Đằng sau những cuộc thầu thương thảo không thành

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Nhiều câu chuyện thương thảo không thành công tại một số gói thầu lớn thời gian qua cho thấy, việc gói thầu không được trao cho nhà thầu xếp thứ nhất đến từ nhiều nguyên nhân, trong đó có những nguyên nhân cần làm rõ.
Nhiều câu chuyện thương thảo không thành công tại một số gói thầu lớn thời gian qua. Ảnh chỉ mang tính minh họa: Lê Tiên
Nhiều câu chuyện thương thảo không thành công tại một số gói thầu lớn thời gian qua. Ảnh chỉ mang tính minh họa: Lê Tiên

Tại Gói thầu số 5 Mua sắm thiết bị công nghệ thông tin (giá gói thầu 12,302 tỷ đồng) của Cục Viễn thông và Cơ yếu, Bộ Công an, Gói thầu đã được trao cho nhà thầu xếp thứ 2 là Công ty CP Xuất nhập khẩu thiết bị công nghệ HTC với giá 11,312 tỷ đồng. Liên danh Công ty CP Công nghệ MobiFone Toàn cầu - Công ty CP Viễn thông và Giải pháp công nghệ Việt Nam là nhà thầu xếp thứ nhất về giá, nhưng không được lựa chọn vì bị hãng Dell và hãng Fortinet từ chối cung cấp giấy phép bán hàng và cam kết không có mã độc của nhà sản xuất (giá dự thầu 10,68 tỷ đồng).

Trao đổi với phóng viên Báo Đấu thầu, nhiều đại diện nhà thầu cho biết, việc đấu thầu diễn ra trong môi trường mạng nên không bắt buộc có sự tiếp xúc trực tiếp giữa nhà thầu với chủ đầu tư. Nếu xếp thứ nhất mà là nhà thầu “lạ” thì quá trình thương thảo hợp đồng vô cùng gian nan, bị chủ đầu tư hạch sách đủ điều, chán nản nên phải bỏ cuộc. Ở nhiều gói thầu mua sắm hàng hóa có tình trạng đơn vị cung cấp, sản xuất thiết bị không cung cấp hàng hóa hoặc cấp giấy phép bán hàng cho nhà thầu xếp thứ nhất.

Tại gói thầu hơn 450 tỷ đồng xây dựng nhà đa năng của một trường đại học ở Hà Nội, chủ đầu tư đã lựa chọn nhà thầu xếp hạng thứ 3 trúng thầu, lý do là “thương thảo không thành công” với nhà thầu xếp thứ nhất và thứ 2. Chênh lệch giữa giá trúng thầu của nhà thầu xếp hạng thứ 3 với nhà thầu xếp hạng thứ nhất và thứ 2 là hơn 30 tỷ đồng. Điều đáng chú ý là việc thương thảo ở một gói thầu quy mô hàng trăm tỷ đồng nhưng diễn ra khá chóng vánh và các bên đều “im lặng”, các nhà thầu xếp thứ nhất, thứ 2 dù mất cơ hội thực hiện một gói thầu lớn song không có động thái kêu ca nào.

Chia sẻ với phóng viên Báo Đấu thầu, một nhà thầu cho biết, với kinh nghiệm của mình, việc trao thầu cho nhà thầu xếp hạng thứ 3 ở gói thầu trên chắc chắn phải có sự đồng thuận của 2 nhà thầu còn lại bởi lẽ ở những gói thầu có quy mô lớn như vậy, các nhà thầu có “máu mặt”, có năng lực kinh nghiệm thì mới vượt qua được các vòng đánh giá, chủ đầu tư không dễ gì “xử ép” hay gây khó dễ với những nhà thầu lớn này được.

Theo chuyên gia về đấu thầu, trong mỗi cuộc thầu, nhà thầu xếp thứ nhất là nhà thầu được đánh giá cao nhất, thường có giá dự thầu cạnh tranh nhất. Tuy nhiên, khi gói thầu đã không được trao cho nhà thầu xếp thứ nhất, lý do được đưa ra hợp lý và dễ giải thích nhất là “thương thảo không thành công”. Quá trình thương thảo hợp đồng có sự tiếp xúc trực tiếp giữa các nhà thầu với chủ đầu tư nên việc nó có diễn ra minh bạch, công tâm hay không phụ thuộc rất nhiều vào yếu tố chủ quan của mỗi bên. Việc không trao gói thầu cho nhà thầu xếp hạng thứ nhất ít nhiều sẽ làm tăng chi phí cho ngân sách nhà nước, ở những gói thầu quy mô lớn thì con số chênh lệch này không hề nhỏ, dẫn tới hiệu quả sử dụng vốn ngân sách không cao. Do đó, để giải đáp những băn khoăn, thắc mắc của dư luận về việc chọn nhà thầu kém ưu tú trúng thầu thì cần có sự vào cuộc của cơ quan chức năng để minh bạch chuyện thương thảo hợp đồng không thành công.

Chuyên đề