“Đại bàng” cùng Việt Nam thực hiện giấc mơ lớn

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Trong khó khăn, Việt Nam vẫn giữ được sức hút đối với giới đầu tư quốc tế. Nhiều tập đoàn đa quốc gia mong muốn xây dựng Việt Nam thành cứ điểm sản xuất toàn cầu, đồng hành cùng Việt Nam thực hiện những giấc mơ lớn… Hội tụ nhiều tập đoàn đa quốc gia lớn trên thế giới, Việt Nam ngày càng tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu, đem lại lợi ích nhiều hơn cho đất nước và nhà đầu tư trong một cuộc chơi “win - win”.

Dòng vốn không chuyển hướng

Các tháng đầu năm 2023, dù kinh tế thế giới suy giảm, dòng vốn đầu tư toàn cầu suy giảm, thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của Việt Nam vẫn có nhiều tín hiệu tích cực, khi hàng loạt doanh nghiệp quốc tế rót vốn, mở rộng quy mô tại Việt Nam.

Ngày 26/6, UBND TP. Hải Phòng trao Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư điều chỉnh tăng vốn cho Công ty TNHH LG Innotek Việt Nam Hải Phòng, với số vốn bổ sung 1 tỷ USD, thực hiện từ năm 2023 - 2025, nâng tổng vốn đầu tư của Dự án Nhà máy LG Innotek Hải Phòng lên hơn 2,051 tỷ USD. Nhà máy chuyên sản xuất các loại linh kiện điện tử cho ngành công nghiệp ô tô, di động, module camera điện thoại... Khoản đầu tư này trong lộ trình hiện thực hóa cam kết đầu tư thêm 4 tỷ USD những năm tới tại Việt Nam của Tập đoàn LG.

Foxconn, nhà sản xuất thiết bị điện tử theo hợp đồng hàng đầu thế giới, cũng tiếp tục mở rộng đầu tư tại Việt Nam. Ngày 29/6, 2 dự án với tổng mức vốn 250 triệu USD của Tập đoàn Foxconn được UBND tỉnh Quảng Ninh trao Giấy chứng nhận đầu tư. Hai dự án này gồm Nhà máy FECV Foxconn Quảng Ninh và Nhà máy FMMV Foxconn Quảng Ninh của Công ty Foxconn Singapore PTE Ltd (Foxconn). Foxconn cũng có kế hoạch thành lập thêm một nhà máy mới tại tỉnh Nghệ An với vốn đầu tư ban đầu là 100 triệu USD.

Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Marc Knapper tham quan nhà máy GE tại Hải Phòng

Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Marc Knapper tham quan nhà máy GE tại Hải Phòng

Những khoản đầu tư của LG và Foxconn cho thấy dòng vốn từ các tập đoàn lớn đã không chuyển hướng, góp phần vào kết quả thu hút FDI tích cực của Việt Nam trong các tháng đầu năm 2023.

Theo Cục Đầu tư nước ngoài (ĐTNN) thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến 20/8/2023, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp (GVMCP) của nhà ĐTNN đạt gần 18,15 tỷ USD, tăng 8,2% so với cùng kỳ 2022, 3,7 điểm phần trăm so với 7 tháng đầu năm. Mức tăng vốn đầu tư mới so với cùng kỳ 2022 tiếp tục tăng mạnh hơn so với các tháng đầu năm. Số dự án đầu tư mới cũng tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước. Vốn đầu tư điều chỉnh tiếp tục có xu hướng cải thiện theo từng tháng so với các tháng đầu năm. Số lượt dự án điều chỉnh vốn duy trì mức tăng so với cùng kỳ 2022, khẳng định niềm tin của các nhà đầu tư vào môi trường đầu tư của Việt Nam và tiếp tục đưa ra các quyết định mở rộng dự án hiện hữu.

Bên cạnh đó, Cục ĐTNN cho biết, vốn đầu tư thực hiện 8 tháng cũng duy trì mức tăng so với cùng kỳ năm 2022, ước tính giải ngân được khoảng 13,1 tỷ USD, tăng 0,5 điểm phần trăm so với 7 tháng đầu năm. Theo Cục ĐTNN, các giải pháp quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong những tháng đầu năm đã mang lại hiệu quả trong việc hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn để doanh nghiệp triển khai thực hiện giải ngân vốn đầu tư.

Điểm đến cho phát triển và cơ hội

Nhiều phái đoàn doanh nghiệp được đánh giá là lớn nhất từ trước đến nay đã đến Việt Nam trong những tháng vừa qua của năm 2023. Điều này cho thấy sự quan tâm rất lớn của giới đầu tư quốc tế vào môi trường đầu tư của Việt Nam.

Tháng 3, Việt Nam đón đoàn doanh nghiệp Mỹ lớn nhất từ trước đến nay, với hơn 50 doanh nghiệp, trong đó có nhiều tên tuổi lớn như Boeing, SpaceX, Apple, Amazon, Meta, Netflix… Tại các cuộc làm việc, doanh nghiệp Mỹ thể hiện sự quan tâm đặc biệt đến cơ hội đầu tư tại Việt Nam trong nhiều lĩnh vực như năng lượng, du lịch, ô tô, hàng không, kinh tế số, trang thiết bị y tế, ngân hàng... Ông Ted Osius, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN (USABC) chia sẻ, rất nhiều doanh nghiệp Mỹ bất ngờ trước sự phát triển của kinh tế Việt Nam... Trước đây, nhiều công ty chưa tiếp xúc với Việt Nam, nhưng bây giờ nhu cầu đó rất cao. Mức tăng trưởng cao của Việt Nam được nhiều công ty quan tâm. Đại diện của các nước ASEAN khác nói họ phải nhanh lên vì phải cạnh tranh với Việt Nam. Vài thập kỷ trước, họ không nói vậy, nhưng giờ đây họ đang nhìn vào Việt Nam như một điểm đến cho sự phát triển và cơ hội.

Tháng 6, 205 doanh nghiệp Hàn Quốc, trong đó có những tập đoàn hàng đầu như Samsung, SK, Hyundai, LG, Lotte... tháp tùng Tổng thống Yoon Suk-yeol sang Việt Nam trong chuyến công du 3 ngày. Báo chí Hàn Quốc nhận định, Tổng thống Yoon Suk-yeol đi cùng với phái đoàn doanh nghiệp lớn nhất từ trước tới nay, điều đó cho thấy Hàn Quốc rất coi trọng việc củng cố các mối quan hệ kinh tế với Việt Nam, đặc biệt là trong lĩnh vực dịch vụ và hạ tầng.

Tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam - Hàn Quốc, ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục ĐTNN chia sẻ, các nhà đầu tư Hàn Quốc sẽ “rót” hàng tỷ USD vào Việt Nam trong thời gian tới. “Chúng tôi có danh sách mấy chục dự án đang chờ, có dự án vài trăm triệu USD, cũng có dự án cả tỷ USD”, ông Đỗ Nhất Hoàng nói.

Ông Choi Joo Ho, Tổng giám đốc Samsung Việt Nam chia sẻ, các doanh nghiệp công nghệ trên toàn thế giới đang dõi theo Việt Nam hàng ngày để tìm hiểu biến động về chính sách, môi trường kinh doanh, đầu tư.

Cùng với đó, nhiều nhà ĐTNN cho biết sẽ tiếp tục mở rộng kế hoạch đầu tư, kinh doanh, phát triển thêm nhiều lĩnh vực mới tại Việt Nam. Tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ gặp mặt các nhà ĐTNN diễn ra vào tháng 4/2023, các nhà đầu tư đến từ Đức, Hàn Quốc và Nhật Bản cam kết sẽ đầu tư mới và mở rộng đầu tư, với tổng vốn lên tới 3,7 tỷ USD, trong các lĩnh vực như sản xuất xanh, sản xuất năng lượng tái tạo (khoảng 1,5 tỷ USD), sản xuất trang thiết bị y tế (khoảng 600 triệu USD); sản xuất năng lượng, logictics (khoảng 1,6 tỷ USD).

Việt Nam kiên định con đường cải cách và đổi mới

Bà Dorsati Madani, chuyên gia kinh tế cao cấp của Ngân hàng Thế giới nhận định, triển vọng thu hút ĐTNN của Việt Nam rất vững chắc, Việt Nam vẫn là điểm đến đầu tư hấp dẫn. Ngay trong dịch Covid-19, tình hình kinh tế của Việt Nam vẫn ổn định, Chính phủ rất quan tâm thu hút ĐTNN. Theo bà Dorsati Madani, khi điều kiện thay đổi, áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu, các nhà đầu tư vẫn tiếp tục quan tâm đến Việt Nam nhờ sự quyết tâm của Chính phủ trong thu hút ĐTNN và môi trường ổn định, nền kinh tế mở giúp nhà đầu tư đẩy mạnh xuất khẩu từ Việt Nam...

Theo Ngân hàng Thế giới, trong các yếu tố ảnh hưởng đến quyết định lựa chọn địa điểm đầu tư, 3 yếu tố được nhà đầu tư xem trọng nhất bao gồm: an ninh và sự ổn định chính trị, ưu đãi đầu tư, khả năng dự báo chính sách kinh doanh. Việt Nam đang có thế mạnh về an sinh và sự ổn định chính trị, vị trí địa lý thuận lợi cho việc giao thương và cung ứng, độ mở của nền kinh tế lớn. Các đặc điểm này cho phép Việt Nam có thể theo đuổi các chính sách để thu hút nhóm tập đoàn đa quốc gia tìm kiếm hiệu quả với điển hình là các tập đoàn sản xuất quy mô lớn và có năng lực liên kết chặt chẽ với chuỗi giá trị toàn cầu.

Còn theo Báo cáo Chỉ số niềm tin kinh doanh (BCI) quý II/2023 vừa được EuroCham Việt Nam công bố, bất chấp những thách thức, các nhà lãnh đạo doanh nghiệp châu Âu tin rằng, Việt Nam vẫn tiếp tục thu hút nhà ĐTNN, với 48% số người tham gia khảo sát kỳ vọng đầu tư trực tiếp nước ngoài của công ty họ vào Việt Nam sẽ tăng trong quý tới. Tuy nhiên, có tổng cộng 40% doanh nghiệp bày tỏ không có kế hoạch tăng vốn FDI, đánh dấu mức tăng 4% so với BCI trước đó. Dù vậy, Việt Nam vẫn củng cố vị trí là một trong năm điểm đến đầu tư hàng đầu của hơn 1/3 doanh nghiệp.

EuroCham cho biết, các doanh nghiệp được khảo sát nhấn mạnh tầm quan trọng của việc cải thiện môi trường pháp lý, phát triển hạ tầng và bảo đảm khả năng tiếp cận nguồn tài chính để nâng cao sức hấp dẫn của Việt Nam đối với đầu tư trực tiếp nước ngoài. Báo cáo cũng nhấn mạnh, quy định không rõ ràng (53%) và thủ tục hành chính rườm rà (50%) là những rào cản pháp lý chính hạn chế hoạt động của các doanh nghiệp tại Việt Nam.

Chính phủ sẽ tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, ban hành những chính sách để thúc đẩy thu hút đầu tư trong một số lĩnh vực có tiềm năng, tạo sự bứt phá như công nghệ cao, bán dẫn, đổi mới sáng tạo.

Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, trong thời gian tới, dự báo tình hình quốc tế có nhiều biến động, khó lường, thách thức lớn hơn cơ hội nhưng Việt Nam vẫn kiên định con đường cải cách và đổi mới; tiến lên theo cách thức phù hợp, thịnh vượng về kinh tế, bảo đảm về môi trường, công bằng về xã hội, hướng đến phát triển bền vững, bao trùm; thực hiện các mục tiêu đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, cũng như thực hiện cam kết đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

Nghị quyết 50-NQ/TW ngày 20/8/2019 đã yêu cầu xây dựng thể chế, chính sách ưu đãi vượt trội, cạnh tranh quốc tế, tạo điều kiện kinh doanh thuận lợi thu hút các dự án lớn, trọng điểm quốc gia, dự án công nghệ cao…, thu hút các nhà đầu tư chiến lược, các tập đoàn đa quốc gia đầu tư, đặt trụ sở và thành lập các trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D).

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, Chính phủ sẽ tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, ban hành những chính sách để thúc đẩy thu hút đầu tư trong một số lĩnh vực có tiềm năng, tạo sự bứt phá như công nghệ cao, bán dẫn, đổi mới sáng tạo.

Chính phủ cũng đang nghiên cứu về những hình thức hỗ trợ đầu tư mới trong bối cảnh thực thi thuế tối thiểu toàn cầu, làm thế nào để vẫn khuyến khích được đầu tư, hỗ trợ được nhà ĐTNN, nhưng không vi phạm quy định của Tổ chức Hợp tác kinh tế và Phát triển (OECD) cũng như các cam kết quốc tế, hướng đến các doanh nghiệp công nghệ cao, doanh nghiệp có dự án đầu tư trong lĩnh vực sản xuất sản phẩm công nghệ cao, doanh nghiệp có dự án ứng dụng công nghệ cao và xây dựng trung tâm R&D.

Chuyên đề