Đặt doanh nghiệp là trung tâm của chuyển dịch xanh

(BĐT) - Lấy doanh nghiệp làm trung tâm của chuyển dịch xanh, thu hút đầu tư vào năng lượng xanh; đồng bộ hệ thống chính sách để cộng đồng doanh nghiệp có thể tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng xanh toàn cầu... Đó là những giải pháp mà các chuyên gia, nhà đầu tư, cơ quan tham mưu chính sách đề xuất để thúc đẩy chuyển dịch xanh.
Xanh hóa trong sản xuất đang là xu thế tất yếu của doanh nghiệp xuất khẩu, trong đó sử dụng năng lượng tái tạo là điều kiện bắt buộc
Xanh hóa trong sản xuất đang là xu thế tất yếu của doanh nghiệp xuất khẩu, trong đó sử dụng năng lượng tái tạo là điều kiện bắt buộc

Nguồn lực tài chính để thực hiện tăng trưởng xanh cần được ưu tiên

Ông Nguyễn Đức Hiển, Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương

Trong nhiều năm qua, Ban Kinh tế Trung ương luôn đồng hành cùng TP.HCM cũng như các đô thị đặc biệt khác để xây dựng, triển khai chiến lược tăng trưởng xanh, lấy TP.HCM làm hình mẫu phát triển, nhân rộng ra cả nước. Trong thu hút đầu tư vào năng lượng xanh, thúc đẩy chuyển dịch xanh để hướng tới mục tiêu tăng trưởng xanh, chúng ta không thể làm theo phong trào mà cần xác định đúng trọng tâm, trọng điểm, có lộ trình, có tiêu chí đánh giá khách quan, phù hợp và khoa học. TP.HCM nói riêng và các địa phương cần ưu tiên phát triển một số ngành như công nghệ số, bán dẫn, công nghệ cao…

Đặc biệt, nguồn lực tài chính để thực hiện tăng trưởng xanh cần được ưu tiên, xem doanh nghiệp là đối tượng trung tâm. Hiện dư nợ tín dụng xanh cả nước mới chiếm 4,2% tổng dư nợ tín dụng, tỷ lệ này rất thấp, dư địa còn rất lớn. Do đó, để thu hút đầu tư vào năng lượng xanh, ngành ngân hàng cần có cơ chế tài chính xanh, tạo sự chủ động cho các đô thị đặc biệt thu hút đầu tư từ doanh nghiệp vào lĩnh vực này.

Khu vực tư nhân đóng vai trò then chốt trong việc chuyển đổi xanh

Ông Don Lam, Tổng giám đốc Tập đoàn VinaCapital

Hiện Việt Nam là một trong số ít các quốc gia trong khu vực có kế hoạch chính thức để phát triển kinh tế tuần hoàn. Cam kết của Chính phủ tại COP26 đã tạo tiền đề quan trọng để xây dựng nền kinh tế xanh, tuần hoàn cho giai đoạn tới. Đơn cử, Quy hoạch điện VIII đưa ra lộ trình chuyển đổi từ điện than sang các nguồn năng lượng sạch và tái tạo như khí hóa lỏng, điện mặt trời và điện gió.

Theo đánh giá của tôi, khu vực tư nhân đang đẩy mạnh và đóng vai trò then chốt trong việc thực hiện sự chuyển đổi này. Ví dụ, VinaCapital đang hợp tác để xây dựng Nhà máy Điện khí hóa lỏng (LNG) Long An cùng Tập đoàn GS Energy của Hàn Quốc. VinaCapital cũng đầu tư đáng kể vào năng lượng mặt trời, thông qua việc hợp tác với EDF Renewables để thành lập Công ty SkyX. SkyX hiện đang phát triển và vận hành hơn 100 MW năng lượng sạch tại hơn 40 nhà máy và khu công nghiệp, giúp giảm phát thải hơn 90.000 tấn carbon mỗi năm.

Ngày nay, phần lớn rác thải có thể được sử dụng làm nguyên liệu để sản xuất viên nén sinh khối, giảm nhu cầu về năng lượng hóa thạch. Đây chính là kinh tế tuần hoàn và Nestlé đang sản xuất gạch, phân bón từ các phế phẩm và vật liệu lợp mái nhà từ hộp sữa; Heineken Việt Nam đang tái sử dụng hoặc tái chế gần 99% rác thải hoặc sản phẩm phụ của quá trình sản xuất bia; Unilever Việt Nam đã thực hiện một chương trình thu gom và tái chế bao bì nhựa... Với sự dẫn dắt của Chính phủ cùng hệ thống chính sách ưu đãi thực tế, phù hợp và linh hoạt, tôi tin rằng doanh nghiệp Việt sẽ tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng xanh, tuần hoàn của các tập đoàn quốc tế.

Chuỗi LNG và điện khí cần vận động theo cơ chế thị trường

TS. Nguyễn Quốc Thập, Chủ tịch Hội Dầu khí Việt Nam

Để thực hiện mục tiêu phát triển năng lượng xanh, sạch tại Việt Nam, hoạt động của chuỗi LNG và điện khí cần do thị trường điều chỉnh, tức là tuân theo quy luật của thị trường.

Hiện các chủ thể trong các chuỗi dự án điện khí, LNG rất khó và không thể thống nhất các điều khoản quan trọng để các nhà đầu tư đánh giá, xây dựng phương án đầu tư. Thứ nhất, việc xây dựng khung giá điện được giao cho Bộ Công Thương, nhưng đến nay vẫn chưa ban hành. Một dự án điện có tuổi đời lên đến hàng chục năm thì giá tham chiếu đầu ra không thể ấn định một con số cụ thể, chưa kể giá nguyên liệu đầu vào là khí tự nhiên, LNG do thị trường quyết định. Thứ hai, trong khi giá điện chưa rõ ràng, thì việc cam kết tổng sản lượng điện mua hàng năm (Qc) từ phía Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và bao tiêu sản lượng khí hàng năm cũng khiến nhà đầu tư lo ngại về hiệu quả của dự án. Thứ ba là vấn đề bảo lãnh/bảo đảm chuyển đổi ngoại tệ/nội tệ và nghĩa vụ thanh toán quốc tế về nhập khẩu LNG cho các nhà đầu tư nước ngoài. Các nhà đầu tư mong muốn có cam kết, bảo lãnh này bởi lẽ họ mua LNG bằng ngoại tệ, nhưng thu tiền từ bán điện bằng VND. Ngoài ra, các chủ thể nhà máy điện có thể đầu tư bổ sung đường dây truyền tải và đấu nối. Khi đó giá bán điện sẽ do bên mua và bên bán thỏa thuận.

Các dự án đầu tư trong lĩnh vực năng lượng xanh nói riêng và năng lượng nói chung cần lượng vốn rất lớn. Do đó, nếu không huy động được nguồn vốn đầu tư từ bên ngoài, Việt Nam không thể hiện thực hóa các mục tiêu đã cam kết. Vì vậy, đẩy mạnh và tăng cường hợp tác và thu hút đầu tư nước ngoài chính là chìa khóa để thực hiện mục tiêu phát triển năng lượng xanh của Việt Nam.

Giải quyết mắt xích thiếu trong chuyển đổi năng lượng

PGS. TS. Phạm Hoàng Lương, Giám đốc Viện Khoa học Công nghệ quốc tế Việt Nam - Nhật Bản, Đại học Bách khoa Hà Nội

Chuyển dịch năng lượng, bản chất là thay đổi phương thức sản xuất và tiêu thụ năng lượng. Hiện nay, với sự giảm thiểu của năng lượng hóa thạch, năng lượng hữu hạn và để đảm bảo cho thế giới phát triển bền vững thì chúng ta phải hướng tới nguồn năng lượng tái tạo. Sự gia tăng dần tỷ trọng năng lượng tái tạo là xu thế chung của toàn cầu, Việt Nam không phải là ngoại lệ.

Vấn đề ưu tiên vẫn là sử dụng hiệu quả năng lượng, tăng dần tỷ trọng của năng lượng tái tạo, giảm dần tỷ trọng của năng lượng hóa thạch, giảm phát thải môi trường, tác động xấu tới biến đổi khí hậu. Theo tôi, chúng ta nên sản xuất những sản phẩm trung gian từ nguồn điện tái tạo được sản xuất dư thừa để phục vụ cho các ngành khác, bảo đảm tính trung hòa phát thải.

Đơn cử có thể dùng nước tái tạo điện phân ra hydro để sử dụng trực tiếp trong ngành giao thông vận tải, trong các ngành sử dụng trực tiếp hydro hoặc chuyển đổi hydro thành các dạng năng lượng trung gian. Đây sẽ là giải pháp quan trọng để giải quyết mắt xích còn thiếu trong quá trình chuyển đổi năng lượng của Việt Nam.

Cần có lộ trình nâng tỷ trọng ứng dụng hydrogen xanh trong nền kinh tế

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư

Hydrogen xanh được coi là năng lượng không carbon để bổ sung cho năng lượng gió và năng lượng mặt trời, đồng thời có thể sử dụng thay thế nhiên liệu hóa thạch.

Hiện nay, tiềm năng của hydrogen xanh là rất lớn, là lĩnh vực mới ở Việt Nam và cả thế giới. Tuy nhiên, chi phí để sản xuất và ứng dụng của hydrogen xanh là rất cao, chưa phù hợp với mức sống và năng lực của doanh nghiệp, người dân trong nước.

Do đó, việc khó nhất cần giải quyết hiện nay là vấn đề công nghệ sản xuất và ứng dụng của hydrogen xanh như thế nào để có chi phí phù hợp nhất.

Việt Nam không thể làm ngay một lúc mà cần có quá trình. Trong quá trình này, việc lựa chọn phát triển hydrogen xanh và năng lượng tái tạo là hướng đi đúng. Việc ứng dụng và phát triển hydrogen xanh sẽ phải có lộ trình cụ thể trong việc nâng dần tỷ trọng của nguồn năng lượng này. Lộ trình này phải được xây dựng phù hợp, triển khai và giám sát hiệu quả để đạt các mục tiêu mà Việt Nam đã đặt ra.

Từ chối cấp giấy chứng nhận đầu tư cho dự án có công nghệ lạc hậu, gây ô nhiễm

Ông Nguyễn Văn Phúc, Trưởng ban Quản lý các khu công nghiệp Bắc Ninh

Qua 25 năm xây dựng và phát triển các khu công nghiệp, tỉnh Bắc Ninh luôn định hướng phát triển khu công nghiệp theo hướng hiện đại, bền vững và thân thiện với môi trường. Thời gian tới, Bắc Ninh sẽ tiếp tục tập trung thực hiện một số giải pháp cốt lõi để chuyển đổi khu công nghiệp hiện hữu sang mô hình khu công nghiệp xanh, sạch và thân thiện với môi trường như: quản lý chặt công tác bảo vệ môi trường ngay từ khi xây dựng, phê duyệt các dự án đầu tư khu công nghiệp, bảo đảm tỷ lệ không gian xanh trong các khu công nghiệp, khuyến khích các doanh nghiệp tham gia và đạt tiêu chí “khu công nghiệp xanh”, “công trình xanh”...

Trong định hướng thu hút đầu tư vào khu công nghiệp, Bắc Ninh ưu tiên lựa chọn dự án theo tiêu chí “hai ít; ba cao”: sử dụng ít đất và ít lao động; suất vốn đầu tư cao, hiệu quả kinh tế cao và hàm lượng công nghệ cao gắn với giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường. Các tiêu chí này là cơ sở để phát triển các khu công nghiệp theo hướng bền vững, đạt mục tiêu tăng trưởng xanh.

Trong thời gian tới, để phát triển các khu công nghiệp xanh, Bắc Ninh sẽ tiếp tục đẩy mạnh thu hút đầu tư có chọn lọc, tập trung những ngành công nghiệp mũi nhọn, công nghệ cao; xúc tiến dự án đầu tư có tính thích ứng với biến đổi khí hậu, kinh tế tuần hoàn, thúc đẩy chuyển đổi xanh, sử dụng tiết kiệm các nguồn năng lượng. Đặc biệt, sẽ từ chối cấp phép đầu tư các dự án công nghiệp có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao.

Doanh nghiệp là chủ thể của quá trình vận hành mô hình sản xuất xanh

Ông Phạm Hồng Điệp, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Shinec

Muốn thu hút đầu tư vào năng lượng xanh, thúc đẩy chuyển dịch xanh thì phải nâng cao nhận thức của doanh nghiệp, giúp họ hiểu về vai trò, tầm quan trọng của việc phát triển bền vững trong bối cảnh hiện nay. Việc phát triển các hoạt động sản xuất theo mô hình xanh sẽ giúp doanh nghiệp xây dựng cho mình được các giá trị trụ cột trọng tâm như: kinh tế (tiết kiệm các chi phí sản xuất) - xã hội (được xã hội đón nhận các sản phẩm đầu ra) - môi trường (bảo vệ và tận dụng tối đa các tài nguyên thiên nhiên) - quản trị (tham gia vào mạng lưới sản xuất hiệu quả hơn, cùng nhau cải thiện chất lượng hoạt động tốt hơn). Hơn ai hết, doanh nghiệp chính là chủ thể của quá trình “vận hành” mô hình sản xuất xanh, từ việc đánh giá lại hệ thống hoạt động sản xuất hiện tại của mình để vạch định ra lộ trình chuyển đổi sang sản xuất xanh một cách phù hợp nhất đến kết nối với cộng đồng doanh nghiệp, cộng đồng dân cư ủng hộ, tham gia vào chuỗi sản xuất thân thiện với môi trường.

Mặt khác, để triển khai thành công mô hình sản xuất xanh, thúc đẩy chuyển dịch xanh thì cần thực hiện rất nhiều hoạt động, các doanh nghiệp rất dễ gặp khó khăn, đi lệch hướng, dẫn tới chi phí chuyển đổi tăng cao mà hiệu quả mang đạt không như mong muốn. Do đó, ở góc độ cá nhân, tôi cho rằng, Nhà nước cần tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện sản xuất xanh thông qua các chính sách hấp dẫn, giúp doanh nghiệp cụ thể hơn lộ trình, chính sách chuyển đổi cũng như xây dựng mới các mô hình sản xuất xanh, có chính sách tín dụng xanh, chính sách ưu đãi về đất đai, thuế đối với doanh nghiệp tham gia vào chuỗi sản xuất xanh.

Bảo đảm hợp tác công - tư để phát triển nguồn cung ứng điện bền vững

Ông John Rockhold, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hoa Kỳ (AmCham) tại Việt Nam

Một khía cạnh mà tất cả doanh nghiệp và các nhà đầu tư tương lai đều quan tâm là độ tin cậy về nguồn cung năng lượng và khả năng tiếp cận năng lượng tái tạo. Mối quan hệ giữa cung - cầu điện là khá phức tạp và Chính phủ cần có cách tiếp cận phù hợp, bảo đảm hợp tác công - tư để phát triển nguồn cung ứng điện bền vững, đáng tin cậy, với giá cả phải chăng.

Quy định cần phải được xây dựng cụ thể, ổn định và Chính phủ nên tập trung vào các dự án khả thi, có khả năng huy động vốn để bảo đảm nguồn cung ứng điện đáp ứng nhu cầu nội địa ngày càng tăng.

Đồng thời, để đáp ứng nhu cầu điện ngày càng tăng và hiện thực hóa cam kết tại Hội nghị COP26, những giải pháp quan trọng cần thực hiện bao gồm phát triển lưới điện, triển khai hợp đồng mua bán điện có khả năng thanh toán, rút gọn thủ tục phê duyệt dự án và củng cố vị thế tài chính của các công ty điện lực quốc gia.

Tôi muốn nhấn mạnh, với kinh nghiệm công tác trong ngành điện, sự tham gia của khu vực tư nhân có ý nghĩa rất quan trọng đối với an ninh năng lượng và chuyển đổi năng lượng tại Việt Nam.

Chuyên đề

Kết nối đầu tư