẽ hơn tại nội dung yêu cầu về nhân sự, thiết bị, yêu cầu các nhà thầu tham dự đưa ra cam kết về khả năng sẵn sàng đáp ứng. Đồng thời, Chủ đầu tư cũng có thể quy định nội dung này cụ thể tại hợp đồng trúng thầu, theo đó, trường hợp không đáp ứng, nhà thầu có thể bị phạt vi phạm hợp đồng, thay vì đưa ra tiêu chí mang tính cục bộ, địa phương như trên.

Chuyên đề