Các bị cáo tại phiên tòa xét xử vụ án. Ảnh: Doãn Tấn |
Làm rõ lời khai của các bị cáo
Trong 11 ngày thẩm vấn vừa qua, có thể thấy một vấn đề nổi cộm của vụ án đó là tiền chi lãi ngoài đã được chi cho những cá nhân nào và những cuộc đối chất ngay tại phiên tòa để làm rõ nội dung lời khai của một số bị cáo và người liên quan.
Theo cáo trạng, đầu năm 2011, bị cáo Hà Văn Thắm, nguyên Chủ tịch HĐQT OceanBank đã ra chủ trương chi lãi ngoài cho các khách hàng trên toàn hệ thống. Thực hiện chỉ đạo của Hà Văn Thắm, nguyên Tổng giám đốc OceanBank Nguyễn Minh Thu đã trực tiếp chỉ đạo các khối nghiệp vụ, các giám đốc chi nhánh, phòng giao dịch chi trả lãi ngoài huy động vốn trái với quy định về trần lãi suất do Ngân hàng Nhà nước quy định. Tổng cộng có 1.576 tỷ đồng đã được chi trả.
Bị cáo Hà Văn Thắm thừa nhận có ra chủ trương chi trả lãi ngoài và nhìn nhận có sai nhưng chỉ nghĩ “đó là vi phạm hành chính, nếu có bị xử lý thì chỉ bị cấm đảm nhiệm chức vụ 3 năm như trường hợp một ngân hàng khác từng xảy ra”.
Nhóm các bị cáo là lãnh đạo OceanBank, giám đốc khối nghiệp vụ, chi nhánh, phòng giao dịch... thì cho rằng họ không sai phạm, chỉ thực hiện các việc làm theo chỉ đạo của cấp trên. Một số giám đốc chi nhánh khẳng định 1.576 tỷ đồng đó không phải là thiệt hại vì số tiền chi ra đó giúp cho chi nhánh giữ được nguồn tiền gửi, đảm bảo được thanh khoản và đem lại lợi nhuận.
Bị cáo buộc lợi dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt 246 tỷ đồng trong số tiền chi lãi ngoài từ OceanBank, trong những lần được thẩm vấn trước đó, bị cáo Nguyễn Xuân Sơn, nguyên Tổng giám đốc OceanBank và sau này từng giữ chức vụ Phó Tổng giám đốc PVN liên tục phủ nhận. Nhưng tại phiên tòa này, bị cáo Sơn đã thừa nhận có nhận tiền.
Nhưng khoản tiền này, theo bị cáo Sơn giải trình, không phải là tiền bị cáo này chiếm đoạt. Nguyễn Xuân Sơn khai nhận tiền từ cá nhân Hà Văn Thắm. Đây là tiền Hà Văn Thắm đưa cho Sơn để chi đối ngoại với các khách hàng quan trọng, đặc biệt là PVN.
Bản cáo trạng nêu, trong số 246 tỷ đồng nhận được, Nguyễn Xuân Sơn đã chuyển cho Ninh Văn Quỳnh, nguyên Kế toán trưởng PVN 60% (khoảng 120 tỷ đồng). Tại phiên tòa, bị cáo Sơn thừa nhận có chuyển tiền cho Quỳnh nhưng số tiền chỉ khoảng 30 - 40 tỷ đồng.
Sau nhiều lần khai không nhận tiền, vào ngày 7/9, Quỳnh đã thay đổi lời khai, thừa nhận có nhận tiền từ Nguyễn Xuân Sơn nhưng số tiền chỉ khoảng 20 tỷ đồng và theo nhận thức của bị cáo thì đó là tiền Nguyễn Xuân Sơn cho bị cáo.
Hội đồng xét xử đã đặt vấn đề vì sao cấp trên lại phải cho cấp dưới số tiền lớn đến vậy? Bị cáo Sơn khẳng định không cho ông Quỳnh tiền, đó là tiền đối ngoại của Hà Văn Thắm nhờ Sơn đưa hộ. Còn ông Quỳnh vẫn khai khi đưa Sơn chỉ nói có chai rượu biếu anh hoặc không nói gì. Mỗi lần “biếu” ít nhất là 500 triệu đồng, có lần 1 tỷ đồng, 2 tỷ đồng.
Ngoài ra, Hội đồng xét xử cũng triệu tập đại diện một số doanh nghiệp thẩm vấn, đối chất với các bị cáo nguyên là quản lý cấp cao của OceanBank. Tại tòa, đại diện các doanh nghiệp đều phủ nhận, không nhận tiền lãi ngoài.
Mối quan hệ phức tạp giữa các đại gia ngân hàng
Một nội dung đáng chú ý trong phần thẩm vấn đó là mối quan hệ phức tạp giữa Hà Văn Thắm - Phạm Công Danh - Hứa Thị Phấn trong quá trình tái cơ cấu Ngân hàng Đại Tín. Có thể nói việc sắp xếp lại ngân hàng này hoàn toàn thất bại khi cả “chủ cũ” - bà Hứa Thị Phấn lẫn “chủ mới” - Phạm Công Danh đều dính líu vào những vụ án nghiêm trọng.
Theo lời khai của Hà Văn Thắm khi vào hỗ trợ Ngân hàng Đại Tín, bị cáo đã nhận thấy tình trạng ngân hàng rất xấu, có nhiều khoản nợ lớn với mối quan hệ phức tạp, rắc rối và thậm chí có cả tranh chấp với khoản nợ lên tới nhiều nghìn tỷ đồng. Hà Văn Thắm đã giới thiệu Phạm Công Danh mua lại Đại Tín.
OceanBank đã cho Công ty Trung Dung của Phạm Công Danh vay 500 tỷ đồng. Khoản tiền này được dùng để tất toán cho một số khoản vay tại Đại Tín trái với mục đích cho vay tại hợp đồng tín dụng. Quá trình cho vay, các tài sản đảm bảo bị quy kết là không đủ điều kiện pháp lý.