Đặc khu cần những chính sách táo bạo

(BĐT) - Dự thảo Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt sẽ được Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 5, bắt đầu diễn ra từ hôm nay (21/5). 

Theo nhiều ý kiến, những thể chế chính sách vượt trội, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, hấp dẫn, bảo đảm an toàn cho nhà đầu tư chính là những ưu đãi phi kinh tế, phi tài chính, quan trọng hơn rất nhiều so với những ưu đãi về kinh tế. 

Báo Đấu thầu ghi lại một số ý kiến của các chuyên gia quốc tế về những yếu tố cần thiết để đảm bảo thành công của một đặc khu.       

Đặc khu cần những chính sách táo bạo ảnh 1
Bà Lưu Dung Hân, Viện Phát triển Trung Quốc

Quản lý đặc khu là sự kết hợp giữa quản lý kinh tế và quản lý xã hội, liên quan đến các lĩnh vực đất đai, phê duyệt dự án, đầu tư, thuế, ngoại hối, lao động, môi trường và hàng loạt những chính sách ưu đãi. Đây là hệ thống rất phức tạp, trong đó quan trọng nhất là nắm bắt được mối quan hệ giữa Chính phủ và thị trường.

Về quản lý đặc khu, vừa phải kết hợp những kinh nghiệm tiên tiến trên thế giới, vừa vận dụng linh hoạt theo tình hình thực tế nội tại của đất nước, từ đó xây dựng cơ chế quản lý mang đặc sắc của nước mình. Do tính chất phức tạp của cơ chế quản lý đặc khu, nên vấn đề lập pháp ở cấp quốc gia không nên quá chi tiết, mà có thể có thêm các quy định hỗ trợ chi tiết khi thực hiện để điều chỉnh linh hoạt theo yêu cầu phát sinh trong quá trình vận hành.

Điểm cốt lõi trong cơ chế quản lý đặc khu kinh tế của Trung Quốc là sự kết hợp hữu cơ của Chính phủ và thị trường. Chính phủ làm nhiệm vụ thành lập cơ chế lãnh đạo cấp quốc gia, xây dựng cơ chế pháp luật và quy hoạch, xây dựng kết cấu hạ tầng, tôn trọng quy tắc thị trường. Thị trường sẽ quyết định đến việc phân bổ nguồn lực, thu hút đầu tư, sách lược đầu tư, kinh doanh tự chủ. Cần tránh 2 xu thế: Chủ nghĩa tự do mới bỏ qua vai trò của chính phủ và Chủ nghĩa can thiệp quá sâu làm mất tính điều tiết của thị trường.

Đặc khu cần những chính sách táo bạo ảnh 2
Ông Sebastian Eckardt, Chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam

Để tối đa hóa lợi ích và hạn chế rủi ro, việc thành lập và thiết kế các đặc khu nên được gắn chặt với chiến lược toàn diện về phát triển công nghiệp và đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) với tầm nhìn và mục tiêu rõ ràng. Thành công phụ thuộc chủ yếu vào môi trường đầu tư và vị trí các đặc khu kinh tế, tính kết nối tốt và gắn kết chặt chẽ với các cụm công nghiệp trong nước, bảo đảm môi trường sống và xã hội, ưu đãi thông minh, chú trọng tới đầu tư chiến lược…

Khung chính sách nên tập trung vào thu hút các nhà đầu tư giá trị cao; phân tích chi phí - lợi ích toàn diện ở cấp độ quốc gia để đo lường tác động của luật đối với cả nền kinh tế; đồng thời có khuôn khổ quản trị và trách nhiệm giải trình mạnh.

Đặc khu nên thu hút những doanh nghiệp tạo mức lương cao hơn, thúc đẩy phát triển kỹ năng, chuyển giao công nghệ, nghiên cứu và phát triển (R&D) trong nước, sử dụng hiệu quả hơn nguồn tài nguyên; tạo cơ hội cho các doanh nhân và nhà đầu tư trong nước hợp tác với các công ty nước ngoài trong chuỗi giá trị toàn cầu, chứ không gạt bỏ các nhà đầu tư và doanh nghiệp nhỏ và vừa trong nước…

Đặc khu cần những chính sách táo bạo ảnh 3
Ông Teo Eng Cheong, Giám đốc Quốc tế Tập đoàn Surbana Jurong, Singapore

Có 5 yếu tố thành công chủ yếu cho đặc khu và các khu công nghiệp, đó là: mục tiêu rõ ràng; đổi mới chính sách táo bạo; địa điểm thuận lợi; thiết kế mang tính đặc thù và quản lý hiệu quả. Rất nhiều đặc khu thất bại vì các mục tiêu không rõ ràng, hạn chế trong tự do hóa chính sách, lựa chọn địa điểm sai, thiết kế tồi hoặc quản lý kém hiệu quả.

Trong đó, hoạch định các chính sách mới một cách táo bạo hoặc mở rộng các quy định hiện hành là một trong yếu tố then chốt hàng đầu. Một thất bại chung của rất nhiều đặc khu là trì hoãn đổi mới các chính sách cần thiết vì sợ việc tự do hóa diễn ra quá nhanh và mất kiểm soát. Điều này là không tốt vì ý tưởng thiết lập một khu vực như một đặc khu chính xác là cho phép thử nghiệm và tự do hóa các chính sách mà không làm ảnh hưởng đến phần còn lại của đất nước. Để thành công, đặc khu cần phải tạo cảm hứng đầy tự tin rằng nó sẽ khác so với các khu vực còn lại của đất nước.

Các đổi mới chính sách hoặc tự do hóa điển hình bao gồm: thuế, quy chế hải quan, chính sách lao động và nguồn vốn. Trong đó, ưu đãi thuế hoặc giảm thuế có thể là đổi mới chính sách hàng đầu cho rất nhiều đặc khu.

Chuyên đề

Kết nối đầu tư