Cung ứng gạo dự trữ quốc gia năm 2023: “Ngồi trên đống lửa” vì trúng thầu

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Trao đổi với phóng viên Báo Đấu thầu, ông Phạm Việt Hà, Vụ trưởng Vụ Quản lý hàng dự trữ thuộc Tổng cục Dự trữ Nhà nước (DTNN) cho biết, các cục DTNN khu vực đã tổ chức đấu thầu mua 220.000 tấn gạo nhập kho dự trữ quốc gia (DTGQ) năm 2023. Tính đến nay, 86% kế hoạch mua gạo đã hoàn tất khâu ký hợp đồng, vẫn còn gần 25.000 tấn gạo đang phải làm thủ tục đấu thầu lại, vì lần đấu thầu đầu tiên không có nhà thầu dự, hoặc dự nhưng trả giá cao hơn giá gói thầu…
Năm nay, biến động tăng giá gạo trên thị trường quá cao khiến nhà thầu “trở tay không kịp”. Ảnh chỉ mang tính minh họa
Năm nay, biến động tăng giá gạo trên thị trường quá cao khiến nhà thầu “trở tay không kịp”. Ảnh chỉ mang tính minh họa

Thấy trước lỗ tăng dần...

Tính đến nay, các cục DTNN khu vực đã hoàn thành việc lựa chọn nhà thầu mua 195.230/220.000 tấn gạo nhập kho dự trữ quốc gia (DTQG) theo kế hoạch năm 2023. Phần lớn các gói thầu đang trong thời gian thực hiện hợp đồng. Tuy nhiên, giá gạo 15% tấm (tiêu chuẩn gạo nhập kho DTGQ) trên thị trường hiện nay là 15.230 đồng/kg (tăng 14,5% - 21,8% so với giá trúng thầu). Điều này khiến nhiều nhà thầu trúng thầu lâm vào cảnh bế tắc vì để mua đủ gạo nhập kho DTQG, thua lỗ nặng nề là điều thấy trước.

Khảo sát nhanh của phóng viên Báo Đấu thầu về kết quả trúng thầu cung cấp gạo nhập kho DTQG kế hoạch năm 2023 tại các cục DTNN cho thấy, giá gạo trúng thầu của Công ty TNHH Hiệp Phát Hưng tại Cục DTNN khu vực Đông Nam Bộ là 12.915 đồng/kg, của Công ty TNHH Thương mại tổng hợp Thành Lợi tại Cục DTNN khu vực Hà Nam Ninh là 13.098 đồng/kg, của Tổng công ty Lương thực Miền Bắc tại Chi cục DTNN Núi Thành thuộc Cục DTNN khu vực Đà Nẵng là 13.083 đồng/kg, của Công ty TNHH Thương mại quốc tế Khải Minh tại Cục DTNN khu vực Thái Bình là 12.915 đồng/kg…

Ông Vũ Bá Thành, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Xuất nhập khẩu lương thực Thành Sang cho biết, Công ty trúng nhiều gói thầu cung cấp gạo nhập kho dự trữ tại khu vực Nam Trung Bộ, Đông Nam Bộ, Bình Trị Thiên, Bắc Tây Nguyên, TP.HCM… “Hiện nay, Nhà thầu mới nhập được khoảng 50% lượng gạo trúng thầu. Số còn lại, các kho, nhà máy xay xát đã ký hợp đồng nhưng khi giá gạo tăng cao đột biến như hiện nay, họ không chịu giao gạo, do đó không có gạo để nhập vào các kho DTNN”, ông Thành cho biết.

Đứng trước khó khăn này, ông Thành mong muốn các cơ quan chức năng có chế tài, giải pháp để buộc các kho phải giao gạo cho Thành Sang như đã cam kết trong hợp đồng. “Số lượng gạo mà Nhà thầu cần nhập các kho DTNN là rất lớn, chế tài của Nhà nước rất nghiêm, tiêu chuẩn gạo rất khắt khe nên không thể gom gạo trôi nổi trên các chợ đầu mối”, ông Thành chia sẻ.

Bà Nguyễn Thị Kim Hằng, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Kim Hằng thì chia sẻ, giá trúng thầu cung cấp gạo vào các kho DTNN khu vực được công bố đã bao gồm thuế VAT, còn giá gạo hiện nay trên thị trường chưa tính VAT đã lên tới trên 15.000 đồng/kg. Vì thế, chênh lệch giữa giá gạo trúng thầu và giá gạo trên thị trường xoay quanh mức gần 3.000 đồng/kg. Trung bình, mỗi ngày giá gạo tăng lên 200 - 300 đồng/kg khiến nhà thầu này như “ngồi trên đống lửa”. Bên cạnh đó, theo bà Hằng, tiến độ thanh toán sau khi gạo nhập kho rất chậm, chẳng hạn, tại Cục DTNN khu vực TP.HCM, Nhà thầu đã hoàn thành nhập kho 2.200 tấn gạo (100% lượng gạo trúng thầu) gần 1 tháng, nhưng mới được thanh toán gần 20% giá trị hợp đồng (5,2 tỷ đồng).

“Nhà thầu không chỉ lỗ nặng về giá sau khi trúng thầu mà còn mắc kẹt về dòng tiền”, bà Hằng chia sẻ và cho biết, Nhà thầu đang loay hoay, bế tắc khi phải làm mọi cách xoay xở dòng tiền để thu gom gạo cho kịp tiến độ hợp đồng đã ký.

Dù khó, lịch sử chưa có nhà thầu nào bỏ hợp đồng

Trao đổi với phóng viên Báo Đấu thầu ngày 9/8/2023, Vụ trưởng Vụ Quản lý hàng dự trữ thuộc Tổng cục DTNN Phạm Việt Hà cho biết, tính đến hiện tại, các cục DTNN khu vực đã hoàn thành ký hợp đồng với các nhà thầu mua 189.380 tấn gạo (chiếm 86% kế hoạch), đang làm thủ tục ký hợp đồng 5.850 tấn (chiếm 2,65% kế hoạch). Còn 24.770 tấn gạo (chiếm 11,35% kế hoạch) đang làm thủ tục đấu thầu lại vì chưa lựa chọn được nhà thầu (ở lần đấu thầu đầu tiên không có nhà thầu nộp hồ sơ dự thầu hoặc nhà thầu chào vượt giá gói thầu). Hiện nay, tổng lượng gạo nhập vào kho là 80.300 tấn (đạt 36,5% kế hoạch). Tổng cục DTNN chưa nhận được bất kỳ văn bản nào của các nhà thầu phản ánh về các khó khăn trong thực hiện hợp đồng.

Về quan ngại của dư luận khi giá gạo trên thị trường đang “nhảy múa”, gây khó khăn cho nhà thầu và rủi ro cho việc nhập kho DTQG theo kế hoạch, ông Phạm Việt Hà cho rằng, với số lượng gạo mà nhà thầu đã ký hợp đồng, sẽ ít nhà thầu bỏ thực hiện hợp đồng vì chế tài xử phạt rất nặng. Cụ thể, nhà thầu sẽ mất 3 - 5% tiền bảo lãnh thực hiện hợp đồng, nộp phạt 8% giá trị gạo nhập thiếu, bị cấm thầu theo quy định… Từ trước đến nay, Tổng cục DTNN chưa có trường hợp nhà thầu nào bỏ thực hiện hợp đồng (chỉ có tình trạng nhà thầu trúng thầu không chịu ký hợp đồng). Đối với số lượng gạo phải tổ chức đấu thầu lại, Tổng cục DTNN cập nhật lại, đảm bảo sát với giá gạo thị trường.

Lãnh đạo Cục DTNN khu vực Hà Nội cho biết, hiện nay đơn vị này đã hoàn thành ký hợp đồng với tất cả các nhà thầu trúng thầu và các nhà thầu đang trong thời gian thực hiện hợp đồng. 100% nhà thầu đều cam kết cung cấp đủ số lượng gạo đã trúng thầu.

Lãnh đạo Cục DTNN khu vực Đông Nam Bộ thì cho biết, hiện nay, giá gạo ở khu vực phía Nam đang tăng từng ngày. Trong 3 nhà thầu trúng thầu cung cấp gạo vào Cục DTNN khu vực Đông Nam Bộ năm 2023, hiện mới có Công ty TNHH Hiệp Phát Hưng hoàn thành hợp đồng.

Nhiều nhà thầu cung cấp gạo DTQG cho biết, khi đã ký hợp đồng thì phải chấp nhận “lời ăn lỗ chịu” nhưng năm nay, biến động tăng giá gạo trên thị trường quá cao khiến nhà thầu “trở tay không kịp”. Những rủi ro khó lường do biến động thị trường nhà thầu phải “cắn răng” chịu đựng vì hiện chưa có cơ chế nào hỗ trợ giải quyết.

Chuyên đề