Khoảng hụt nguồn nhân lực chất lượng cao
Nghiên cứu của Korn Ferry chỉ ra, đến năm 2030, nhân sự trong lĩnh vực công nghệ sẽ thiếu hụt hơn 85 triệu người, tương đương với dân số của Đức. Sự thiếu hụt này có thể tạo ra khoảng trống trị giá 8,5 nghìn tỷ USD doanh thu hàng năm, đáng lẽ thực hiện được. Trong đó, Nga có thể thiếu tới 6 triệu người, Trung Quốc dự báo sẽ thiếu hụt gấp đôi. Mỹ cũng có thể phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt hơn 6 triệu người trong khi Nhật Bản, Indonesia và Brazil, mỗi nước có thể thiếu tới 18 triệu người.
Điều này cho thấy nguy cơ hiện hữu về “cuộc chiến nhân tài” trong tương lai gần và bất lợi chắc chắn thuộc về các quốc gia có tỷ lệ sinh thấp, thiếu chiến lược phát triển nhân lực chất lượng cao, thiếu cách làm sáng tạo để thu hút và giữ chân nhân tài.
Nếu nhìn “cuộc chiến” này từ những con số khác, cũng có thể thấy sự khốc liệt của nó - đó chính là di cư.
Số lượng người di cư quốc tế đạt mức kỷ lục 272 triệu người vào năm 2019, tăng 51 triệu người kể từ năm 2010. Lao động tay nghề cao chiếm một phần đáng kể trong số người di cư quốc tế. Theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), tỷ lệ người có trình độ đại học trong tổng số người di cư đã tăng từ 25% vào năm 1990 lên 38% trong năm 2020.
Báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB) năm 2020 đưa ra ước tính rằng, các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình mất bình quân 23% số lao động tay nghề cao do di cư. Mất nhân tài tạo ra những khoảng trống nghiêm trọng về kỹ năng và cản trở sự phát triển kinh tế ở các quốc gia thu nhập thấp và trung bình. Các nước phát triển như Mỹ, Canada và Úc vẫn là điểm đến chính của những người di cư có tay nghề cao. Trong khi đó, các nước đang phát triển ở châu Phi và châu Mỹ Latinh đã chứng kiến dòng chảy lao động ngày một lớn.
Chiến lược phát triển nhân tài trong nước và thu hút nhân tài quốc tế
Để thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, các quốc gia sẽ buộc phải theo đuổi song song hai chiến lược. Đó là phát triển nhân tài trong nước và thu hút nhân tài quốc tế.
Đối với phát triển nhân tài trong nước, điểm chung trong chiến lược của các quốc gia là đầu tư mạnh vào giáo dục STEM ở mọi cấp độ, nhằm tạo ra lực lượng lao động lành nghề cho các ngành công nghệ cao như trí tuệ nhân tạo (AI), robot và công nghệ sinh học.
Bên cạnh đó, thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp quốc gia, gia tăng các sáng kiến để nâng cao chất lượng môi trường khởi nghiệp kinh doanh và đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho thị trường vốn phát triển để hình thành nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp công nghệ, thúc đẩy đổi mới và tạo việc làm trong lĩnh vực công nghệ.
Ngoài ra, nhiều quốc gia đang thúc đẩy các chương trình nhằm trang bị cho lực lượng lao động hiện tại những kỹ năng mới phù hợp xu thế phát triển của các ngành, giúp họ trở nên cạnh tranh và dễ tuyển dụng hơn.
Đối với thu hút nhân tài quốc tế, chiến lược đang tùy thuộc vào thế mạnh cũng như đặc thù của mỗi quốc gia. Thụy Sỹ, quốc gia có 10 năm dẫn đầu về chỉ số năng lực cạnh tranh nhân tài toàn cầu (GTCI), vượt trội trong việc tạo điều kiện và giữ chân nhân tài thông qua mức độ bảo trợ xã hội cao, ổn định chính trị và hệ sinh thái đổi mới sáng tạo phát triển mạnh mẽ. Singapore, xếp sau Thụy Sỹ, thu hút nhân tài nhờ bối cảnh khởi nghiệp sôi động, môi trường đa văn hóa và bộ máy công quyền hoạt động hiệu quả. Mỹ - đứng thứ 3 về chỉ số GTCI - thu hút và phát triển nhân tài với các trường đại học đẳng cấp quốc tế, cơ hội nghề nghiệp đa dạng và hạ tầng nghiên cứu và phát triển mạnh mẽ.
Nếu xét về các yếu tố kể trên, các nước đang phát triển dường như kém lợi thế và đang đứng trước những khó khăn trong thu hút người tài. Câu hỏi đặt ra là, có cơ hội nào cho các quốc gia đang phát triển?
Trên thực tế, nhiều quốc gia tham gia muộn hơn vào công cuộc đổi mới sáng tạo, bất lợi về tầm vóc và quy mô phát triển kinh tế, nhưng đang thực hiện các chiến lược đổi mới để nâng cao năng lực cạnh tranh của mình.
Costa Rica - quốc gia dẫn đầu toàn cầu về bảo vệ môi trường và phát triển bền vững - thu hút nhân tài tìm kiếm lối sống cân bằng và cơ hội làm việc phù hợp với các giá trị thân thiện với môi trường. Đồng thời, quốc gia này cũng tập trung vào lĩnh vực du lịch và năng lượng tái tạo - 2 lĩnh vực phụ thuộc nhiều vào tài nguyên thiên nhiên vốn đã phát triển mạnh mẽ ở Costa Rica, tạo cơ hội việc làm cho cả người dân địa phương và người nước ngoài có chuyên môn về bảo tồn, du lịch sinh thái và công nghệ năng lượng tái tạo.
Rwanda coi công nghệ là động lực tăng trưởng kinh tế, đầu tư mạnh vào hạ tầng công nghệ thông tin, các chương trình xóa mù kỹ thuật số và các sáng kiến đổi mới. Bên cạnh đó, Rwanda xây dựng các đặc khu kinh tế với những thành phố đổi mới sáng tạo như Kigali, đóng vai trò là trung tâm cho các công ty khởi nghiệp công nghệ và quốc tế, đưa ra các ưu đãi về thuế, các quy định hợp lý và khả năng tiếp cận lực lượng lao động lành nghề.
Rwanda cũng thiết lập quan hệ đối tác với những “gã khổng lồ” công nghệ, thu hút đầu tư từ Google, Microsoft và Alibaba, thành lập các trung tâm đào tạo và sáng kiến nhằm tạo ra một hệ sinh thái công nghệ thịnh vượng. Chính phủ tích cực hỗ trợ các công ty khởi nghiệp và các nhà cung cấp dịch vụ cho các công ty khởi nghiệp…
Các quốc gia đang phát triển có thể tận dụng những xu hướng quốc tế, đồng thời khai thác đặc thù của mình để tạo ra năng lực cạnh tranh riêng trong thu hút nhân tài. Trong số các xu hướng này, có thể kể đến là xu hướng du mục kỹ thuật số.
Theo một báo cáo mới của MBO Partners, lối sống du mục kỹ thuật số ngày càng trở thành xu hướng chủ đạo của giới trẻ, với 17,3 triệu công nhân Mỹ hiện mô tả tình hình công việc của họ theo cách đó. Các nhà nghiên cứu nhận thấy, kể từ khi đại dịch Covid-19 nổ ra, số lượng người du mục kỹ thuật số tăng gấp 3 lần từ năm 2019 đến năm 2022.
Sự năng động của hệ sinh thái khởi nghiệp có thể thu hút những bộ óc sáng tạo, tìm cách phát triển các dự án mới tại những quốc gia mới mẻ trên thế giới. Trong cộng đồng du mục kỹ thuật số, có thể thấy, thời gian lưu trú trung bình của những nhân lực chất lượng cao tương đối ngắn, nên một hệ sinh thái khởi nghiệp năng động với nhiều ưu đãi có thể là lực hấp dẫn để thu hút đối tượng này dừng chân. Các quốc gia đang phát triển hoàn toàn có thể trở thành điểm đến của các doanh nhân khởi nghiệp theo hướng du mục kỹ thuật số nếu hiểu đúng “khẩu vị” của dòng chảy nhân lực này và tạo ra những ưu đãi đáp ứng được.
Việt Nam có tiềm năng rất lớn để thu hút nhân tài gốc Việt trên khắp thế giới về phát triển sự nghiệp. Ảnh: Lê Tiên |
Việt kiều - nguồn nhân tài lớn cho Việt Nam
Mặc dù còn rất sớm để khẳng định một xu hướng, nhưng Việt Nam có những tiềm năng rất lớn cho việc thu hút nhân tài gốc Việt trên khắp thế giới về phát triển sự nghiệp, lập doanh nghiệp tại Việt Nam. Tính đến thời điểm hiện tại, có khoảng 600.000 Việt kiều có trình độ đại học trở lên trong tổng số 5,3 triệu người Việt Nam đang sinh sống ở nước ngoài, chủ yếu tập trung ở Mỹ và các nước Tây Âu. Đây bao gồm cả những trí thức đã từng đi nước ngoài học tập và làm việc, cũng như con em thế hệ sau của người Việt ở nước ngoài. Trong nhiều lĩnh vực chuyên sâu như điện tử, sinh học, vật liệu mới, năng lượng mới, tin học, hàng không, vũ trụ, hải dương, đã có sự đóng góp đáng kể từ các chuyên gia người Việt Nam.
Theo cuộc khảo sát của Tập đoàn Tư vấn tuyển dụng Robert Walters, 71% Việt kiều cho biết sẽ xem xét khả năng trở về quê hương để sinh sống và làm việc trong vòng 5 năm tới. Một trong những yếu tố thúc đẩy Việt kiều về nước là chính sách miễn visa, giúp họ di chuyển thuận lợi khi quyết định trở về. Cuộc khảo sát của Robert Walters chỉ ra rằng, 66% Việt kiều tin tưởng vào sự ổn định và phát triển của nền kinh tế Việt Nam, đây cũng là một trong những nguyên nhân chính thôi thúc họ muốn trở về.
Nền kinh tế đang phát triển mạnh mẽ của nước ta, đặc biệt là về công nghệ, sản xuất và du lịch, mang đến triển vọng nghề nghiệp thú vị và cơ hội kinh doanh cho những công dân gốc Việt ở khắp nơi trên thế giới, đồng thời thu hút các tài năng nước ngoài đến làm việc, định cư và khởi nghiệp tại Việt Nam. Điều cần làm là một chiến lược thu hút bài bản, hợp lý, có bản sắc rõ ràng và hài hòa được lợi ích của nhân tài với lợi ích của quốc gia.