Ảnh minh họa: Internet |
Phó Thủ tướng Lê Văn Thành vừa ký Công điện số 418/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc hoàn thiện thủ tục cam kết vốn ngân sách địa phương tham gia các dự án thành phần thuộc các dự án xây dựng đường bộ cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, Biên Hòa - Vũng Tàu và Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng giai đoạn 1.
Công điện gửi Bí thư, Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố Khánh Hòa, Đắk Lắk, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, An Giang, Cần Thơ, Hậu Giang, Sóc Trăng.
Công điện nêu rõ, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã định hướng đột phá chiến lược về "Xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại cả về kinh tế và xã hội", trong đó xác định ưu tiên phát triển một số công trình trọng điểm quốc gia về giao thông. Đồng thời, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030 đã đặt mục tiêu đến năm 2030 phấn đấu cả nước có khoảng 5.000 km đường bộ cao tốc.
Các tuyến đường cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, Biên Hòa - Vũng Tàu và Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng là các dự án trọng điểm quốc gia, có vai trò đặc biệt quan trọng đối với Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, Đồng bằng sông Cửu Long, khu vực Tây Nguyên; là các tuyến theo trục ngang kết nối trực tiếp với các đường trục dọc hiện có và đang triển khai đầu tư (Quốc lộ 1A, đường Hồ Chí Minh, cao tốc Bắc - Nam phía Đông), tạo động lực cho sự phát triển kinh tế - xã hội chung của đất nước, bảo đảm quốc phòng, an ninh.
Trách nhiệm của Chính phủ, địa phương là phải sớm hoàn thành các dự án này, do vậy đòi hỏi phải có sự chung tay của tất cả các bộ, ngành, địa phương liên quan trong việc chuẩn bị đầu tư, huy động tối đa mọi nguồn lực và tập trung triển khai đầu tư để bảo đảm cơ bản hoàn thành trong giai đoạn 2021 - 2025. Bộ Chính trị đã đồng ý chủ trương đầu tư 3 dự án này bằng vốn đầu tư công từ nguồn vốn ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương.
Hiện nay, UBND các tỉnh, thành phố có dự án đi qua đều đã có văn bản cam kết bố trí ngân sách địa phương tham gia dự án. Tuy nhiên, theo quy định pháp luật về đầu tư công, ngân sách nhà nước, yêu cầu phải có nghị quyết của Hội đồng nhân dân các tỉnh, thành phố thông qua số vốn ngân sách địa phương tham gia các dự án thành phần mới đủ điều kiện để Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương đầu tư các dự án nêu trên.
Để kịp thời gian trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, Thủ tướng Chính phủ đề nghị Bí thư, Chủ tịch Hội đồng nhân dân các tỉnh, thành phố có dự án đi qua chỉ đạo, tổ chức họp Hội đồng nhân dân các tỉnh, thành phố để xem xét thông qua số vốn kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 nguồn ngân sách địa phương cam kết tham gia các dự án thành phần (bao gồm mức vốn, tiến độ bố trí vốn).
Trường hợp tăng tổng mức đầu tư so với quyết định chủ trương đầu tư được cấp có thẩm quyền phê duyệt phải chịu trách nhiệm bố trí đủ số vốn tăng thêm tương ứng từ kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 của địa phương được giao hoặc từ các nguồn vốn hợp pháp khác (như tăng thu, tiết kiệm chi theo quy định); có Nghị quyết của Hội đồng nhân dân trước ngày 30/5/2022, đồng thời gửi Bộ Giao thông vận tải để tổng hợp trình Quốc hội.