Đại biểu Quốc hội kỳ vọng gì ở nhân sự cấp cao mới?

Với nhiều đại biểu Quốc hội đương nhiệm thì việc kiện toàn nhân sự sớm là cần thiết, điều họ quan tâm hơn là hành động của những vị kế nhiệm...
Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trong giờ giải lao bên hành lang Quốc hội.
Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trong giờ giải lao bên hành lang Quốc hội.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, trong phiên họp cuối cùng của Chính phủ đương nhiệm vào ngày 26/3 vừa qua đã nói lời chia tay Chính phủ để chuẩn bị nghỉ chế độ .

Theo thông lệ của nhiều nhiệm kỳ khác thì lời chia tay này sớm hơn chừng 4 tháng.

Vậy nên, câu chuyện chuyển giao quyền lực sớm dù được khẳng định là đã “xem xét cẩn trọng” không phải không ít nhiều vẫn có quan điểm trái chiều. Thậm chí, có những phản ứng khá gay gắt.

Nhưng với nhiều vị đại biểu Quốc hội đương nhiệm thì việc kiện toàn nhân sự sớm là cần thiết, điều họ quan tâm hơn là hành động của những vị kế nhiệm.

Theo đại biểu Nguyễn Thái Học - Trưởng ban Nội chính tỉnh Phú Yên, những nhân sự đã được giới thiệu, xây dựng, đã chín muồi rồi thì việc chuyển giao thực hiện càng sớm càng tốt.

Ông Học phân tích, người dân rất quan tâm đến đời sống chính trị của đất nước và nhất là kết quả của Đại hội Đảng 12. Và chính từ thành công của Đại hội, từ đòi hỏi của cuộc sống mà người dân mong muốn những nhân sự đã được chuẩn bị để kế nhiệm nhanh chóng bắt tay vào nhiệm vụ để điều hành, lãnh đạo đất nước mà không cần một khoảng thời gian đến 3-4 tháng chờ đợi nữa.

Chia sẻ kỳ vọng về những người lãnh đạo mới, đại biểu Nguyễn Thái Học nói: cuộc sống của người dân hiện nay có nhiều vấn đề bức xúc nổi cộm vướng mắc, khó khăn mà đòi hỏi người lãnh đạo cấp cao phải hành động vì lợi ích của nhân dân.

“Cử tri và nhân dân đang mong mỏi, chờ đợi sự hành động quyết liệt của người đứng đầu, người được lựa chọn. Hi vọng họ có hành động quyết liệt hơn nữa, mạnh mẽ hơn nữa, phải cải cách hành chính, siết chặt kỷ cương vì lợi ích của người dân. Người dân đang khát khao, chờ đợi như thế”, ông Học chia sẻ.

Vì dân. Đó cũng là hai chữ được Phó chủ nhiệm Uỷ ban Về các vấn đề xã hội Đỗ Mạnh Hùng nhấn mạnh khi trao đổi với báo chí.

Như nhiều vị đại biểu khác, ông Hùng cho rằng luật hiện hành chỉ quy định chức danh theo nhiệm kỳ chứ không quy định con người cụ thể nào nên chức danh là của nhiệm kỳ, còn con người cụ thể lại theo bố trí sắp xếp sau đại hội Đảng. Về căn cứ pháp lý thì có đủ căn cứ, đại biểu Hùng khẳng định.

Chuyển giao quyền lực sớm, theo đại biểu Hùng có 3 yếu tố tích cực.

Thứ nhất là sau đại hội Đảng bố trí sắp xếp một bước công tác cán bộ tạo điều kiện cho các cơ quan trong bộ máy nhà nước có điều kiện bắt tay vào công việc thực hiện nghị quyết Đại hội Đảng 12 sớm hơn, tập trung hơn.

Hai là các nhân sự dự kiến giới thiệu vào cách chức danh lãnh đạo để kiện toàn trong kỳ họp này đã qua quy trình chuẩn bị kỹ, đúng quy trình về công tác cán bộ.

Yếu tố tích cực thứ ba, đây cũng là một bước quan trọng để tạp điều kiện thuận lợi cho Quốc hội khoá 14 thực hiện công tác nhân sự có cái nhìn có thể là khách quan, chính xác toàn diện hơn, việc bố trí cán bộ sẽ phát huy hiệu quả ngay từ đầu nhiệm kỳ.

“Quốc hội khoá 13 đã và đang trong qúa trình tổng kết nhiệm kỳ và đặc điểm nổi bật là tinh thần của Hiến pháp mới theo mong muốn là xây dựng một bộ máy Nhà nước của dân, do dân và vì dân. Tôi mong và kỳ vọng khoá 14 thì tinh thần đó sẽ thể hiện rõ ràng hơn hiệu quả hơn trên tất cả các mặt”, ông Hùng chia sẻ.

Và cắt nghĩa thêm: Như thế tức là kỳ vọng vào người đứng đầu, mong họ thể hiện tinh thần vì dân rõ ràng hơn, mạnh mẽ hơn và hiệu quả hơn.

Một số vị đại biểu khác, tại các phiên thảo luận tổ về các báo cáo tổng kết nhiệm kỳ cũng gửi gắm nhiều hy vọng vào nhân sự cấp cao mới.

Phó chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Nguyên Văn Phúc nói: “Chúng ta (sắp) có Thủ tướng mới, đồng chí Nguyễn Xuân Phúc có phong cách mới, tư duy mới. Theo dõi các phát biểu, chất vấn, tôi tin rằng tân Thủ tướng sẽ tiếp nối Thủ tướng nhiệm kỳ trước điều hành quyết liệt với tư duy đổi mới.

Chuyên đề

Kết nối đầu tư