Đa số DN trong nước còn thụ động với hội nhập kinh tế quốc tế

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Sau hơn 10 năm nhìn lại kết quả thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TW ngày 9/12/2011 của Bộ Chính trị, doanh nghiệp (DN) trong nước đã tăng trưởng vượt bậc về số lượng và chất lượng. Tuy nhiên, so với DN nước ngoài đầu tư tại Việt Nam và nhìn sang các nước trong khu vực, tốc độ tăng trưởng của DN Việt Nam vẫn còn chậm, thậm chí bỏ lỡ nhiều cơ hội từ hội nhập kinh tế quốc tế. Nhận định này được nhiều ý kiến đưa ra tại buổi tọa đàm diễn ra sáng ngày 27/9, tại Hà Nội.
Ảnh minh họa: Internet
Ảnh minh họa: Internet

Năng lực mở rộng và chiếm lĩnh thị trường của DN Việt Nam vẫn còn thấp

Theo kết quả nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới, năm 2021, độ mở của nền kinh tế Việt Nam - được đo bằng kim ngạch xuất nhập khẩu/GDP - nằm trong top đầu của khu vực châu Á với 184% (Hồng Kông dẫn đầu với 403%, tiếp đến là Singapore với 338%...).

Trong giai đoạn 2011 - 2021, bà Nguyễn Thị Thu Trang - Giám đốc Trung tâm WTO của VCCI cho rằng, hội nhập kinh tế quốc tế đã có bước chuyển đáng kể, từ chiều rộng (WTO) sang chiều sâu (FTA); chuyển từ hội nhập bị động sang chủ động, từ đàm phán gia nhập thị trường sang thiết kế luật chơi; từ hội nhập truyền thống sang hội nhập thế hệ mới,… Với 11 hiệp định FTA (trong đó có 3 hiệp định đang đàm phán), Việt Nam đã và đang trở thành điểm đến rất hấp dẫn cho các nhà đầu tư nước ngoài. Thu hút FDI lũy kế đến năm 2021 đạt 409 tỷ USD, tăng 2,07 lần so với năm 2011.

Theo khảo sát của Bộ Kế hoạch và Đầu tư năm 2020, hơn một nửa số DN vừa và lớn (DNVVL) tự đánh giá có khả năng tự chủ về mặt công nghệ (CN) để sản xuất và đổi mới sản phẩm, dịch vụ (53,8%). Về trình độ CN, tỷ lệ DN đang áp dụng CN tương đương so với khu vực ASEAN/Trung Quốc là 52,5%; tỷ lệ DN sử dụng CN “vượt trội trên thế giới” là 28,8%; và 9,9% DN trả lời rằng CN “tương đương so với châu Âu/Mỹ/Nhật Bản/Hàn Quốc”. Trong số các DN tự chủ về CN để sản xuất, 59,9% DN có mua hoặc nhận chuyển giao CN; 32,4% DN có CN tự nghiên cứu, phát triển và đăng ký bản quyền; và 6,8% DN “đi thuê” CN phục vụ sản xuất, đổi mới sản phẩm, dịch vụ…

Tuy nhiên, theo kết quả khảo sát của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, năng lực mở rộng và chiếm lĩnh thị trường của DN Việt Nam vẫn còn thấp, đạt 0,04% (trong khi Thái Lan là trên 12%, Singapore là xấp xỉ 12%, Malaysia là hơn 4%). Chỉ có 23,5% DN Việt Nam chấp nhận mua bán hoặc sáp nhập với các DN khác để lớn mạnh; 6,5% DN có thành lập công ty con hoặc chi nhánh tại nước ngoài. Các DN nước ngoài như Thái Lan, Singapore, Malaysia, Phillipines chủ yếu đóng vai trò là bên mua trong các thương vụ M&A, trong khi hầu hết DN Việt Nam đóng vai trò là bên bị thôn tính.

“Sự thiếu quyết liệt trong các hoạt động M&A và mở rộng thị trường của các DN Việt Nam một phần do năng lực tài chính hạn chế, nhưng cũng có thể lý giải do tâm lý khép kín xuất phát từ mô hình tổ chức theo kiểu DN gia đình”, bà Bùi Thu Thủy - Phó Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư đánh giá.

Số liệu của Bộ Công Thương và Tổng cục Hải quan cũng cho thấy, tỷ lệ tận dụng cơ hội từ các hiệp định FTA của DN Việt Nam trung bình đạt được trong giai đoạn 2015 - 2021 là 32,7%. Trong đó, tỷ lệ tận dụng cơ hội từ hiệp định VCFTA là cao nhất (64,56%), tiếp đó là AIFTA (56,9%), AKFTA (43,51%)... Ngược lại, một số hiệp định có tỷ lệ tận dụng cơ hội dưới 10% như: CPTPP (6,3%), AHKFTA (0,05 - 0,1%), hay FTA với Lào, Campuchia, Cuba…

Về nguyên nhân của tình trạng này, bà Nguyễn Thị Thu Trang cho rằng, chủ yếu là do sự thụ động của DN Việt Nam trong nhận thức về thời cơ và nguy cơ từ hội nhập kinh tế quốc tế; hạn chế về năng lực cạnh tranh; thiếu chủ động tham gia vào quá trình xây dựng, hình thành chính sách; một bộ phận DN vẫn còn hiện tượng gian lận.

Ảnh minh họa: Internet

Ảnh minh họa: Internet

Phát triển nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với hội nhập quốc tế

Trong thời gian tới, hội nhập quốc tế, các FTA mới được dự báo đang tạo ra nhiều cơ hội cho DN, doanh nhân phát triển, mở rộng thị trường; tạo lợi thế để DN tham gia chuỗi giá trị toàn cầu, tiếp cận bình đẳng các CN, nguồn nhân lực, tín dụng từ bên ngoài. Sự dịch chuyển của các dòng vốn FDI, cách mạng công nghiệp 4.0, kinh tế số, kinh tế xanh tạo xu hướng tiêu dùng mới. Các mô hình kinh doanh mới cũng đem lại cơ hội thị trường để hình thành các chuỗi giá trị, liên kết mới.

Tuy vậy, DN sẽ đối mặt với nhiều thách thức như sự bất định mang tính toàn cầu (dịch bệnh, thiên tai, xung đột Nga - Ukraine có thể kéo dài…); phục hồi chậm và khó khăn của các đối tác thương mại lớn; lạm phát tăng cao, sự mất giá của các đồng tiền (bao gồm VND), tăng chi phí nhập khẩu nguyên vật liệu, chi phí sản xuất; dịch chuyển chuỗi giá trị, yêu cầu thị trường theo hướng sản xuất và tiêu dùng bền vững, cam kết của Việt Nam khi tham gia COP26… Trong khi đó, DN Việt Nam chưa nhận thức đầy đủ vai trò và tầm quan trọng của CN, chuyển đổi số, chưa làm chủ được các CN lõi, CN nền tảng; nguồn lực, kinh nghiệm thương trường, trình độ CN, trình độ quản lý của DN còn hạn chế.

“Trong bối cảnh toàn cầu hóa, nhiều bất định, muốn phát triển nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với hội nhập quốc tế thì nền kinh tế cũng như DN cần phải có khả năng thích ứng và chống chịu cao với những cú sốc bên ngoài, đảm bảo duy trì được các hoạt động kinh tế - xã hội và phục vụ đắc lực nhiệm vụ quốc phòng - an ninh”, TS. Cấn Văn Lực nhấn mạnh.

Để làm được điều này, bà Thủy cho rằng, DN cần nâng cao năng lực nghiên cứu, đổi mới sáng tạo; thúc đẩy chuyển đổi số; tích tụ vốn; tạo lập một số chuỗi giá trị ngay tại thị trường Việt Nam. Về phía Nhà nước, cần đổi mới các chính sách, chương trình hỗ trợ DN để đảm bảo phù hợp với nhu cầu thực tế của DN và thị trường; hoàn thiện cơ sở hạ tầng để tạo thuận lợi cho DNVVL phát triển; phát triển nguồn nhân lực có chất lượng cho DNVVL; thúc đẩy liên kết giữa DN FDI và DNVVL, giữa DNVVL và DNNVV.

Để có thể nâng cao hiệu quả hội nhập kinh tế quốc tế, tận dụng cơ hội mang lại từ các hiệp định FTA, bà Trang kiến nghị, Đảng và Nhà nước cần có giải pháp chính sách hỗ trợ DN, doanh nhân hội nhập kinh tế quốc tế, tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, cũng như tiếp tục hoàn thiện thể chế, môi trường kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính. Đặc biệt, cần có các chương trình hỗ trợ chung cho các DN trong nước về thông tin, xúc tiến thương mại; thiết lập đầu mối tư vấn, giải thích chính thức về các cam kết quốc tế.

Mặt khác, bản thân các DN cũng cần tăng cường tính chủ động, liên kết, hợp tác cùng hành động, thực hành và xây dựng bản sắc doanh nhân Việt Nam trong hội nhập kinh tế quốc tế.

Theo một kết quả nghiên cứu của Trường Havard Business được TS. Cấn Văn Lực dẫn chứng, văn hóa DN tỷ lệ thuận với kết quả kinh doanh. DN nào có văn hóa DN mạnh thì kết quả kinh doanh sẽ cao hơn nhóm có văn hóa DN trung bình.

Chuyên đề