Đạm Ninh Bình chết chìm vì công nghệ cũ

Dự án Nhà máy Đạm Ninh Bình có tổng vốn đầu tư tới 667 triệu USD, từ khi hoạt động đến nay liên tục báo lỗ và sẽ bị thanh tra trong tháng 6 này.
Dây chuyền, máy móc thiết bị của Đạm Ninh Bình chủ yếu được nhập từ Trung Quốc.
Dây chuyền, máy móc thiết bị của Đạm Ninh Bình chủ yếu được nhập từ Trung Quốc.

Lỗ khủng 1.600 tỷ đồng chỉ sau 4 năm hoạt động

Bộ Công thương vừa công bố quyết định thanh tra Nhà máy Đạm Ninh Bình trong tháng 6/2016. Theo Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh, Nhà máy Đạm Ninh Bình đã hoàn thành đầu tư xây dựng, nhưng chưa quyết toán đầu tư. Thanh tra Bộ sẽ cùng với Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (chủ đầu tư Dự án), kiểm tra Nhà máy để sớm có kết luận và đưa ra định hướng. Qua đó, Bộ sẽ chỉ đạo phương hướng giải cứu dự án.

Đạm Ninh Bình thua lỗ bởi nguyên nhân muôn thuở: chi phí đầu tư lớn, công nghệ lạc hậu nên chi phí sản xuất cao, sản phẩm chất lượng kém nên không tiêu thụ được, tồn kho, thành thử càng hoạt động, khoản lỗ càng gia tăng.

Dự án Nhà máy Đạm Ninh Bình do Tập đoàn Hóa chất Việt Nam - Vinachem đầu tư, với tổng vốn lên đến 667 triệu USD (tương đương 12.000 tỷ đồng), có quy mô công suất 560.000 tấn/năm, đặt tại Khu công nghiệp Khánh Phú (Ninh Bình).

Được khởi công xây dựng từ năm 2008, năm 2012 đi vào hoạt động, nhưng liên tiếp từ đó đến nay, Nhà máy liên tục báo lỗ và số lỗ ngày càng gia tăng. Cụ thể, năm 2012, Nhà máy lỗ 75 tỷ đồng, năm 2013 lỗ trên 759 tỷ đồng, năm 2014 lỗ trên 500 tỷ đồng, năm 2015 lỗ trên 370 tỷ đồng. Lỗ lũy kế tới nay lên tới hơn 1.600 tỷ đồng.

Do gặp nhiều khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm và gặp sự cố, từ cuối tháng 3/2016, Nhà máy đã phải tạm dừng sản xuất. Từ quy mô 1.000 công nhân, hiện đã có gần nửa số công nhân phải nghỉ việc.

Trong văn bản giải trình gửi các bộ, ngành về thực trạng Nhà máy, ông Nguyễn Gia Tường, Tổng giám đốc Vinachem cho rằng, do chi phí sản xuất quá cao, giá urê trên thị trường liên tục giảm, nên hoạt động sản xuất, kinh doanh của Nhà máy Đạm Ninh Bình càng khó khăn.

Bên cạnh đó, chi phí khấu hao, chi phí lãi vay đầu tư cao, giá than cám 4a cao hơn 2,29 lần; than cám 5 cao hơn 2,19 lần so với giá than thời điểm phê duyệt dự án… là những yếu tố đẩy giá thành sản xuất u rê tăng cao.

Cần phải nói thêm, do thời điểm đầu tư,  vốn tự có của Vinachem cho dự án này chỉ có 100 triệu USD, mỗi năm Đạm Ninh Bình đang phải trả lãi vay tới khoảng 800 tỷ đồng, khấu hao khoảng 680 tỷ đồng. Hàng tồn kho của Nhà máy hiện lên tới 50.000 tấn phân urê.

Lỗ bởi dùng công nghệ lạc hậu

Mặc dù thông tin về việc Bộ Công thương tiến hành thanh tra Dự án Nhà máy Đạm Ninh Bình trong tháng 6 này, nhằm tìm phương hướng giải quyết dứt điểm khâu đầu tư vào dự án, cũng như phát triển các nhà máy đạm, tuy nhiên, câu chuyện xử lý để Đạm Ninh Bình hoạt động hiệu quả không hề đơn giản, khi khoản nợ ngày một phình to, trong khi giá sản phẩm xuống thấp, tồn kho lớn.

Theo các chuyên gia tài chính, ngay cả khi được hỗ trợ về đầu ra, giải quyết hàng tồn kho, thì mấu chốt để cạnh tranh là sản phẩm phải có chất lượng tốt, chi phí sản xuất hợp lý để hạ giá thành… nhưng Nhà máy Đạm Ninh Bình lại thiếu những yếu tố này.

Được biết, dây chuyền, máy móc thiết bị của Đạm Ninh Bình chủ yếu được nhập từ Trung Quốc, chất lượng ở mức trung bình. Kể từ khi khởi động nhà máy tới nay, liên tục hỏng hóc và thường xuyên phải sửa chữa. Việc mua vật tư, thiết bị dự phòng cũng phải phụ thuộc vào nhà thầu Trung Quốc, nên dây chuyền sản xuất tiêu hao nguyên vật liệu cũng cao.

Theo lãnh đạo Nhà máy Đạm Ninh Bình, để nhà máy hoạt động hiệu quả là vấn đề quá nan giải, khi mà giá bán của phân đạm thế giới cũng như trong nước đã xuống thấp kỷ lục trong những năm gần đây.

Theo số liệu của Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính), giá phân đạm thế giới quý I/2016 ở mức 194 - 255 USD/tấn, giảm 69 USD/tấn so với quý I/2015. Còn chiếu theo giá từ thời điểm Nhà máy được đưa vào hoạt động, còn thê thảm hơn. Nếu trước năm 2012 là 430 USD/tấn, nay chỉ còn 230 USD/tấn.

Không chỉ cạnh tranh trực tiếp với các nhà máy trong nước, thị trường đạm còn phải chia sẻ thị phần cho hàng nhập khẩu, nên khó khăn càng chồng chất cho sản phẩm của Đạm Ninh Bình.

Tính từ đầu năm đến giữa tháng 5/2016, đã có 165.875 tấn ure được nhập khẩu, so với 59.845 tấn cùng kỳ năm 2015. Một yếu tố khách quan khác cũng bồi thêm khó cho Nhà máy là năm nay, do hạn mặn và khô hạn, diện tích nông nghiệp giảm, dẫn tới nhu cầu phân đạm cũng bị ảnh hưởng giảm theo.

Với mong muốn giảm bớt khó khăn, Vinachem đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ và  Bộ Công thương, kiến nghị một số giải pháp điều hành theo hướng tháo gỡ khó khăn. Thế nhưng, về lâu dài, sản phẩm của nhà máy muốn cạnh tranh và tồn tại được trên thị trường, phải xuất phát từ chính nội lực của nhà máy, và mọi sự hỗ trợ, nếu có chỉ là ngắn hạn.

Nhưng, điều mấu chốt, quyết định lớn đến tương lai Nhà máy là trong khi nhiều nhà máy sản xuất lớn như đạm Cà Mau, đạm Phú Mỹ đều có khả năng giảm giá khi giá nguyên liệu đầu vào xuống thấp, thì với Đạm Ninh Bình, vì sản xuất từ than nên chi phí đầu vào luôn cao, không có giá bán cạnh tranh. Điều này cũng được các chuyên gia kinh tế khẳng định, vấn đề chính của của Đạm Ninh Bình là sử dụng công nghệ quá cũ (khí hóa than), công nghệ Trung Quốc lạc hậu khiến giá thành cao, chất lượng sản phẩm thấp.

Như vậy, số phận của Nhà máy Đạm Ninh Bình vẫn còn là một câu chuyện dài. Trước mắt, sẽ phải chờ kết quả thanh tra của Bộ Công thương và phương án xử lý,tái cơ cấu cho Nhà máy.

Chuyên đề