Đấu thầu bảo hiểm sẽ khó “cài cắm” tiêu chí độc

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Trước thực tế kiến nghị quanh các cuộc thầu bảo hiểm rất nhiều, Báo Đấu thầu đã liên tục phản ánh về những tiêu chí gây hạn chế cạnh tranh, tạo ưu thế cho một hoặc một số nhà thầu trong hồ sơ mời thầu (HSMT) các gói thầu bảo hiểm. Tại Dự thảo Thông tư sửa đổi Thông tư 06/2024/TT-BKHĐT, một số tiêu chí đã được tổng hợp vào hành vi hạn chế, vi phạm quy định tại khoản 3 Điều 44 Luật Đấu thầu.
Trước thực tế kiến nghị quanh các cuộc thầu bảo hiểm, Báo Đấu thầu đã liên tục phản ánh về những tiêu chí gây hạn chế cạnh tranh trong HSMT các gói thầu bảo hiểm. Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet
Trước thực tế kiến nghị quanh các cuộc thầu bảo hiểm, Báo Đấu thầu đã liên tục phản ánh về những tiêu chí gây hạn chế cạnh tranh trong HSMT các gói thầu bảo hiểm. Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet

Một đặc điểm riêng có ở đấu thầu bảo hiểm đó là số lượng nhà thầu tham gia đấu thầu gói thầu thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Đấu thầu có thể “đếm trên đầu ngón tay” với chưa đến 15 nhà thầu và số liệu tài chính của mỗi doanh nghiệp hầu hết được công khai. Chính vì vậy, có lẽ không một lĩnh vực nào mà các nhà thầu lại rành rọt về đối thủ của mình như đấu thầu bảo hiểm. Hiểu năng lực của nhau, “đọc vị” được nhau, cho nên để loại đối thủ, nhà thầu “ruột” chỉ cần “tư vấn” chủ đầu tư đưa vào HSMT một vài tiêu chí.

Thời gian qua, Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia tổng hợp rất nhiều gói thầu bảo hiểm có kiến nghị trong đấu thầu. Nhiều gói có số lượng yêu cầu làm rõ, đơn kiến nghị chất chồng vì bên mời thầu, chủ đầu tư bảo lưu quan điểm, nhất quyết không sửa tiêu chí được đánh giá là gây hạn chế cạnh tranh và không phù hợp quy định.

Các nhà thầu chủ yếu kiến nghị việc đưa các tiêu chí thuần túy về năng lực tài chính, kinh nghiệm thành tiêu chuẩn đánh giá về kỹ thuật, thậm chí cả những gói nhỏ lựa chọn nhà thầu theo hình thức chào hàng cạnh tranh cũng đưa tiêu chí như vốn chủ sở hữu, doanh thu, vốn điều lệ, lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh bảo hiểm, tốc độ tăng trưởng doanh thu phí bảo hiểm gốc, tỷ lệ giữ lại phí bảo hiểm gốc bình quân trong 3 năm… với giá trị tuyệt đối không có cơ sở. Cùng với đó, HSMT quy định đánh giá theo phương pháp đạt/không đạt, dẫn đến tạo lợi thế cho một hoặc một số ít nhà thầu.

Nhiều doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ đứng đầu thị trường như Bảo Việt, PVI từng dễ dàng bị loại ở nhiều gói thầu quy mô không lớn, chỉ với 1 hoặc 1 vài tiêu chí được đưa vào HSMT theo cách nêu trên. Ví dụ, với Bảo Việt, tiêu chí “chí mạng” là xếp hạng tín nhiệm tài chính của các tổ chức quốc tế, như A.M.Best, Standard & Poors…; lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh bảo hiểm 3 năm gần nhất phải dương. PVI thì rất dễ bị loại nếu HSMT đưa tiêu chí “tỷ lệ giữ lại phí bảo hiểm gốc bình quân trong 3 năm phải trên 50%”. Cả 2 doanh nghiệp quy mô doanh thu lớn nhất thị trường này cũng bị thua doanh nghiệp nhỏ ở tiêu chí “tốc độ tăng trưởng doanh thu phí bảo hiểm gốc”…

Rất nhiều gói thầu bị kiến nghị hạn chế cạnh tranh, nhà thầu được “đo ni đóng giày” trúng với mức giảm giá không đáng kể, nhà thầu chào giá thấp hơn 20 - 30% bị loại. Những tiêu chí như trên đã được Báo Đấu thầu phản ánh nhiều lần, với những phân tích từ chuyên gia về sự không phù hợp quy định của pháp luật chuyên ngành và pháp luật đấu thầu.

Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia đã công bố các quy định gây hạn chế tại HSMT gói thầu phi tư vấn. Tuy nhiên, theo quan sát của Báo Đấu thầu, vẫn có những chủ đầu tư cố tình đưa tiêu chí gây hạn chế vào HSMT. Khi đặt câu hỏi vì sao, có chủ đầu tư nói không biết việc công bố trên Hệ thống, cũng có ý kiến cho rằng, việc công bố không có tính pháp lý nên chỉ có tính tham khảo…

Tại Dự thảo Thông tư sửa đổi Thông tư số 06/2024/TT-BKHĐT Hướng dẫn việc cung cấp, đăng tải thông tin về lựa chọn nhà thầu và mẫu hồ sơ đấu thầu trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) đã bổ sung nhiều tiêu chí gây hạn chế trong HSMT, trong đó có gói thầu bảo hiểm, vào Phụ lục Một số hành vi hạn chế vi phạm quy định tại khoản 3 Điều 44 Luật Đấu thầu ban hành kèm Thông tư.

Cụ thể, đó là tiêu chí HSMT gói thầu bảo hiểm đưa ra quy định về lợi nhuận sau thuế, lợi nhuận thuần phải dương, quỹ dự phòng dao động lớn, vốn điều lệ cao hơn quy định của pháp luật về bảo hiểm làm yêu cầu kỹ thuật trong HSMT; HSMT gói thầu bảo hiểm đưa ra các tiêu chí đánh giá về kỹ thuật và quy định điểm tối thiểu cho cả các tiêu chí đánh giá nhỏ trong tiêu chí đánh giá tổng quát; trong đó chỉ duy nhất 1 doanh nghiệp bảo hiểm đáp ứng tất cả các tiêu chí; HSMT gói thầu bảo hiểm, đấu thầu rộng rãi trong nước đưa ra yêu cầu về năng lực, kinh nghiệm như: “Nhà cung cấp bảo hiểm đạt được xếp hạng tài chính ở mức an toàn bởi một trong các tổ chức xếp hạng quốc tế như A.M Best, Standard & Poor’s, Moody’s, Fitch” và coi đây là tiêu chí để loại bỏ nhà thầu nếu không đáp ứng.

Ngoài ra, nhiều quy định hạn chế khác đối với gói thầu phi tư vấn và gói thầu nói chung cũng được bổ sung tại Phụ lục Dự thảo Thông tư, mà HSMT gói thầu bảo hiểm cũng không được vi phạm.

Chia sẻ với Báo Đấu thầu, nhiều nhà thầu bảo hiểm cho rằng, việc Bộ KH&ĐT đưa các hành vi hạn chế cạnh tranh đã công bố trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia, đồng thời bổ sung tiêu chí hạn chế thường gặp trong thực tiễn đấu thầu vào Thông tư sắp tới sẽ tạo tính pháp lý, hạn chế tình trạng chủ đầu tư tùy tiện cài cắm tiêu chí vào HSMT. Tuy nhiên, một số ý kiến vẫn lo ngại sẽ có sự “lách luật”, đưa tiêu chí hạn chế vào tiêu chí ưu tiên để xếp hạng nhà thầu khi giá bằng nhau trong những gói thầu có quy định phí bảo hiểm tối thiểu.

Chuyên đề