Dẫn giải bị cáo Hà Văn Thắm vào phòng xét xử. Ảnh: Nguyên Vũ |
Với số lượng bị cáo lên tới 51 người, khoảng 50 luật sư, hơn 700 người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan, phần thủ tục bắt đầu phiên tòa đã kéo dài đến buổi chiều. HĐXX tốn nhiều thời gian cho phần kiểm tra căn cước các đối tượng và xem xét ý kiến các luật sư.
Bị cáo Hứa Thị Phấn vắng mặt
Bị cáo Hứa Thị Phấn xin xét xử vắng mặt vì lý do bệnh tật. Trong phiên tòa lần 1, “đại gia” Hứa Thị Phấn không bị truy tố và được triệu tập đến tòa với tư cách người liên quan. Tại phiên tòa lần này, sau khi điều tra bổ sung, bà Phấn bị truy tố tội Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng.
Luật sư bào chữa cho bị cáo Hứa Thị Phấn cho biết, hiện bị cáo Phấn đang nằm điều trị tại bệnh viện. Bà Phấn đang trong tình trạng nửa mê nửa tỉnh. Bệnh tiểu đường khiến bà không thể đi lại được. Theo luật sư, tình trạng sức khỏe của bà Phấn đang càng ngày càng nguy kịch. Luật sư đã nộp bản kết quả giám định của hội đồng pháp y cho thấy bà Phấn bị mất sức khỏe 93%.
Tại phiên tòa, luật sư của bà Hứa Thị Phấn cho rằng hồi xét xử sơ thẩm lần 1, luật sư đã sao chụp một số hồ sơ là các bút lục lời khai của bị cáo, sau đó hồ sơ được trả về để điều tra bổ sung. Cơ quan công an đã khởi tố thêm bà Hứa Thị Phấn. Nhưng đến nay không còn những bút lục mà luật sư đã từng tiếp cận trước đó. Theo luật sư, đây là những chứng cứ rất quan trọng, đặc biệt khi luật sư cho rằng bà Hứa Thị Phấn bị oan.
Sau khi hội ý, HĐXX khẳng định hồ sơ đại án OceanBank không bị đánh tráo. Luật sư đã có sự nhầm lẫn hồ sơ, bút lục giữa vụ án Hà Văn Thắm và vụ án Phạm Công Danh. Đối với trường hợp bị cáo Hứa Thị Phấn, đang phải nằm điều trị tại bệnh viện với tình trạng bệnh tình nặng đã được Bộ Công an lập biên bản xác nhận. Căn cứ vào đơn đề nghị xét xử vắng mặt của luật sư của bà Phấn, HĐXX tạm thời đồng ý với việc vắng mặt của bị cáo Phấn. Tuy nhiên trong quá trình xét xử, nếu thấy cần thiết, HĐXX sẽ tiến hành triệu tập bị cáo này.
Hậu quả nghiêm trọng
Sai phạm của các bị cáo tập trung vào việc thu phí đối với khách hàng vay vốn, mua ngoại tệ, chi lãi ngoài lãi suất hợp đồng, sổ tiết kiệm và vi phạm quy định cho vay trong việc cho Công ty Trung Dung vay 500 tỷ đồng.
Cụ thể, đối với việc thu phí khách hàng vay vốn, Nguyễn Xuân Sơn, nguyên Tổng giám đốc OceanBank, người đại diện vốn của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) tại OceanBank đã chủ động đề nghị Hà Văn Thắm để huy động tiền gửi từ PVN và các đơn vị thành viên thì phải chi lãi suất ngoài và giao cho Sơn được toàn quyền quyết định.
Để có tiền chi lãi ngoài, Hà Văn Thắm đã sử dụng Công ty BSC để thu phí dịch vụ tư vấn đối với khách hàng vay vốn và mua ngoại tệ tại OceanBank. Tổng số tiền khoảng 69 tỷ đồng thu được, sau đó được chuyển cho Nguyễn Xuân Sơn.
Ngoài các đơn vị PVN, Hà Văn Thắm còn ra chủ trương chi lãi ngoài trên toàn hệ thống. Có hơn 51 nghìn cá nhân và 392 tổ chức gửi tiền tại OceanBank và nhận tiền chi lãi ngoài hợp đồng, sổ tiết kiệm. Việc này gây thiệt hại hơn 1.500 tỷ đồng cho OceanBank.
Liên quan đến giao dịch mua lại cổ phần Ngân hàng Đại Tín (sau đổi tên thành Ngân hàng CP Xây dựng - VNCB), Hà Văn Thắm hứa hẹn cho Phạm Công Danh vay 500 tỷ đồng để tăng thanh khoản cho VNCB. Việc cho vay này vi phạm quy định về cho vay của Ngân hàng Nhà nước và quy chế nôi bộ của OceanBank như không đúng mục đích, vượt quá tỷ lệ quy định, không đăng ký giao dịch bảo đảm đối với tài sản bảo đảm là nhà đất, không kiểm tra, giám sát việc sử dụng vốn vay...