Công khai đầy đủ thông tin về gói thầu trang thiết bị y tế là cơ sở để cơ quan giám sát thẩm định được cơ bản giá trúng thầu có cạnh tranh hay không. Ảnh: Lê Tiên |
Chưa thực sự quyết liệt
Trong các thông tin về đấu thầu được công khai theo Thông tư số 07/TTLT/BKHĐT-BTC quy định chi tiết việc cung cấp, đăng tải thông tin về đấu thầu và lựa chọn nhà thầu qua mạng (TT07), nội dung về kết quả lựa chọn nhà thầu (KQLCNT) của các gói thầu mua sắm TTBYT được quy định khá chi tiết. Theo đó, tại Mẫu 9b: Phiếu đăng ký thông tin KQLCNT (áp dụng đối với gói thầu mua sắm hàng hóa) TT07 có nêu thông tin về các hàng hóa thuộc gói thầu, bao gồm: tên hàng hóa, công suất, tính năng thông số kỹ thuật cơ bản, xuất xứ, giá/đơn giá trúng thầu, ghi chú. Trong đó, đối với các gói thầu mua sắm TTBYT, phần công suất cần thông tin về cấu hình thiết bị. Tuy nhiên, theo khảo sát ban đầu cho thấy, tỷ lệ các đơn vị công khai toàn bộ thông tin về KQLCNT gói thầu mua sắm TTBYT theo những hướng dẫn trên không nhiều. Một chuyên gia về đấu thầu nhận xét: “Điều này cho thấy, vẫn còn nhiều đơn vị trong ngành y tế chưa chịu công khai đầy đủ thông tin theo yêu cầu của TT07”.
Bên cạnh đó, theo một số đơn vị y tế công lập, việc chậm triển khai cung cấp thông tin theo Hướng dẫn của TT07 tại Mẫu 9b đối với các gói thầu mua sắm TTBYT là do nhiều nguyên nhân. Cụ thể, triển khai theo hướng dẫn này, nội dung của KQLCNT sẽ nhiều hơn với khối lượng thông tin lớn. “Riêng thông tin về công suất, tính năng kỹ thuật… đã khiến công tác tổng hợp thông tin gặp nhiều lúng túng và mất thời gian hơn so với trước đây nhiều”, đại diện một bệnh viện tại TP.HCM cho biết.
Tuy nhiên, đại diện Cục Quản lý đấu thầu lại cho rằng, chính sự “mở” trong khối lượng thông tin về KQLCNT các gói thầu mua sắm TTBYT sẽ góp phần rất lớn vào việc hạn chế “thổi giá”, “mua bán lòng vòng” trong lĩnh vực này. Và người được lợi nhất khi công khai thông tin này chính là bệnh viện và người bệnh.
“Chúng ta đều biết rằng, với TTBYT, chỉ cần cung cấp công khai về tính năng kỹ thuật, cấu hình thiết bị, xuất xứ và thời gian cũng như điều kiện bảo hành là đã đủ cơ sở để các cơ quan giám sát thẩm định được cơ bản giá trúng thầu có cạnh tranh hay không. Nhiều đơn vị vin vào lý do khối lượng thông tin nhiều, còn lúng túng khi mới triển khai cung cấp thông tin cho thấy họ chưa thực sự nỗ lực tạo ra môi trường cạnh tranh và minh bạch khi tổ chức đấu thầu” - ông Phạm Thy Hùng, Trưởng phòng Quản lý mạng đấu thầu thuộc Cục Quản lý đấu thầu cho biết thêm.
Kê đúng toa trị “bệnh” lười công khai thông tin đấu thầu
Bản thân Bộ Y tế cũng nhìn ra thực trạng bưng bít thông tin về KQLCNT các gói thầu mua sắm TTBYT, nên trước khi TT07 được ban hành, Bộ đã có văn bản yêu cầu các đơn vị cần công khai thêm nhiều thông tin khi đăng tải KQLCNT. Nhiều chuyên gia y tế từng cảm thán: “Cứ giấu biệt đi những thông tin về xuất xứ, thông số kỹ thuật và điều kiện bảo hành khi mua sắm TTBYT thì các chủ đầu tư không bị dòm ngó là đã mua “hớ”, mua đắt khi tổ chức đấu thầu rồi”.
Ông Nguyễn Minh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Trang thiết bị và Công trình y tế thuộc Bộ Y tế cho biết thêm: Việc công khai rộng rãi trên Hệ thống Website của ngành y tế cũng như Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia là biện pháp hiệu quả nhất, kinh tế nhất để hạn chế tối đa tình trạng mua bán lòng vòng, đẩy giá thiết bị lên cao, bất hợp lý vốn đã tồn tại từ lâu của Ngành. “Công khai giá trúng thầu các gói thầu mua sắm TTBYT sẽ là cơ sở để các đơn vị trong toàn ngành y tế tham khảo nhằm xây dựng kế hoạch, làm cơ sở để phê duyệt giá. Biện pháp này có lợi cho đơn vị đầu mối mua sắm, cho các nhà thầu cung cấp trang thiết bị cũng như các cơ quan giám sát đấu thầu” - đại diện Vụ Trang thiết bị và Công trình y tế nhận định.
Trong khi đó, các chuyên gia đấu thầu cho rằng, công khai đầy đủ thông tin về KQLCNT gói thầu mua sắm TTBYT còn hướng đến mục đích lớn hơn là tạo cơ sở dữ liệu cơ bản để xây dựng danh mục hàng hóa e-catalogue – công cụ hữu hiệu của đấu thầu qua mạng. Đây chính là nền tảng để các nhà thầu, nhà cung cấp bắt buộc phải công khai thông tin về sản phẩm, nâng cao trách nhiệm khi cung cấp thiết bị của nhà sản xuất trong suốt vòng đời của dự án.