Trong năm 2018, Tổng cục Đường bộ Việt Nam sẽ tiếp tục rà soát, điều chỉnh phương án tài chính các dự án BOT theo quy định. Ảnh: Lê Tiên |
Theo ông Huyện, với tư cách là cơ quan nhà nước có thẩm quyền, TCĐB đang quản lý 54 dự án BOT trong giai đoạn kinh doanh, khai thác và chuyển giao trên 1.704 km quốc lộ với tổng mức đầu tư 167.843 tỷ đồng. Tuy nhiên, qua rà soát, có 12 trạm thu giá có mức thu giá thấp nên không tiến hành đàm phán để giảm giá xuống. Bên cạnh đó, TCĐB cũng đã tổ chức đàm phán, ký hợp đồng cung cấp dịch vụ thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ theo hình thức điện tử không dừng cho 27/27 trạm thu giá và hiện đã vận hành thương mại 17 trong số 27 trạm thu giá. Đây là những trạm thu giá thuộc các dự án BOT trên Quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên.
Lãnh đạo TCĐB cũng cho biết, TCĐB đặt mục tiêu trong năm 2018 sẽ áp dụng và vận hành đủ 27/27 trạm thu giá không dừng. Ở những trạm thu giá không dừng thì vẫn sẽ có trạm hỗn hợp dành cho các phương tiện lưu thông lựa chọn hoặc xử lý tình huống phát sinh. Từ nay đến tháng 6/2018, TCĐB sẽ phối hợp với các doanh nghiệp dự án BOT/nhà đầu tư BOT lắp đặt các thiết bị để thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ không dừng ở tất cả các trạm BOT trên các tuyến quốc lộ.
Theo đánh giá của TCĐB, thời gian qua, Dự án Xây dựng cầu dân sinh và quản lý tài sản đường địa phương đã được triển khai tích cực và khẩn trương. Từ đầu năm 2017 trở lại đây, cả nước đã khởi công được 467 cầu trên phạm vi 43 tỉnh trong tổng số 50 tỉnh. Nhiều cầu đã hoàn thành và đưa vào sử dụng. Dự kiến, trước Tết Nguyên đán Mậu Tuất sẽ đưa vào sử dụng khoảng 200 cầu phục vụ bà con nhân dân đón Tết.
Đại diện TCĐB cũng cho biết, trong năm 2018, Tổng cục xác định nhiệm vụ trọng tâm là tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân nguồn vốn xây dựng cơ bản đã được giao trong năm 2018; tăng cường chất lượng công tác thẩm định, phê duyệt; lập phương án chuẩn bị đầu tư cho các công trình để phục vụ xây dựng kế hoạch bảo trì năm 2019; đồng thời ứng dụng phần mềm PMS trong xây dựng cơ sở dữ liệu và lập kế hoạch quản lý bảo trì đường.
Đặc biệt, trong năm 2018, TCĐB sẽ đấu thầu duy tu bảo dưỡng hệ thống quốc lộ giai đoạn 2018 - 2020, triển khai thực hiện kế hoạch bảo trì đường bộ năm 2018, tiếp tục thực hiện các công tác quản lý bảo vệ hành lang đường bộ; đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ vào quản lý bảo trì đường bộ cũng như tăng cường tổ chức kiểm tra hiện trường bao gồm công tác bảo trì đối với các đoạn tuyến thực hiện dự án BOT.
Cùng với đó, trong năm 2018, TCĐB sẽ tiếp tục rà soát, điều chỉnh phương án tài chính các dự án BOT theo quy định; tổng hợp, báo cáo doanh thu dịch vụ sử dụng đường bộ và các chỉ tiêu tài chính; đôn đốc các nhà đầu tư BOT thực hiện việc nộp phí sử dụng tài sản nhà nước vào ngân sách nhà nước; tiếp tục thực hiện xử lý các bất cập tại các trạm thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ.