Ảnh minh họa. Nguồn Internet |
Khó như xác nhận leader
Câu chuyện vừa xảy ra tại Gói thầu Thi công xây dựng và cung cấp, lắp đặt thiết bị xây dựng thuộc Dự án Đầu tư xây dựng cơ sở 2 Bệnh viện Ung bướu TP.HCM. Trong quá trình phóng viên Báo Đấu thầu tìm hiểu thông tin, đại diện nhà thầu Vinaconex liên tục khẳng định mình là nhà thầu đứng đầu liên danh. “Nếu CC1 đứng một mình gói thầu này chắc chắn năng lực không đủ. Thêm hồ sơ năng lực của Vinaconex thì mới đủ sức cạnh tranh được” - đại diện của Vinaconex nhấn mạnh. Tại gói thầu này, mọi nội dung liên quan đến kiến nghị về kết quả đánh giá bước kỹ thuật đều do CC1 chủ động thực hiện. “Chúng tôi cũng không mặn mà với dự án này, liên danh chẳng qua vì nếu đứng độc lập, trong dự án này, rất khó nhà thầu nào có khả năng trúng thầu. Dù có tên trong liên danh, đứng đầu liên danh, nhưng chúng tôi không quan tâm đến gói thầu này” - đại diện Vinaconex khẳng định.
Trong khi đó, hồ sơ dự thầu, cụ thể là đơn dự thầu của Liên danh CC1 - Vinaconex tại gói thầu nêu trên thể hiện, CC1 chiếm tỷ lệ 45%, nhưng lại là đại diện đứng đầu liên danh. Như vậy, dù Vinaconex chiếm tỷ lệ 55% nhưng vẫn chỉ là thành viên liên danh. Tại sao trong cùng một liên danh, việc xác định đại diện đứng đầu liên danh lại trái ngược như thế? Nhiều nhà thầu chia sẻ, vì đối với hiện tượng này, việc liên danh chẳng qua là hình thức, bức bình phong để tô vẽ hồ sơ năng lực thực sự của nhà thầu. “Sẽ chỉ có một nhà thầu duy nhất thực hiện gói thầu như thế này. Vì nếu đã đồng thuận kề vai sát cánh với nhau trong một gói thầu, các nhà thầu sẽ thống nhất mọi hành động, phát ngôn về việc dự thầu cũng như xuyên suốt quá trình đấu thầu” - một nhà thầu phân tích.
Liên danh hay mượn danh?
Khi đặt bút ký thỏa thuận liên danh với Công ty TNHH Đông Dược Hòa Phú, bà Nguyễn Thi Thuyết, Giám đốc Công ty TNHH Thiên Ân Dược đã không thể hình dung có ngày bà phải đi khắp nơi chứng minh, liên danh này đã hoàn toàn hết hiệu lực từ lâu, và Hòa Phú đã và đang lợi dụng danh nghĩa liên danh này để “mượn danh” Thiên Ân Dược nhằm cung cấp dược liệu, vị thuốc y học cổ truyền vào hệ thống cơ sở y tế công lập trong cả nước.
Hồ sơ mà Báo Đấu thầu có được đã chứng minh, từ năm 2013 đến nay, Thiên Ân Dược chỉ ký duy nhất một Thỏa thuận liên danh vào ngày 24/12/2013 với Công ty Hòa Phú. Theo thỏa thuận, các thành viên tự nguyện hình thành liên danh tham gia gói thầu mua dược liệu, vị thuốc y học cổ truyền năm 2013 của Bệnh viện Y học cổ truyền TP.HCM. Theo đó, tại Điều 3, Thỏa thuận liên danh giữa Hòa Phú và Thiên Ân Dược có hiệu lực kể từ ngày ký đến khi chấm dứt hợp đồng kinh tế giữa chủ đầu tư và Liên danh nêu rõ: Thỏa thuận liên danh chấm dứt hiệu lực trong trường hợp các bên hoàn thành trách nhiệm, nghĩa vụ của mình và tiến hành thanh lý hợp đồng.
Tuy nhiên, phản ánh của nhiều cơ sở y tế công lập đến Thiên Ân Dược lại cho thấy, Hòa Phú vẫn ngang nhiên sử dụng danh nghĩa “liên danh” này đi đấu thầu khắp nơi. Và với hồ sơ năng lực gồm cả Hòa Phú (có tiếng tại TP.HCM), và Thiên Ân Dược (có tiếng tại khu vực phía Nam), Hòa Phú đã được xét trúng rất nhiều gói thầu cung cấp dược liệu, vị thuốc cổ truyền thời gian qua. Lời tố cáo của Thiên Ân Dược đối với hành vi “mượn danh” của Hòa Phú cũng là lời cảnh tỉnh đối với rất nhiều chủ đầu tư/bên mời thầu khi đánh giá hồ sơ dự thầu đối với các liên danh. Đã và đang có rất nhiều nhà thầu ngang nhiên “mượn danh” nhà thầu khác, “tròng” vào “liên danh tưởng tượng” của mình để đi đấu thầu.
Và liên danh cho oai
Một số gói thầu có quy mô nhỏ hơn khi phóng viên Báo Đấu thầu tiếp cận được cho thấy một hiện tượng các nhà thầu hoàn toàn máy móc khi thực hiện hồ sơ. Cụ thể, tại một gói thầu chăm sóc cây xanh, dù đứng đơn dự thầu là liên danh, nhưng hồ sơ dự thầu, cụ thể là bảng kê khai thông tin về nhà thầu, đại diện đứng đầu liên danh lại không kê khai thành viên liên danh. Chia sẻ với Báo Đấu thầu, nhà thầu này rất hồn nhiên: “Không quen làm hồ sơ thầu nên quên mất việc này. Chẳng qua chúng tôi muốn liên danh cho… oai thôi. Khi chủ đầu tư thấy có đến 2 nhà thầu đứng đơn dự thầu họ sẽ… nể. Chứ đứng một mình chúng tôi vẫn dư sức để hoàn thành gói thầu này”.
Đây là một điều kiện rất quan trọng để đánh giá hồ sơ dự thầu của liên danh, nhưng với những nhà thầu chưa đấu thầu nhiều lại quá coi nhẹ, thậm chí thiếu hiểu biết dẫn tới bỏ qua hoàn toàn. Đáng tiếc, đây lại không phải là trường hợp cá biệt mà chúng tôi ghi nhận. Đối với những gói thầu có sự tham gia của những nhà thầu là doanh nghiệp cấp nhỏ và siêu nhỏ, đối với việc kê khai thông tin về thành viên của liên danh vẫn hoàn toàn chưa chuyên nghiệp. “Chúng tôi gặp khá nhiều trường hợp, nhà thầu đứng đơn dự thầu là liên danh nhưng khi đánh giá hồ sơ dự thầu, tìm mãi vẫn không thấy thông tin của thành viên liên danh còn lại đâu cả. Cả bộ hồ sơ dự thầu dày cộp, trình bày công phu nhưng chỉ có thông tin của đại diện nhà thầu đứng đầu liên danh. Điều này hoàn toàn bất lợi cho các nhà thầu và họ đã bị loại ra khỏi cuộc thầu” - một đơn vị tư vấn đấu thầu chia sẻ.