Đắk Lắk: Yêu cầu giấy phép bán hàng với hàng hóa thông dụng

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Ngay sau khi hồ sơ mời thầu (HSMT) Gói thầu số 07 thuộc Dự án Mua sắm tài sản công theo phương thức tập trung năm 2021 trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk được phát hành, 2 nhà thầu đã có văn bản đề nghị Bên mời thầu lược bỏ hoặc điều chỉnh một số tiêu chí được xem là hạn chế cạnh tranh tại HSMT, đặc biệt là yêu cầu về giấy phép bán hàng từ nhà sản xuất.
Gói thầu số 07 Mua sắm trang thiết bị tin học và phòng máy tính dạy học cho các trường trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk có dự toán 17,362 tỷ đồng. Ảnh minh họa: Tiên Giang
Gói thầu số 07 Mua sắm trang thiết bị tin học và phòng máy tính dạy học cho các trường trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk có dự toán 17,362 tỷ đồng. Ảnh minh họa: Tiên Giang

Gói thầu số 07 Mua sắm trang thiết bị tin học và phòng máy tính dạy học cho các trường trên địa bàn Tỉnh có dự toán 17,362 tỷ đồng, do Trung tâm Dịch vụ đấu giá tài sản tỉnh Đắk Lắk (thuộc Sở Tư pháp tỉnh Đắk Lắk) là chủ đầu tư, trực tiếp mời thầu.

Theo phản ánh của Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Hi-Tech và Công ty TNHH MTV Tân Bùi Gia, HSMT có một số tiêu chí bất cập và cần thiết phải được điều chỉnh.

Cụ thể, HSMT yêu cầu nhà thầu cung cấp “bản chính giấy phép bán hàng của nhà sản xuất hoặc giấy chứng nhận quan hệ đối tác hoặc tài liệu khác có giá trị tương đương đối với hàng hóa là máy vi tính để bàn và máy vi tính xách tay”. Theo các nhà thầu, các loại hàng hóa mời thầu đều là hàng hóa thông dụng, sẵn có trên thị trường, đã được tiêu chuẩn hóa và được bảo hành theo quy định của nhà sản xuất. Mặt khác, để chứng minh tính hợp lệ của hàng hóa, có thể thông qua các nhà phân phối, đại lý chính thức tại Việt Nam đã được hãng sản xuất chứng nhận. “Quy định như tại HSMT là không phù hợp với tinh thần cạnh tranh được quán triệt tại Chỉ thị số 47/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Chỉ thị 03/CT-BKHĐT của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Nhà thầu đề nghị Bên mời thầu xem xét hủy bỏ yêu cầu nêu trên”, Công ty TNHH MTV Tân Bùi Gia nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Hi-Tech cho rằng, đối với thông số kỹ thuật của sản phẩm máy tính để bàn, việc HSMT nêu đích danh tên phần mềm như “Thư viện bài giảng CPIT; Phần mềm thi trắc nghiệm CPIT” là định hướng đến hãng sản xuất phần mềm cụ thể, hạn chế sự tham gia của nhiều nhà thầu.

Đối với máy vi tính để bàn và máy vi tính xách tay, trao đổi với phóng viên Báo Đấu thầu, nhiều nhà cung cấp cho biết, đây là sản phẩm thông dụng, được bán rộng rãi trên thị trường, đồng thời các hãng sản xuất đều công bố tiêu chuẩn kỹ thuật và chính sách bảo hành chính hãng theo quy định.

Làm rõ các phản ánh từ phía nhà thầu, Bên mời thầu cho biết, Gói thầu có phạm vi cung cấp máy vi tính để bàn và máy vi tính xách tay với số lượng lớn, cung cấp cho nhiều đơn vị trực tiếp sử dụng khác nhau. Do đó, đòi hỏi nhà thầu cung cấp các loại giấy tờ như trên nhằm gắn trách nhiệm của nhà sản xuất đối với dịch vụ sau bán hàng. Đối với sản phẩm máy tính để bàn, việc HSMT đưa các yêu cầu tham chiếu về nhãn hiệu hàng hóa không nhằm mục đích hạn chế nhà thầu. Do đó, Bên mời thầu cho phép nhà thầu chào phần mềm của các nhà sản xuất khác trên nguyên tắc đảm bảo cấu hình tương đương hoặc cao hơn yêu cầu tại HSMT, đồng thời, phù hợp với các quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Ngày 8/12/2021, Bên mời thầu công bố kết quả lựa chọn nhà thầu. Theo đó, Liên danh Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển công nghệ Sao Mai - Công ty TNHH Công nghệ Tin học Vũ Long trúng thầu với giá 16,959 tỷ đồng, tiết kiệm 2,3% sau đấu thầu. Trong số 2 nhà thầu khác cùng tham dự, 1 nhà thầu không đạt đánh giá kỹ thuật, nhà thầu còn lại bị loại ở bước đánh giá tài chính.

Dự án Mua sắm tài sản công theo phương thức tập trung năm 2021 trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk gồm 10 gói thầu. Được biết, lần lượt trong tháng 11 và đầu tháng 12/2021, 9 gói thầu khác cùng thuộc Dự án đã công bố kết quả lựa chọn nhà thầu.

Chuyên đề