Đấu giá cổ phần Công ty Mai Động: Lên sàn giữa bê bối tài chính

(BĐT) - Sản xuất máy móc, thiết bị nhưng sự chú ý của các nhà đầu tư tham gia cuộc đấu giá cổ phần Công ty TNHH MTV Mai Động lại dồn vào tài sản đất đai, dự án bất động sản công ty này đang sở hữu.
Năm 2014, kết quả kinh doanh của Công ty TNHH MTV Mai Động là lỗ 10,4 tỷ đồng
Năm 2014, kết quả kinh doanh của Công ty TNHH MTV Mai Động là lỗ 10,4 tỷ đồng

Chi phí tăng, âm lợi nhuận

Ngày 23/3, Công ty TNHH MTV Mai Động (số 30 Minh Khai, Hai Bà Trưng, Hà Nội) sẽ tổ chức đấu giá gần 3,684 triệu cổ phần (CP) ra công chúng, giá khởi điểm 10.000 đồng/CP. Những lình xình quanh dự án hợp tác với Công ty VC3, xử lý các khoản nợ ngân hàng, nợ thuế đang là các yếu tố lớn nhất ảnh hưởng đến kết quả đấu giá trong thời gian tới.

Có bề dày hoạt động từ năm 1960, Công ty Mai Động hoạt động chính trong lĩnh vực sản xuất cơ khí, ống nước, phụ kiện đường ống... Một số mặt hàng của Công ty đã từng chiếm lĩnh vị thế dẫn đầu tại thị trường Việt Nam như mặt hàng ống gang cầu... Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, hiện nay vị thế của Công ty đang dần tụt lại so với các doanh nghiệp (DN) cùng ngành. Trong khi đó, các loại chi phí có chiều hướng gia tăng. Năm 2013, chi phí tăng mạnh lên hơn 12,09 tỷ đồng do hạch toán bổ sung phần lãi vay ngân hàng còn thiếu của các năm trước. Năm 2014, chi phí tài chính vẫn chiếm tỷ trọng ở mức 66,62% so với doanh thu thuần, trong đó chủ yếu là các chi phí lãi vay ngân hàng. Năm 2013, 2014 và 6 tháng đầu năm 2015, chi phí quản lý DN của Công ty tăng cao một phần do chi phí tiền lương của Công ty cao hơn so với các năm trước. Trong điều kiện doanh thu bán hàng giảm nhưng các khoản chi phí vẫn giữ nguyên như người lao động, khấu hao... dẫn đến chi phí quản lý lớn, kết quả kinh doanh thua lỗ là hệ quả tất yếu.

Theo Báo cáo tài chính quý II/2015, tổng tài sản Công ty Mai Động đạt 371,065 tỷ đồng gần như không thay đổi so với đầu năm. Trong đó, riêng các khoản phải thu ngắn hạn đã lên đến 107,432 tỷ đồng. Về công nợ, Công ty phải trả 284 tỷ đồng, trong đó chủ yếu là nợ tín dụng và thuê tài chính 102 tỷ đồng, phải trả ngắn hạn khác lên đến 156 tỷ đồng.

Về kết quả kinh doanh, kết thúc năm 2014, Công ty lỗ 10,4 tỷ đồng. Đà thua lỗ chưa dừng lại kéo dài hết 6 tháng đầu năm 2015, lũy kế lợi nhuận sau thuế chưa phân phối âm gần 17 tỷ đồng. 

Rắc rối xử lý các khoản nợ 

Theo Biên bản xác định giá trị DN lập ngày 28/9/2015, tổng giá trị DN của Công ty Mai Động xác định lại là 384,6 tỷ đồng trừ đi khoản nợ thực tế phải trả 279 tỷ đồng và giá trị thực tế phần vốn nhà nước tại DN là hơn 104 tỷ đồng. Đây được xác định là phần vốn tại DN để thực hiện CPH. Tuy nhiên, còn rất nhiều rắc rối tài chính mà Công ty sau CPH phải giải quyết ảnh hưởng đến các kế hoạch, chiến lược kinh doanh.

Theo Công ty CP Chứng khoán Bảo Việt (đơn vị tư vấn CPH), đáng chú ý nhất là khoản nợ Ngân hàng TMCP Công thương Chi nhánh Đông Hà Nội trên 110 tỷ đồng, trong đó 35,459 tỷ đồng và số lãi đang hạch toán, theo dõi trên sổ sách kế toán là 70,946 tỷ đồng. Trong thời gian qua, Công ty Mai Động đã nhiều lần làm việc với Ngân hàng để xử lý số nợ và lãi vay trên. Trong các buổi làm việc hai bên đã thống nhất khi Công ty có nguồn tiền thu được về tài khoản mở tại Ngân hàng thì đề nghị Ngân hàng thu nợ dứt điểm các khoản vay dài hạn trước, sau đó đến nợ ngắn hạn và sẽ được Ngân hàng miễn toàn bộ tiền lãi còn nợ khi trả nợ gốc theo cam kết.

Thỏa thuận này được Ngân hàng chấp thuận chủ trương bằng văn bản, tuy nhiên do các nguồn tiền dự án kinh doanh bất động sản, đặc biệt là nguồn tiền từ dự án 310 Minh Khai không về kịp, Ngân hàng đã không thực hiện cam kết miễn lãi và bán lại khoản nợ cho ông Nguyễn Toàn Thắng. Tuy khoản vay này đã bán lại cho ông Thắng nhưng chưa hoàn thiện các thủ tục chuyển quyền chủ nợ hợp pháp cho người mua (chưa ký thỏa thuận 3 bên). Đối với số tiền lãi phải trả Ngân hàng gần 71 tỷ đồng, Công ty Mai Động đã hạch toán vào chi phí hoạt động sản xuất kinh doanh 36,5 tỷ đồng và chi phí lãi vay còn lại đang được ghi nhận 34 tỷ đồng.

Đối với khoản nợ Vietinbank đã bán cho ông Nguyễn Toàn Thắng nhưng chưa hoàn thiện các thủ tục chuyển quyền chủ nợ hợp pháp, Công ty Mai Động sẽ phải làm việc với Ngân hàng và ông Thắng để xử lý dứt điểm số lãi vay nêu trên. Số lãi vay còn lại sau khi được xử lý, Công ty Mai Động sau khi chuyển sang CTCP phải có trách nhiệm kế thừa.

Ngoài các khoản nợ phải trả đối với ngân hàng, Công ty Mai Động còn bị truy thu và xử phạt tiền thuế. Tại thời điểm 31/12/2014, Công ty đã ghi nhận khoản phải nộp về tiền thuế đất tại Thanh Liệt - Thanh Trì, Hà Nội với số tiền 9,6 tỷ đồng, phạt nộp chậm kỳ trước gần 5,6 tỷ đồng.

Bên cạnh những khúc mắc liên quan đến nợ ngân hàng và thuế, Công ty Mai Động còn không ít rắc rối liên quan đến dự án 310 Minh Khai, Hà Nội - một trong những dự án trọng điểm mang lại dòng tiền cho Công ty. Theo đánh giá của đơn vị tư vấn, hiện Công ty Mai Động và Công ty VC3 (đối tác thực hiện Dự án) có nhiều khúc mắc liên quan đến việc phân chia lợi nhuận thực hiện dự án 310 Minh Khai nên hai bên chưa thống nhất được lợi nhuận chính thức. Mặc dù Dự án đã hoàn thành được 3 năm nhưng đến nay vẫn chưa dứt điểm được việc phân chia lợi nhuận cho thấy bất đồng giữa hai bên là không nhỏ.

Trao đổi với Báo Đấu thầu, nhà đầu tư Ngô Anh Vinh (sàn VnDirect - Hà Nội) cho biết, đối với những DN tại Hà Nội thực hiện CPH tại Hà Nội, yếu tố hấp dẫn thường là đất đai, tiềm năng phát triển các dự án bất động sản sau CPH. Trường hợp Công ty Mai Động, ông không thực sự quan tâm do vị trí đất đẹp nhất đã đầu tư tại Minh Khai hiện còn chưa phân chia rõ ràng được lợi nhuận. Một số dự án tại Thanh Trì hoặc Đông Anh quá xa, không thực sự hấp dẫn. Những bê bối tài chính, công nợ cũng là yếu tố khiến CP khó thu hút nhà đầu tư. Ông Vinh cho rằng, đối với những DNNN yếu kém, mục tiêu CPH nhằm thay đổi quản trị, cải thiện kết quả kinh doanh thì không nên đặt chốt chặn giá khởi điểm thấp nhất bằng mệnh giá 10.000 đồng/CP mà nên để thị trường tự định giá.

Chuyên đề