Đằng sau những gói thầu yêu cầu tiến độ “thần tốc”

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Nhiều nhà thầu phải lắc đầu chịu thua trước yêu cầu về thời gian thực hiện gói thầu của không ít hồ sơ mời thầu (HSMT). Việc đưa ra đề bài phi thực tế khiến nhà thầu khó xoay xở có thể làm giảm tính cạnh tranh, hạn chế nhà thầu tham dự và không đảm bảo tính công bằng, minh bạch trong đấu thầu.
Gói thầu mua sắm hàng hóa tại Trường Tiểu học Hương Phú (Thừa Thiên Huế) đã điều chỉnh thời gian thực hiện hợp đồng để tạo điều kiện cho nhà thầu tham dự. Ảnh minh họa: Nhã Chi
Gói thầu mua sắm hàng hóa tại Trường Tiểu học Hương Phú (Thừa Thiên Huế) đã điều chỉnh thời gian thực hiện hợp đồng để tạo điều kiện cho nhà thầu tham dự. Ảnh minh họa: Nhã Chi

Ngay sau khi phát hành HSMT, ngày 17/7/2024, Gói thầu số 03 Mua sắm tăng cường cơ sở vật chất, thiết bị dạy học tối thiểu phục vụ đổi mới chương trình sách giáo khoa tại Trường Tiểu học Hương Phú (Thừa Thiên Huế) năm 2022 đã phát sinh đơn kiến nghị của nhà thầu về việc xem xét điều chỉnh thời gian thực hiện hợp đồng từ 10 ngày lên 30 - 40 ngày.

Theo kiến nghị, danh mục hàng hóa mời thầu có hạng mục bàn ghế học sinh tiểu học với số lượng 60 bộ, yêu cầu về kích thước và nhóm gỗ cụ thể, là mặt hàng không có sẵn trên thị trường, phải sản xuất theo đơn hàng, nên thời gian thực hiện hợp đồng 10 ngày là không thể. Tiêu chí này có thể làm hạn chế nhà thầu tham dự hoặc tạo điều kiện cho nhà thầu đã gia công sẵn trúng thầu. Quy trình gia công bàn ghế thông thường cần khoảng 35 ngày, bao gồm các công đoạn như: chọn gỗ và xẻ gỗ (2 ngày), hấp sấy gỗ (15 ngày), gia công lắp ráp phần thô (8 ngày), làm nguội xả nhám lót pu (4 ngày), sơn pu 3 nước (6 ngày), vệ sinh kiểm tra hàng hóa và bao bọc để chuẩn bị vận chuyển (1 ngày). Mặt khác, thời điểm khai giảng năm học mới vẫn còn hơn 40 ngày, nên Chủ đầu tư có thể xem xét điều chỉnh thời gian thực hiện hợp đồng lên 30 - 40 ngày để có sản phẩm chất lượng nhất.

Tại Hải Dương, một số nhà thầu bất bình với một gói thầu cung cấp dịch vụ vệ sinh bệnh viện khi HSMT yêu cầu phải cung cấp 85 nhân sự, nhưng kể từ khi trúng thầu đến khi hợp đồng có hiệu lực chỉ vỏn vẹn 4 ngày. Theo các nhà thầu, với thời gian quá ngắn, nhà thầu không thể chuẩn bị kịp. Để huy động được số lượng nhân sự lớn như vậy, thời gian cần có ít nhất là 15 ngày…

Tương tự, Gói thầu Tổ chức Lễ hội Sen Hà Nội và giới thiệu sản phẩm OCOP gắn với văn hóa các tỉnh miền núi phía Bắc năm 2024 (do Trung tâm Văn hoá Thông tin và Thể thao Tây Hồ, TP. Hà Nội làm chủ đầu tư) cũng vấp phải kiến nghị của nhà thầu về nhiều nội dung bất cập trong HSMT, trong đó có yêu cầu về thời gian bất khả thi.

Cụ thể, nhà thầu kiến nghị cho rằng, thời gian đánh giá hồ sơ dự thầu (HSDT) quá gấp gáp, kể từ thời điểm đóng thầu (10h00 ngày 10/7/2024) cho đến khi chương trình diễn ra (19h ngày 12/7/2024) chỉ có 2 ngày, trong khi thời gian làm rõ HSDT (nếu có) theo quy định của pháp luật về đấu thầu là không ít hơn 3 ngày làm việc…

Mặt khác, HSMT yêu cầu thời gian thực hiện Gói thầu là 7 ngày kể từ ngày ký hợp đồng. Theo nhà thầu kiến nghị, 7 ngày là quá ngắn, không đủ để chuẩn bị nhiều loại công việc (bao gồm sản xuất thi công sân khấu, huy động diễn viên, tập luyện và tổ chức chương trình nghệ thuật 90 phút với 200 diễn viên cùng các nghệ sĩ, ca sĩ biên đạo múa…). Đặc biệt, thi công sân khấu nổi và cầu phao dưới nước, deco tạo hình 3D cụm sen dưới hồ, thi công bông sen sân khấu… là những hạng mục phức tạp, phải sản xuất tại nhà xưởng và thi công. “Với phạm vi, hạng mục công việc của Gói thầu, thời gian tối thiểu để thực hiện phải tới 20 ngày kể từ ngày ký hợp đồng, và phải thi công liên tục, không ngừng nghỉ mới có thể hoàn thành toàn bộ”, nhà thầu nhận định.

Ngoài ra, nhà thầu kiến nghị còn đưa ra bằng chứng về việc Gói thầu có hiện tượng “thi công trước, chọn thầu sau”, theo đó đã có nhà thầu đưa các thiết bị đến thi công và lắp đặt tại đúng sân khấu chính của chương trình và hoàn thành thi công lắp đặt băng rôn tuyên truyền tại các tuyến đường theo yêu cầu của HSMT.

Rốt cuộc, Trung tâm Văn hoá Thông tin và Thể thao Tây Hồ, TP. Hà Nội buộc phải hủy thầu và thay phương án tổ chức sự kiện.

Tại Gói thầu số 03 Mua sắm tăng cường cơ sở vật chất, thiết bị dạy học, Trường Tiểu học Hương Phú đã điều chỉnh thời gian thực hiện hợp đồng từ 10 ngày lên 30 ngày để đảm bảo cạnh tranh, tạo điều kiện cho các nhà thầu tham gia Gói thầu. Nhờ đó, Gói thầu thu hút 4 nhà thầu tham dự với giá dự thầu cạnh tranh (giá dự thầu thấp nhất giảm 25,8% so với giá gói thầu).

Tuy nhiên, nhiều chủ đầu tư, bên mời thầu vẫn giữ nguyên “đề bài” với các lý do biện minh như: công việc cần triển khai ngay, hàng hoá thông dụng nên không cần nhiều thời gian…

Chia sẻ với Báo Đấu thầu, một nhà thầu cho rằng: “Thời gian thực hiện hợp đồng do chủ đầu tư quyết định. Nhiều khi thời gian thực hiện hợp đồng quá ngắn, phi thực tế là một cái bẫy với các nhà thầu “lạ”. Bên cạnh đó, pháp luật hiện không có quy định thời hạn tối thiểu từ khi thông báo trúng thầu đến khi triển khai hợp đồng nên chủ đầu tư thường tuỳ tiện ấn định, có thể gây khó cho các nhà thầu. Do đó, cần có chế tài để sớm khắc phục tình trạng này, mang lại công bằng cho các nhà thầu, gia tăng tính cạnh tranh và hiệu quả của cuộc thầu”.

Chuyên đề