Đăk Re - Từ thủy điện “xanh” đến tầm nhìn du lịch sinh thái

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Từ một dự án thủy điện kỳ vĩ trên dòng Đăk Re, Nhà máy Thủy điện Đăk Re do Tập đoàn Thiên Tân đầu tư đang tiến thêm một bước mới khi Chủ đầu tư đề xuất với địa phương đầu tư mở rộng ở lĩnh vực… du lịch sinh thái.
Hồ chứa nước Thủy điện Đăk Re, một trong những vị trí được đầu tư khai thác trong dự án du lịch sinh thái
Hồ chứa nước Thủy điện Đăk Re, một trong những vị trí được đầu tư khai thác trong dự án du lịch sinh thái

Rừng thêm xanh nhờ có thủy điện “xanh”

Từ vị trí ngã ba trên Quốc lộ 24 trước khi vượt đèo Violac qua địa phận tỉnh Kon Tum, theo tuyến đường dẫn vào rừng thuộc địa phận xã Ba Xa, huyện Ba Tơ, tỉnh Quảng Ngãi chừng 10 km sẽ đến khu vực Nhà máy Thủy điện Đăk Re do Tập đoàn Thiên Tân đầu tư. Tuyến đường dẫn vào Dự án đã được rải đá cấp phối, lèn phẳng mặt đường và mở rộng so với ngày chưa có dự án thuỷ điện.

Xe ô tô vào tận cuối con đường, nhà cửa hai bên được xây dựng khang trang, giao thông, giao thương thuận lợi hơn nên đời sống người dân khởi sắc rõ rệt. Những cây sao đen, lim xẹt… ven đường do Chủ đầu tư đem về rừng trồng đã trổ thêm những tán mới. Ở một vị trí khác, hàng ngàn gốc cây ăn trái các loại được đem từ các tỉnh miền Tây về Quảng Ngãi ngược lên Ba Tơ đang ươm trồng, bén rễ và bật mầm xanh chờ ngày trồng xuống những vị trí đã được tính toán.

“Một thủy điện “xanh” đúng nghĩa!”, tôi bật ra cảm xúc khi trò chuyện với ông Huỳnh Kim Lập, Chủ tịch Tập đoàn Thiên Tân. Ông Lập chỉ cười. “Vậy mà trong quá trình thi công Dự án, có thông tin là Chủ đầu tư phá rừng phòng hộ để làm đường vào công trường. Chuyện qua rồi, nhưng cũng may là trước khi thi công, Thiên Tân lường trước những rủi ro có thể xảy đến, đã cho gắn camera ghi hình dọc theo tuyến đường nên được minh oan”, ông Lập chia sẻ.

Trời chuyển sang chiều, mây sà xuống lưng chừng núi, chui qua cửa sổ vào tận phòng của trụ sở Nhà máy Thủy điện Đăk Re. Bên trong Nhà máy, trục tuabin quay đều 750 vòng/phút tạo ra dòng điện năng đều đặn… Ít ai biết rằng, để có công trình thủy điện kỳ vĩ trên bậc thang thủy điện Đăk Re hôm nay, khoảng thời gian từ khi chuẩn bị đầu tư đến thời điểm khởi công xây dựng công trình là 16 năm. Vậy nên không khó để nhận ra trong những câu chuyện kể về những ngày đầu khảo sát Dự án với lương khô, võng dù, đồ đạc lỉnh kỉnh trèo đèo, vượt suối, ăn ngủ với mưa rừng… là những nỗi niềm, tâm huyết đã chảy trong huyết quản của ông Lập từ lâu.

Những nỗ lực không mệt mỏi và khát vọng chinh phục của Tập đoàn Thiên Tân đã cho ra đời Nhà máy Thuỷ điện Đăk Re, một hình mẫu về thân thiện với môi trường. Minh chứng cho thực tế này, một cán bộ kỹ thuật của Nhà máy chia sẻ, một nhà máy thủy điện có vốn đầu tư gần 3.000 tỷ đồng được xây dựng mà không phải di dời dân, tỷ lệ ảnh hưởng đến rừng dưới mức cho phép của Nhà nước gần 9,5 lần.

16 năm thai nghén Dự án, ông Lập và các cộng sự luôn đau đáu tìm phương án tối ưu vừa không ảnh hưởng đến rừng, đến dân sinh mà vẫn đảm bảo hiệu quả đầu tư. Ban đầu tư vấn lên phương án làm đập, cửa xả đáy và kênh dẫn nước về Nhà máy (đây là thế mạnh xây dựng của Thiên Tân, nếu làm phương án này sẽ nhanh hơn và tiết kiệm chi phí). Tuy nhiên, phương án này đòi hỏi phải di dời và tái định cư 620 hộ dân, giải phóng mặt bằng hơn 90 ha lúa nước, ảnh hưởng hơn 170 ha rừng.

“Nếu di dời dân và tái định cư thiếu đồng bộ sẽ dẫn đến đời sống người dân khó khăn, hệ lụy từ Dự án sẽ rất lớn. Vì vậy, phương án đào hầm đã được thông qua, đồng nghĩa với chấp nhận kinh phí đầu tư của hạng mục này tăng thêm khoảng 60% so với dự toán ban đầu. Bù lại, không phải di dời dân, diện tích trồng lúa nước, diện tích rừng được giữ nguyên”, ông Lập cho biết. Với những tính toán kỹ càng, mong muốn con người cộng sinh với tự nhiên, Thiên Tân đã làm được một dự án thủy điện “xanh” đúng nghĩa. An sinh xã hội được duy trì, đảm bảo tốt hơn, môi trường rừng không bị xáo trộn, không bị tác động tiêu cực mà đang được phát triển nhiều hơn.

Tầm nhìn về khu du lịch sinh thái

Nhà máy Thủy điện Đăk Re nằm ở vị trí cuối cùng thuộc vùng lõm của xã Ba Xa, giáp ranh địa giới hành chính với các tỉnh Kon Tum, Bình Định và Gia Lai, là vùng kinh tế đặc biệt khó khăn, nơi sinh sống của đồng bào dân tộc Cơ Tu, Xê Đăng, Ê Đê, Ba Na…

Một lãnh đạo UBND huyện Ba Tơ cho biết, người dân chủ yếu canh tác lúa rẫy và các loại cây ăn trái mọc hoang hóa tại những sườn đồi núi. Chục năm gần đây, thu nhập tăng thêm từ trồng keo nhưng giá bán keo thấp nên đời sống luôn bấp bênh. Nhà máy Thủy điện Đăk Re được đầu tư xây dựng đã góp phần cùng địa phương mở mang hạ tầng giao thông, nâng cao đời sống người dân. “Huyện rất mừng khi có những dự án được đầu tư trên địa bàn, đóng góp ngân sách và tạo sinh kế bền vững cho người dân như Nhà máy Thủy điện Đăk Re. Càng vui mừng và hy vọng hơn vào ý tưởng đầu tư bền vững mà Tập đoàn Thiên Tân đang trăn trở, đó là hình thành khu du lịch sinh thái cao cấp lấy Nhà máy Thủy điện làm vùng lõi”, vị lãnh đạo bày tỏ.

Chia sẻ về ý tưởng này, ông Huỳnh Kim Lập cho biết, để phát huy hết tiềm năng thiên nhiên sẵn có của địa hình đặc biệt (cao gần 1.100 m so với mực nước biển), biến tiềm năng thành “năng lượng” thực tế cho kinh tế, xã hội vùng sâu, vùng xa, Thiên Tân đang lên kế hoạch đầu tư khu du lịch sinh thái dựa vào tự nhiên, cộng hưởng với tự nhiên thành một sản phẩm du lịch đặc biệt. Dự án được đầu tư trên nền tảng hạ tầng có sẵn của Nhà máy Thủy điện Đăk Re nên mức độ khả thi cao.

Trong các hạng mục dự án, Thiên Tân sẽ đầu tư tuyến cáp treo dài khoảng 7 km nối từ ga thấp nhất đến ga cuối là một bình nguyên đẹp trải dài 8 km trên đỉnh núi Đăk Re, là giao điểm của 4 tỉnh Quảng Ngãi, Kon Tum, Gia Lai và Bình Định. Ven và trong lòng hồ thủy điện rộng 100 ha, những dịch vụ đi kèm sẽ được đầu tư theo loại hình lưu trú, nghỉ dưỡng trải nghiệm có sức hấp dẫn du khách khám phá và tận hưởng. Những bungalow thiết kế, xây dựng từ vật liệu thân thiện với môi trường, địa hình đồi núi nhấp nhô và hồ bơi vô cực trên vách đá… kỳ vọng sẽ đáp ứng được nhu cầu nghỉ ngơi, thư giãn.

Để khu du lịch sinh thái được khai thác, phát huy, liên kết được với các sản phẩm du lịch địa phương khác như Măng Đen (Kon Tum), hạ tầng giao thông cần được đầu tư đồng bộ. Tuyến đường dài gần 10 km từ Quốc lộ 24 vào vùng Dự án đã được Thiên Tân đầu tư bước đầu khi thi công Dự án. Tập đoàn Thiên Tân đã đề xuất với huyện Ba Tơ đầu tư hoàn chỉnh tuyến đường theo chuẩn quy định với chi phí đầu tư khoảng 10 tỷ đồng. Theo ông Lập, nếu các thủ tục thuận lợi, địa phương quyết liệt, Thiên Tân có thể bắt tay ngay vào đầu tư và hoàn thiện công trình trong tháng 9/2022. Để phát triển du lịch sinh thái bền vững, Thiên Tân đề xuất thuê 500 - 1.000 ha diện tích rừng để trồng rừng, thuê người chăm sóc, bảo vệ, tạo thêm không gian xanh, chống sạt lở, chống bạc màu cho đất, tạo sinh kế bền vững cho người dân, góp phần bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu và đóng góp thiết thực cho địa phương.

Chúng tôi tạm chia tay với Thủy điện Đăk Re và dự án du lịch sinh thái, với rừng núi Ba Xa để về xuôi mang theo nhiều hy vọng và niềm tin mãnh liệt về sự đổi thay tích cực của vùng đất này, chừng 5 - 10 năm nữa, sẽ rất gần!

Chuyên đề

Kết nối đầu tư