Đà Nẵng: Chuẩn bị quỹ đất, hạ tầng chờ thu hút đầu tư vi mạch, bán dẫn và trí tuệ nhân tạo

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Kế hoạch của Đà Nẵng đến năm 2030 có ít nhất 5.000 kỹ sư thuộc lĩnh vực vi mạch, bán dẫn (trong đó có ít nhất 2.000 kỹ sư thuộc lĩnh vực thiết kế và 3.000 kỹ sư, kỹ thuật viên thuộc lĩnh vực đóng gói, kiểm thử). Để thực hiện mục tiêu này, Đà Nẵng đã và đang đầu tư, chuẩn bị quỹ đất, hạ tầng để thu hút các nhà đầu tư chiến lược.
Công viên phần mềm số 2 Đà Nẵng chuẩn bị được đưa vào vận hành thu hút các nhà đầu tư lĩnh vực vi mạch, bán dẫn, trí tuệ nhân tạo
Công viên phần mềm số 2 Đà Nẵng chuẩn bị được đưa vào vận hành thu hút các nhà đầu tư lĩnh vực vi mạch, bán dẫn, trí tuệ nhân tạo

Theo thông tin từ Sở Thông tin-Truyền thông TP. Đà Nẵng, hiện Thành phố có 1 Khu Công nghệ cao và 3 Khu Công nghệ thông tin tập trung đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận; chuẩn bị đưa vào sử dụng Công viên phần mềm số 2 với diện tích sàn hơn 90.000 m2, đáp ứng cho hơn 6.000 nhân sự. Đồng thời, thành phố Đà Nẵng cũng chuẩn bị sẵn sàng quỹ đất phù hợp, đầu tư thêm 3 Khu Công nghệ thông tin mới để đón nhận các dự án đầu tư của các doanh nghiệp vi mạch, bán dẫn, trí tuệ nhân tạo. Đối với hạ tầng đường truyền mạng cáp quang quốc tế, hạ tầng điện và giao thông, logistic, theo lãnh đạo Thành phố, Đà Nẵng hoàn toàn đáp ứng được các yêu cầu của các nhà đầu tư về vi mạch, bán dẫn và trí tuệ nhân tạo. Hiện, Đà Nẵng cũng đang nghiên cứu, thảo luận hợp tác với tập đoàn Viettel, Synopsys, Intel, Sovico kêu gọi doanh nghiệp cùng đầu tư, cùng khai thác vận hành các cơ sở hạ tầng quan trọng này.

Lĩnh vực vi mạch, bán dẫn và trí tuệ nhân tạo được tập trung hơn khi ngày 26/6/2024, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết 136/2024/QH15 ngày 26/6/2024 về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng. Trong đó có các chính sách ưu đãi vượt trội cho các nhà đầu tư chiến lược, đối tác chiến lược trong lĩnh vực vi mạch, trí tuệ nhân tạo như Chính sách miễn thuế thu nhập doanh nghiệp, miễn thuế thu nhập cá nhân; Chính sách hỗ trợ chi phí đào tạo, bồi dưỡng ngành vi mạch, bán dẫn; Chính sách thu hút chuyên gia, nhà khoa học; Chính sách hỗ trợ chi phí mua thiết bị hỗ trợ cho doanh nghiệp; Chính sách cho thuê trực tiếp tài sản kết cấu hạ tầng thông tin không thông qua đấu giá, thực hiện chỉ định thầu, mua sắm các trang thiết bị đặc thù từ đối tác chiến lược thuộc lĩnh vực vi mạch bán dẫn, trí tuệ nhân tạo… Để được hưởng các ưu đãi của nhà đầu tư chiến lược, đối tác chiến lược thì các doanh nghiệp, nhà đầu tư ngoài đáp ứng các yêu cầu về vốn, doanh thu, công nghệ… thì phải có ký kết hợp tác lâu dài với thành phố trong đào tạo nguồn nhân lực, chuyển giao công nghệ và mở rộng đầu tư tại thành phố. Những chính sách này được kỳ vọng sẽ tạo động lực và chuyển biến quan trọng để thu hút sự đầu tư, hợp tác của các doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Trên cơ sở các định hướng chính sách hỗ trợ, ưu đãi Quốc hội đã được thông qua, hiện nay Đà Nẵng đang dự thảo xây dựng Nghị quyết quy định chính sách hỗ trợ phát triển lĩnh vực bán dẫn, vi mạch và trí tuệ nhân tạo để cụ thể hoá các nội dung ưu đãi hỗ trợ, kịp thời ban hành và áp dụng vào đầu năm 2025. Các chính sách này sẽ được áp dụng hỗ trợ các nhà đầu tư chiến lược; Đối tác chiến lược; Hoạt động đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp, vi mạch bán dẫn, trí tuệ nhân tạo.

Theo thống kê, Đà Nẵng có khoảng 10 doanh nghiệp thiết kế vi mạch như Synopsys, Uniquify, Savarti, Renesas, Synapse, FPT semiconductor, Viettel CNC… với khoảng 550 kỹ sư được đào tạo từ các Trường Đại học Bách Khoa và các trường Đại học trên địa bàn thành phố Đà Nẵng. So với tương quan tổng thể nguồn nhân lực vi mạch, bán dẫn của Việt Nam, nguồn nhân lực thiết kế vi mạch của thành phố chiếm gần 10%.

Chuyên đề