Ngoại trưởng Mỹ John Kerry (trái) và người đồng cấp Nga Sergei Lavrov tại cuộc họp báo chung ở Geneva ngày 8/9. Ảnh: AFP |
Rạng sáng ngày 8/9 tại Geneva, Thụy Sĩ, phái đoàn Mỹ và Nga chính thức đạt được thỏa thuận ngừng bắn mới ở Syria. Theo đó, chính phủ Syria và các lực lượng đối lập bắt đầu ngừng bắn vào hoàng hôn ngày 12/9, theo giờ địa phương. Nếu lệnh ngừng bắn đứng vững trong 7 ngày liên tiếp và cứu trợ nhân đạo cho thành phố Aleppo có thể nối lại, Washington và Moscow sẽ bắt đầu triển khai nỗ lực hợp tác quân sự chống phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) và tổ chức Jabhet Fateh al-Shams (tên cũ là Mặt trận Nusra) có liên hệ với al-Qaeda.
Theo BBC, con đường để đi đến bàn thương thuyết ở Geneva cũng như quá trình đàm phán tại đây đã trải qua nhiều khúc ngoặt bất ngờ và đầy khó khăn vì thiếu sự tin tưởng lẫn nhau.
Căng thẳng đến phút chót
Các quan chức chính phủ Mỹ cho hay cuộc đàm phán với Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov trở nên "phức tạp và khó khăn" kể từ tháng 7/2016 vì đôi bên cứ tiến một bước lại phải lùi hai bước.
Chính phủ Mỹ cạn kiệt kiên nhẫn và đề nghị Nga thảo luận một "đề xuất cuối cùng" về Syria. Song thời điểm bàn thảo lại gây tranh cãi.
Nga đề nghị cả hai phái đoàn đến Geneva để đàm phán, trong khi Mỹ khăng khăng không chịu. Bộ Ngoại giao Mỹ đã hủy một chuyến bay vào phút chót, đồng thời hoãn một chuyến khác sang Geneva với lý do các cơ quan chính phủ Mỹ đang thảo luận nội bộ.
"Chúng tôi cho rằng ông John Kerry không đáng phải bỏ công sức tới Geneva vào lúc này", người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Mark Toner nói. Nhưng đúng nửa tiếng sau, các phóng viên bất ngờ nhận thông báo tiến ra sân bay gấp để sang Geneva.
Theo giới chức Mỹ, sở dĩ tình trạng thông điệp bất nhất như vậy xảy ra một phần là vì Nga phản hồi trễ trước đề xuất từ Mỹ, khiến cho lịch trình làm việc của Ngoại trưởng Kerry xáo trộn.
Trong lúc đó, Ngoại trưởng Lavrov đã xuất hiện ở Geneva và đặt ra khả năng ông có thể "bỏ trống" ghế của người đồng cấp Kerry tại cuộc đàm phán.
Ngay cả khi đã đáp máy bay sang Geneva, các quan chức cấp cao chính phủ Mỹ vẫn tìm cách làm giảm kỳ vọng của báo chí.
"Dường như có một số dự đoán cho rằng chúng tôi sắp tiến đến giai đoạn cao trào trong tiến trình đàm phán", một quan chức cấp cao Mỹ nói nhưng cũng cảnh báo rằng không có gì bảo đảm Mỹ và Nga sắp hoàn tất thương thảo.
Khi đến Geneva, ông Kerry đi thẳng tới các cuộc họp mà giới quan sát nhận định là mang tính "thực dụng và cô đọng".
Cứ mỗi một hoặc hai tiếng, cuộc họp tạm ngừng để hai phái đoàn giải lao và đánh giá những nội dung đã trao đổi.
Ngoại trưởng Mỹ tỏ ra lạc quan. "Hãy soạn thảo một tuyên bố", ông nói với các thành viên phái đoàn Mỹ sau một cuộc họp.
Thế nhưng, mọi chuyện lại đi vào bế tắc. Ông Kerry phải gọi điện thoại cho Tổng thống và Lầu Năm Góc để xin ý kiến chấp thuận đối với bản dự thảo tuyên bố mới nhất.
Lầu Năm Góc nghi ngờ Moscow sẽ không giữ lời sau khi lệnh ngừng bắn lần trước ở Syria đổ vỡ và lưỡng lự về việc chia sẻ thông tin với không quân Nga tại chiến trường Syria theo thỏa thuận mới.
Tặng pizza xin lỗi
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov (phải) bước vào phòng báo chí để tặng lại bánh pizza của Mỹ cho phóng viên. Ảnh: AFP
Trong suốt quãng thời gian người Mỹ thảo luận, phái đoàn Nga chỉ chờ đợi. Sau 5 tiếng, phái đoàn Mỹ gửi bánh pizza cho phía Nga như một cách để xin lỗi vì tạm ngưng cuộc họp quá lâu.
Ông Lavrov ngay lập tức tặng số pizza lại cho các nhà báo đồng thời kèm theo một số chai vodka và ghi rằng đây là quà của Nga. Báo chí Nga gọi đó là bữa ăn nhẹ kết hợp giữa "món ăn thân thuộc của người Mỹ và đồ uống nồng của người Nga".
Ông Lavrov cho rằng hệ thống "phân quyền theo trục dọc" ở một nền dân chủ như Mỹ làm việc quá chậm, đồng thời nhấn mạnh ông mong phái đoàn Mỹ sẽ phản hồi trước khi "Washington đi ngủ". Điều đó có nghĩa các quan chức Mỹ chỉ còn 3 tiếng để thảo luận nội bộ.
Lúc này, thời gian đã trôi qua quá nửa đêm và các nhân viên đại sứ Mỹ vô tình gây thêm trì hoãn khi thay đổi ngày trên bục phát biểu trong khi ông Kerry và Lavrov bước tới bước lui đầy sốt ruột nơi lối vào.
Cả hai sau đấy đều phát biểu thận trọng dù ông Lavrov khẳng định Ngoại trưởng Mỹ đã giúp xua tan những nghi ngờ của Nga về việc người Mỹ sẽ không tận tâm trong nỗ lực tiêu diệt Mặt trận Nusra.
Trong khi đó, phát biểu của ông Kerry kèm theo nhiều cảnh báo, nhấn mạnh lệnh ngừng bắn phụ thuộc chủ yếu vào thành ý từ phía Nga bởi Mỹ hiện không có bất kỳ phương tiện vũ khí nào ở Syria. Ông Kerry 7 lần khẳng định thỏa thuận ngừng bắn chỉ phát huy hiệu quả nếu được tuân thủ nghiêm túc.