Dân yêu cầu các đơn vị thi công Hầm Đèo Cả bồi thường lũ lụt

Sau đợt mưa lũ vừa qua, hàng chục hộ ở xã Đại Lãnh đã yêu cầu các đơn vị thi công Dự án Hầm đường bộ đèo Cả bồi thường. Người dân cho rằng, dự án làm thay đổi dòng chảy tự nhiên khiến nước mưa không thoát kịp, gây thiệt hại cho khu dân cư.

Trong đợt lũ lụt cuối tháng 12, các hộ ở thôn Tây Nam 2, xã Đại Lãnh đều bị thiệt hại do mưa lũ, có nhà nước dâng cao lên đến cả mét. Ông Cao Văn Minh (65 tuổi, trú thôn Tây Nam 2), kể lại: “Sáng 16-12, trận mưa lớn, kéo dài đã khiến cả xóm sát dòng suối Dừa bị ngập nặng. Nhiều hộ nước dâng vào nhà gây hư hỏng tài sản, cuốn trôi gà vịt. Mưa lớn cũng khiến nước tràn vào mấy đìa tôm của gia đình tôi, khiến khoảng 8 tấn tôm bị cuốn trôi, thiệt hại hơn 1 tỷ đồng. Bao nhiều tiền của đều đổ dồn vào mấy đìa tôm, nay coi như trắng tay”.

Phần cống tạm vừa được nới rộng để khơi thông dòng chảy

Khu vực bị ngập lụt hầu hết là những khu vực gần biển nên bao năm nay chưa xảy ra trường hợp tương tự. Ông Hà Thế (56 tuổi, thôn Tây Nam 2) cho hay: “Nhà tôi ở vị trí cao nhất trong khu vực nhưng nước cũng tràn vào nhà. Tôi đã sống ở đây mấy chục năm nhưng chưa bao giờ bị lụt như thế này, bởi ở Đại Lãnh, biển nằm ngay ở bên nên mưa đến đâu, nước thoát ra đến đấy”.   

Phần lớn người người dân địa phương đều cho rằng, việc thi công Dự án Hầm đường bộ đèo Cả là nguyên nhân chính dẫn tới việc ngập lụt. Tình trạng này bắt đầu xuất hiện từ năm 2014, khi Dự án Hầm đường bộ đèo Cả triển khai, tuyến đường dẫn đến hầm chắn ngang nhiều con suối dòng chảy từ trên núi xuống biển khiến việc thoát nước mưa bị hạn chế. “Ngoài ra, để có đường lên núi khai thác đất đá, chủ đầu tư đã đắp đường, lấn một phần suối Dừa, cống xả nằm ngang đường dẫn cũng làm quá nhỏ khiến nước lũ từ núi về không thoát kịp, gây ngập úng cả xóm. Mãi đến hôm bị ngập, đơn vị thi công mới cho máy múc phá bỏ đường ở 2 bên cống xả thì nước mới rút được”, ông Minh khẳng định.

Ông Trần Kim Bảo - Chủ tịch UBND huyện Vạn Ninh cho biết: Vấn đề hệ thống thoát nước ở Dự án Hầm đường bộ đèo Cả chưa đảm bảo, chúng tôi đã nhắc nhở chủ đầu tư rất nhiều lần. Chúng tôi yêu cầu chủ đầu tư phải nghiên cứu lại hệ thống thoát nước ở đây. Riêng về tình hình ngập lụt ở Đại Lãnh huyện đã nắm được, sắp tới chúng tôi sẽ đôn đốc các đơn vị thi công xử lý để tránh xảy ra tình trạng tương tự.
Trao đổi về việc này, ông Trần Đình Thú - Chủ tịch UBND xã Đại Lãnh, xác nhận: “Chúng tôi đã nhận được đơn khiếu nại của người dân và sẽ báo cáo huyện, tỉnh về đơn thư người dân yêu cầu chủ đầu tư, cơ quan chức năng hỗ trợ thiệt hại do mưa lũ gây ra. Trong đợt lũ lụt vừa qua, khoảng trên 30 hộ bị ảnh hưởng, thiệt hại về tài sản. Thực sự nguyên nhân gây ngập cũng có một phần là do Dự án Hầm đường bộ đèo Cả làm thay đổi dòng chảy tự nhiên. Khu vực đồng ruộng phía dưới bị lấp nên khi mưa lớn nước không còn chỗ chứa gây ngập ở khu dân cư. Một số cống, hệ thống mương thu nước của dự án cũng có khẩu độ nhỏ, không đáp ứng được việc thu nước góp phần làm cho tình hình ngập lụt càng nghiêm trọng. Sắp tới xã sẽ yêu cầu chủ đầu tư, các đơn vị thi công cải tạo các dòng chảy, mở rộng khẩu độ các tuyến cống thoát để tránh những thiệt hại sau này do mưa lũ”. Cũng theo ông Thú, việc ngập úng ở Đại Lãnh, ngoài phần chính là do trận mưa rạng sáng 16-12 rất lớn, kéo dài hơn 6 giờ đồng hồ khiến một lượng nước lớn từ các ngọn núi đổ về biển đúng vào thời điểm triều cường nên nước mưa rút chậm, gây ngập úng.

Làm việc với phóng viên, ông Đặng Quốc Tuấn - Phó Giám đốc Ban quản lý Dự án Hầm đường bộ đèo Cả cho biết: “Trong đợt mưa lũ vừa qua, đơn vị đã kiểm tra toàn tuyến và giúp cơi thoát nhiều dòng chảy nhưng chưa nhận được phản ánh của người dân và lãnh đạo xã về việc ngập lụt gây thiệt hại cho dân. Chúng tôi sẽ cho kiểm tra, nếu đúng là do thi công công trình gây thiệt hại sẽ có báo cáo lãnh đạo, xem xét hỗ trợ người dân”. Tuy nhiên, ông Tuấn cũng khẳng định, khi thi công tuyến đường dẫn, đơn vị tư vấn đã thiết kế hệ thống thoát nước, cống xả đảm bảo đủ khẩu độ cho việc thoát nước căn cứ theo đỉnh lũ lịch sử ở địa phương. Song, trận mưa rạng sáng 16-12 là quá lớn, “lũ vượt lịch sử”, ngoài sự tính toán nên mới gây ngập úng cục bộ.

Chuyên đề

Kết nối đầu tư