Dần hình thành khung định hướng phát triển cho Tây Nguyên giai đoạn tới

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Chủ trì cuộc họp về Khung định hướng Quy hoạch vùng Tây Nguyên thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 ngày 14/8, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng yêu cầu, tới ngày 25/8, Báo cáo Khung định hướng lần 1 sẽ phải hoàn thành để kịp thực hiện các bước tiếp theo.
Ảnh minh họa: Internet
Ảnh minh họa: Internet

Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã đặt ra mục tiêu đến năm 2030, Tây Nguyên trở thành vùng phát triển nhanh, bền vững dựa trên kinh tế xanh, tuần hoàn; giàu bản sắc văn hóa dân tộc; là điểm đến đặc sắc, hấp dẫn khách du lịch trong nước và quốc tế. Tầm nhìn đến năm 2045, đưa Tây Nguyên trở thành vùng phát triển bền vững, có nền kinh tế xanh, tuần hoàn; một số tỉnh trong Vùng thuộc nhóm phát triển khá của cả nước.

Công tác lập Quy hoạch vùng Tây Nguyên thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã và đang được triển khai quyết liệt nhằm thể chế hóa Nghị quyết của Bộ Chính trị, đồng thời đưa ra định hướng toàn diện cho phát triển vùng đất có vị trí chiến lược về an ninh, quốc phòng, “mái nhà” của Việt Nam.

Tại cuộc họp, nhiều chuyên gia hàng đầu về quy hoạch đánh giá, vùng Tây Nguyên có điều kiện thuận lợi về đất đai cho phát triển nông nghiệp, phát triển du lịch gắn với thiên nhiên và các giá trị nhân văn đặc trưng. Đặc biệt, vùng Tây Nguyên có nhiều tiềm năng về năng lượng tái tạo. Tuy nhiên, Tây Nguyên cũng đang có những điểm nghẽn cần giải quyết, đó là phân bổ dân cư chưa hợp lý, khai thác sử dụng tài nguyên chưa hiệu quả, hạ tầng kết nối chưa tốt, chất lượng nguồn nhân lực chưa cao, môi trường kinh doanh đầu tư chưa hấp dẫn.

Theo PGS. TS. KTS Trần Trọng Hanh, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội, trước khi xây dựng được khung định hướng quy hoạch cho phát triển thì cần đánh giá và giải quyết được các điểm nghẽn lớn của Tây Nguyên. Trong đó, làm thế nào để thoát trũng, thoát lạc hậu, thoát nghèo và giảm khoảng cách phát triển; đảm bảo an ninh hệ sinh thái, bảo vệ rừng, tăng tính liên kết vùng; bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa và giữ gìn các đặc trưng thiên nhiên và bản sắc dân tộc; xử lý các xung đột liên ngành, liên vùng, liên tỉnh. Khung định hướng cũng cần cụ thể được quyết tâm chính trị và khát vọng của Đảng và Nhà nước về tầm nhìn đối với vùng Tây Nguyên; phân tích các định hướng và đưa ra luận cứ để khẳng định vùng Tây Nguyên nên hướng biển hay hướng sông MeKong; động lực để lôi kéo Vùng phát triển là gì hay phát triển dàn đều…

Dự thảo Báo cáo Khung định hướng phát triển vùng Tây Nguyên đưa ra một số quan điểm về phát triển kinh tế. Đó là phát triển có trọng tâm trọng điểm, tập trung vào các ngành có lợi thế như nông nghiệp, du lịch, công nghiệp chế biến, năng lượng tái tạo; tạo tăng trưởng kinh tế dựa trên khai thác các nguồn lực và động lực tăng trưởng mới.

Bên cạnh đó, chuyển từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp hiệu quả cao, dựa trên ứng dụng công nghệ cao và chuyển đổi số; từng bước chuyển đổi sang kinh tế xanh.

Về tổ chức không gian, vùng Tây Nguyên cần tăng cường kết nối liên vùng, nội vùng, đẩy nhanh kết nối với các trung tâm kinh tế lớn của cả nước, khu vực Tiểu vùng sông Mekong (GMS); hình thành các trung tâm kinh tế tổng hợp, chuyên ngành của Vùng theo lợi thế và vị thế phát triển.

Cụ thể, Tây Nguyên sẽ hình thành 2 hành lang kinh tế cấp quốc gia, gồm hành lang kinh tế Bắc - Nam (đường Hồ Chí Minh, cao tốc Bắc - Nam phía Tây) và hành lang kinh tế Đông - Tây (Quy Nhơn - Pleiku - Bờ Y). Đồng thời, hình thành 7 hành lang kinh tế cấp vùng bám theo các tuyến quốc lộ.

Trong đó, chuỗi đô thị hành lang kinh tế Quy Nhơn - Pleiku - Bờ Y là cửa ngõ ra biển của khu vực tam giác phát triển Campuchia - Lào - Việt Nam, kết nối các tỉnh Bắc Tây Nguyên với các tỉnh khu vực Nam Trung Bộ và cảng biển, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng Tây Nguyên và Nam Trung Bộ.

Ông Vũ Quang Các, nguyên Vụ trưởng Vụ Quản lý quy hoạch, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nêu quan điểm, cần phân tích thêm việc Tây Nguyên xa các trung tâm kinh tế lớn như TPHCM, Đà Nẵng thì sẽ giải quyết bài toán kết nối, liên vùng như thế nào. Bên cạnh đó, giải quyết điểm nghẽn Tây Nguyên thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao, thiếu lực lượng lao động, công nghiệp chưa phát triển. Một trong những vai trò quan trọng của Vùng là hệ sinh thái, an ninh nguồn nước, do vậy khi đặt bài toán phát triển thì việc quy hoạch khu vực bảo tồn, khu vực không phát triển, khu vực hạn chế phát triển phải được làm rõ, giữ vững mục tiêu bảo vệ môi trường.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nêu rõ, việc lập Quy hoạch vùng Tây Nguyên còn nhiều vòng, nhiều cấp lấy ý kiến và từ nay cuối năm phải hoàn thiện. Trước mắt, Bộ trưởng yêu cầu hoàn thành Báo cáo Khung định hướng lần 1 vào ngày 25/8 để kịp thực hiện các bước tiếp theo.

Cụ thể hơn một số vấn đề, Bộ trưởng lưu ý, cần làm bật lên vấn đề tổ chức không gian phát triển cho cả Vùng, làm rõ các thách thức, điểm nghẽn của các tiểu vùng, các cực tăng trưởng, hành lang kinh tế như thế nào. Ngoài ra, cần làm rõ các yếu tố về quy hoạch Vùng như vấn đề xung đột mâu thuẫn có tính chất liên vùng, liên tỉnh.

Bộ trưởng yêu cầu, cần rà soát các lớp bản đồ về hiện trạng, vấn đề sử dụng đất, phân bổ dân cư, các hoạt động kinh tế, các hiện trạng kết cấu hạ tầng… để đưa ra phân bổ không gian cho các tiểu vùng.

Về hạ tầng giao thông, đô thị, Bộ trưởng cũng đề nghị rà soát xem có cần bổ sung các phương thức kết nối như đường sắt, hàng không hay không; từ đó đưa ra các đề xuất phù hợp với quy hoạch phát triển các ngành, lĩnh vực, đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất.

Nếu đặt vấn đề thoáng hơn trong định hướng phát triển vùng Tây Nguyên so với thời gian trước thì làm thế nào để phát triển bền vững nhưng vẫn đảm bảo hài hòa với hệ sinh thái đất, rừng, nước, biến đổi khí hậu, sinh thái của Vùng. Nếu phát triển yếu quá cũng ảnh hưởng tới các yếu tố xã hội; nhưng phát triển mạnh quá thì lại ảnh hưởng đến hệ sinh thái, đến vùng hạ lưu. Vậy phát triển đến đâu cho vùng Tây Nguyên cũng là vấn đề quan trọng được đặt ra, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đặt vấn đề.

Chuyên đề