Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (đoàn thành phố Hồ Chí Minh). Ảnh quochoi.vn. |
Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh tiếp tục đăng đàn trả lời chất vấn của các đại biểu vào sáng ngày 7/11. Vấn đề nước sạch đã được một số đại biểu Quốc hội nêu tại nghị trường. Theo đại biểu Phạm Trọng Nhân (đoàn Bình Dương), việc mua bán, sáp nhập trong kinh tế thị trường là tất yếu. Tuy nhiên, nếu không cẩn trọng sẽ làm gia tăng tình trạng độc quyền thao túng thị trường. “Bộ trưởng có giải pháp gì để tham mưu cho Chính phủ có chính sách điều tiết làm lành mạnh hoạt động này”, ông Nhân nêu câu hỏi.
Cùng mối quan tâm này, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (đoàn TP Hồ Chí Minh) bày tỏ sự lo ngại về tình trạng nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần Công ty nước sạch Sông Đuống.
Theo ông Nghĩa, nước là một cái vấn đề an ninh quan trọng thậm chí hơn cả lương thực. Chúng ta đang thoái vốn Nhà nước toàn bộ đến 100% là rất có vấn đề. Ông nói, vừa rồi, báo chí đã phản ánh việc tỷ phú Thái Lan mua đến 34% cổ phần của Nhà máy nước sạch Sông Đuống lớn nhất Việt Nam. “Trước tình cung cấp nước sạch như vừa qua, tôi đề nghị chúng ta phải xem xét lại chủ trương này. Chúng ta không nên thoái vốn mà giữ cổ phần chi phối”, ông nói và đề nghị bộ Bộ trưởng, Thủ tướng cho biết thêm ý kiến của mình về việc này.
Về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh ghi nhận những đánh giá, quan điểm của đại biểu Nghĩa. Trước việc này, xin tiếp thu trong góc độ trách nhiệm của Bộ.
Ngày 8.8.2019, Công ty Cổ phần đại chúng điện và nước WHA (gọi tắt là WHA) - một doanh nghiệp Thái Lan - đã cho phép Công ty WHA Utilities and Power Public Company Limited ký hợp đồng mua bán với ông Do Tat Thang - một cổ đông của Công ty Cổ phần Nước mặt sông Đuống để mua 33.986.774 cổ phần, tương đương với 34% tổng số cổ phần của Công ty Cổ phần Nước mặt sông Đuống.
Dự án Nhà máy Nước mặt Sông Đuống nằm ở Khu vực xã Phù Đổng & Trung Mầu, huyện Gia Lâm, thành phố Hà Nội. Đây là nhà máy có quy mô cấp nước vùng, với tổng công suất: 900.000 m3/ngày đêm; Tổng công suất dự kiến: 1.200.000 m3/ngày đêm.
Giai đoạn 1, dự án có vốn đầu tư là 5000 tỉ đồng với các cổ đông sáng lập cụ thể như sau: Công ty nước sạch Hà Nội 10%; Công ty TNHH MTV ứng dụng công nghệ mới và du lịch (Newtaco) 5%; Công ty cổ phần Đầu tư Việt Nam - Oman (Nhà đầu tư ủy thác góp vốn) 27%; Công ty cổ phần Nước Aqua One (Nhà đầu tư ủy thác góp vốn) 58%.
Trên trang web chính thức của Công ty Công ty cổ phần Nước Aqua One (Nhà đầu tư ủy thác góp vốn) 58% cũng đã xác nhận việc danh sách cổ đông Công ty cổ phần Nước mặt Sông Đuống đã có sự xuất hiện của WHAUP (SG) 2DR PTE. LIMITED với 34% tỉ lệ sở hữu vốn điều lệ.