Hanjin chính thức phá sản từ hôm nay. Ảnh:BBC |
Tòa án cho biết cuộc gặp đầu tiên với các chủ nợ của Hanjin sẽ được tổ chức ngày 1/6 tới. Các tài sản của Hanjin sẽ được thanh lý để lấy tiền trả cho các chủ nợ.
"Thông qua quy trình phá sản, tòa án sẽ nỗ lực để việc trả nợ được thực hiện công bằng với các chủ nợ", thông báo cho biết. Hồi tháng 2, họ đã chấm dứt tình trạng thụ lý tài sản với Hanjin.
Suốt nhiều năm, kinh tế thế giới đi xuống đã ảnh hưởng đến lợi nhuận toàn ngành vận tải hàng hóa trên biển. Việc này đã dẫn đến tình trạng dư thừa công suất, cước vận tải thấp và khối nợ của các công ty tăng cao.
Vì vậy, việc một hãng tàu biển lớn phá sản không nằm ngoài dự tính của giới phân tích. Câu hỏi chỉ là hãng nào mà thôi. Với khối nợ 5,4 tỷ USD hồi tháng 8/2016, Hanjin đã bị các chủ nợ chấm dứt hỗ trợ tài chính và sau đó phải nộp đơn xin tòa án thụ lý tài sản.
Khi Hanjin rơi vào tình trạng tê liệt, hàng loạt tàu của họ đã mắc kẹt ngoài biển. Phần lớn các cảng biển từ chối tiếp nhận, do lo ngại Hanjin không trả phí bốc dỡ và xếp hàng. Một số tàu còn bị giữ lại khi đang đỗ tại cảng, do các chủ nợ muốn lấy lại phần nào số tiền.
Sau phán quyết phá sản hôm nay, đội tàu của Hanjin sẽ không thể hoạt động, khách hàng sẽ lập tức chuyển sang đối thủ, nhân viên thất nghiệp và nhà đầu tư mất tiền. Tình trạng này có thể kéo dài hàng tháng, Lars Jensen - nhà phân tích tại Sea Intelligence Consulting cho biết.
Dù vậy, trên lý thuyết, Hanjin vẫn có thể được cứu, nếu họ tìm được nhà đầu tư mới hoặc thuyết phục Chính phủ ra tay.