Đảm bảo phòng ngừa và ứng phó sự cố tại BSR

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Công ty CP Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) vừa làm việc với đoàn Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn về công tác quản lý, tổ chức triển khai đảm bảo phòng ngừa và ứng phó sự cố tại BSR.
Thiếu tướng Phạm Văn Tỵ - Phó Cục trưởng Cục Cứu hộ Cứu nạn kiểm tra thực tế công tác an ninh an toàn tại Phòng Điều khiển trung tâm Nhà máy Lọc dầu Dung Quất
Thiếu tướng Phạm Văn Tỵ - Phó Cục trưởng Cục Cứu hộ Cứu nạn kiểm tra thực tế công tác an ninh an toàn tại Phòng Điều khiển trung tâm Nhà máy Lọc dầu Dung Quất

Ông Mai Tuấn Đạt - Phó Tổng giám đốc BSR cho biết, từ khi Nhà máy Lọc dầu Dung Quất đi vào hoạt động đến nay, công tác an toàn, phòng ngừa và ứng phó tình huống khẩn cấp luôn được quan tâm hàng đầu để đảm bảo vận hành an toàn. Công ty đã chú trọng triển khai tốt công tác phòng ngừa và sẵn sàng ứng phó các tình huống sự cố tại Nhà máy Lọc dầu Dung Quất và trụ sở Công ty, không có tình huống sự cố ảnh hưởng đến công tác vận hành an toàn, liên tục Nhà máy.

“Công ty BSR đã triển khai thực hiện nghiêm túc và tuân thủ hoàn toàn các quy định, chính sách của Nhà nước về công tác an toàn phòng cháy chữa cháy (PCCC) trong việc thiết kế, xây dựng và vận hành Nhà máy Lọc dầu Dung Quất. BSR đã trang bị đầy đủ các trang thiết bị bảo vệ cá nhân cho người lao động làm việc trong điều kiện có yếu tố nguy hiểm, độc hại để phòng ngừa tai nạn lao động”, ông Mai Tuấn Đạt nói.

Công ty BSR đã xây dựng phương án PCCC, Kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu, Kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất, Kế hoạch ứng phó sự cố bức xạ, ban hành Hướng dẫn an toàn hóa chất, Hướng dẫn ứng phó sự cố tràn dầu, xây dựng công trình phòng ngừa ứng phó sự cố môi trường cho hệ thống xử lý nước thải, quản lý chất thải nguy hại… theo quy định của pháp luật. Công ty tuân thủ báo cáo định kỳ 6 tháng/hàng năm/đột xuất về tình hình triển khai Kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu, hoạt động hóa chất của cơ sở theo quy định.

Ngoài ra, BSR đã thành lập/kiện toàn Ban chỉ đạo, Ban chỉ huy ứng phó tình huống khẩn cấp, Đội PCCC chuyên ngành có 46 đội viên để kịp thời triển khai khi có tình huống khẩn cấp xảy ra. BSR đã trang bị 5 xe chữa cháy chuyên dụng, trong đó có 1 xe thang chữa cháy và cứu nạn cứu hộ cùng các thiết bị chuyên dụng ứng phó sự cố cháy nổ, rò rỉ, tràn đổ hóa chất để đảm bảo hiệu quả, cơ động trong quá trình chữa cháy, cứu hộ, ứng phó sự cố hóa chất tại Nhà máy Lọc dầu Dung Quất.

Cùng với việc chú trọng huấn luyện, đào tạo, thực tập về PCCC và cứu nạn cứu hộ, ứng phó sự cố tràn dầu, từ ngày 2/6/2014 đến ngày 5/12/2023, BSR đã đạt mốc 41,3 triệu giờ công an toàn, không có tai nạn lao động mất ngày công. Đến hết năm 2023, BSR phấn đấu sẽ đạt 41,5 triệu giờ công an toàn.

Thiếu tướng Phạm Văn Tỵ - Phó Cục trưởng Cục Cứu hộ Cứu nạn yêu cầu: “BSR cần đưa ra cụ thể các kế hoạch phòng ngừa chặt chẽ để giảm thiểu tối đa sự cố xảy ra. Và nếu có sự cố, đội ngũ ứng phó cần chủ động, tích cực xây dựng các kế hoạch, phương án phù hợp, cố gắng và quyết tâm bằng cả tinh thần và trách nhiệm để hoàn thành tốt những mục tiêu đề ra. Đặc biệt, công tác xử lý hóa chất nguy hại, các hóa phẩm tại BSR cần được chú trọng trong khâu đầu ra để đảm bảo an toàn cho sức khỏe người lao động và môi trường làm việc xung quanh”.

“Việc đảm bảo an ninh an toàn Nhà máy Lọc dầu Dung Quất luôn phải được hoàn thiện trong từng chi tiết, đó không chỉ là việc của riêng mỗi lãnh đạo hay cán bộ công nhân viên BSR, mà là việc đảm bảo an ninh năng lượng, an ninh an toàn cho cả quốc gia. Đây là việc cần cả nhân dân địa phương, lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi cùng lãnh đạo các bộ, ngành trung ương cùng thực hiện”, Thiếu tướng Phạm Văn Tỵ nhấn mạnh.

Chuyên đề