Dấu hiệu cảnh báo về nền kinh tế Trung Quốc từ thị trường chứng khoán

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Thị trường tài chính Trung Quốc đang phát đi cảnh báo rằng, nền kinh tế nước này sẽ càng bất ổn hơn nếu có thêm một đợt phong tỏa do Covid-19.
Ảnh Internet
Ảnh Internet

Theo Bloomberg, Chỉ số chứng khoán Hang Seng China Enterprises đã giảm gần 9% kể từ ngày 28/6, khi chủng phụ của biến thể Omicron đe dọa làm tê liệt hoạt động của các nhà máy, làm giảm chi tiêu tiêu dùng và gây tổn hại đến lĩnh vực xây dựng.

Trong khi đó, đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc tiếp tục mất giá với đồng USD, với tỷ giá rơi xuống mức thấp nhất trong một tháng.

Căng thẳng tín dụng cũng ngày càng gia tăng trong những ngày qua khi China Evergrande tiến gần đến vụ vỡ nợ trong nước đầu tiên. Trước đó, Shimao Group Holdings đã không thể trả được khoản tiền gốc và lãi tổng trị giá 1,02 tỷ USD của một lô trái phiếu nước ngoài, làm dấy lên nỗi lo về sự đổ vỡ dây chuyền của các công ty bất động sản.

Giới đầu tư nhận ra rằng, việc đầu tư vào cổ phiếu Trung Quốc dựa trên giá trị mà bỏ qua những yếu tố khác là không phù hợp. Tương tự, nhận định tài sản tài chính của quốc gia này là nơi trú ẩn đáng tin cậy cho nhà đầu tư khi thị trường toàn cầu hỗn loạn cũng không còn sức thuyết phục. Tâm lý ngại rủi ro tái xuất trên thị trường cho thấy, chiến lược "Zero Covid" và chiến dịch trấn áp đối với lĩnh vực công nghệ và bất động sản của Chính phủ Trung Quốc sẽ tiếp tục ám ảnh nhà đầu tư trong nửa cuối năm 2022.

Trong khi GDP quý II (dự kiến công bố vào ngày 15/7) được dự báo tăng 1,2%, một số chỉ báo lại cho thấy thực chất nền kinh tế Trung Quốc đã suy giảm. Cùng lúc đó, ngân hàng trung ương nước này đang giảm bớt việc bơm thanh khoản, khiến các điều kiện tài chính có thể bị siết chặt hơn trong khoảng thời gian còn lại của năm 2022.

“Nỗi lo chính của nhà đầu tư là nguy cơ gián đoạn hoạt động kinh tế. Các cuộc xét nghiệm hàng loạt và chính sách giảm thuế VAT đang đặt rất nhiều áp lực lên ngân sách của chính quyền địa phương và hạn chế khả năng kích thích kinh tế của họ”, ông Peter Garnry, Giám đốc đầu tư cổ phiếu tại Ngân hàng Saxo Bank cho biết.

Chính phủ Trung Quốc vẫn đang đặt cược rằng hoạt động mạnh mẽ trong nửa cuối năm sẽ giúp nền kinh tế đạt mục tiêu tăng trưởng cả năm khoảng 5,5%. Bắc Kinh đã và đang thực hiện nhiều biện pháp kích thích tài khóa hơn, bao gồm tăng cường chi tiêu cơ sở hạ tầng và giảm thuế cho doanh nghiệp, nhằm thúc đẩy nền kinh tế. Tuy nhiên, việc đạt được mục tiêu tăng trưởng sẽ ngày càng khó khăn hơn khi Trung Quốc vẫn tiếp tục siết chặt các hạn chế đi lại để dập tắt mọi đợt bùng phát của Covid-19.

Chuyên đề