Cung ứng dịch vụ giặt là tại Bệnh viện Phụ sản Hà Nội: Tiêu chí lệch, nhà thầu “quen” trúng thầu

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Bệnh viện Phụ sản Hà Nội (chủ đầu tư, trực tiếp mời thầu) vừa công bố trao hợp đồng Gói thầu Cung cấp dịch vụ giặt là đồ vải y tế năm 2022. Trong quá trình mời thầu, một nhà thầu đã có văn bản kiến nghị về các “hàng rào” kỹ thuật tại hồ sơ mời thầu (HSMT).
Gói thầu cung cấp dịch vụ giặt là đồ vải y tế năm 2022 cho Bệnh viện Phụ sản Hà Nội (giá dự toán 15,194 tỷ đồng) chỉ thu hút 1 nhà thầu tham dự. Ảnh minh họa: Song Lê
Gói thầu cung cấp dịch vụ giặt là đồ vải y tế năm 2022 cho Bệnh viện Phụ sản Hà Nội (giá dự toán 15,194 tỷ đồng) chỉ thu hút 1 nhà thầu tham dự. Ảnh minh họa: Song Lê

Gói thầu có giá dự toán 15,194 tỷ đồng, sử dụng nguồn thu của Bệnh viện, phát hành HSMT rộng rãi, qua mạng từ ngày 25/1 - 23/2/2022. Phạm vi dịch vụ bao gồm giặt là đồ vải y tế (1.100.000 kg); giặt là áo cán bộ công nhân viên (90.000 kg); giặt là quần cán bộ nhân viên (85.000 kg); giặt là váy hộ sinh điều dưỡng (10.000 kg), với thời gian thực hiện hợp đồng 365 ngày, đơn giá cố định.

Ngày 18/2, Công ty CP Dịch vụ Môi trường Y tế MESCO đã có công văn kiến nghị điều chỉnh HSMT do cho rằng Bên mời thầu đang “nhầm lẫn” các tiêu chuẩn đánh giá một gói thầu mua sắm hàng hóa với gói thầu cung cấp dịch vụ, khi đưa ra các tiêu chí quá tỉ mỉ, chi tiết.

Cụ thể, trong số thiết bị máy móc dự kiến thực hiện Gói thầu, đối với máy giặt vắt tự động tốc độ cao, HSMT yêu cầu: loại máy giặt giảm chấn tốc độ cao; công suất giặt 100 kg/mẻ; lực vắt G 350 G; lồng giặt bằng thép không gỉ.

Đối với máy giặt vắt 2 cửa, HSMT quy định: công suất giặt 60 kg/mẻ; tốc độ giặt 40 vòng/phút; tốc độ vắt trung bình 350 vòng/phút; tốc độ vắt cao từ 460 - 720 vòng/phút. Máy là phẳng yêu cầu đáp ứng công suất 250 kg/giờ; chiều dài ru-lô 3.000 mm; đường kính ru-lô 900 mm; tốc độ khoảng từ 4 - 16 mét/phút; chủng loại dùng máng là, nâng hạ máng bằng thủy lực; độ dày máng là 10 mm.

Đối với máy là ép quần áo, HSMT cũng chỉ định từng thông số kỹ thuật, trong đó có kể đến chi tiết mặt ép trên được mạ lớp Nickel…

Bên cạnh đó, tất cả thiết bị phải được sản xuất trong vòng 5 năm trở lại đây và là thiết bị mới 100% tại thời điểm đưa vào sử dụng ở cơ sở giặt là của nhà thầu.

Theo Nhà thầu MESCO, thay vì yêu cầu chi tiết đối với từng thiết bị như tại HSMT, với Gói thầu đang xét, việc đánh giá năng lực nhà thầu cần dựa trên các yếu tố: đáp ứng yêu cầu về chất lượng dịch vụ; bảo đảm tiến độ cung ứng dịch vụ; kinh nghiệm của nhà thầu; thiết kế nhà xưởng theo nguyên tắc một chiều; bảo đảm yêu cầu về hóa chất sử dụng; thực hiện nghiêm túc quy trình giặt là; không vi phạm các nguyên tắc an toàn vệ sinh, bảo vệ môi trường. Dựa trên các yếu tố này, việc đánh giá năng lực nhà thầu đã đủ toàn diện và khách quan.

Trong khi đó, Chủ đầu tư kiên quyết bảo lưu quan điểm khi cho rằng, căn cứ vào khối lượng lớn đồ vải cần giặt là của Bệnh viện, cộng với yêu cầu chất lượng dịch vụ, bảo đảm sức khỏe cho đối tượng sử dụng, việc đưa ra các tiêu chí về đặc điểm của thiết bị là phù hợp.

Kết quả, nhà thầu duy nhất tham dự và trúng thầu là Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ TMC Việt Nam (địa chỉ tại Hà Nội), với giá trúng thầu 14,198 tỷ đồng, giảm 6,5% so với giá gói thầu. Tháng 1/2022, Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ TMC Việt Nam được chỉ định thực hiện Gói thầu Bảo trì bảo dưỡng máy giặt máy sấy tại 3 cơ sở của Bệnh viện Phụ sản Hà Nội. Ngoài ra, Công ty là nhà thầu được trao hợp đồng 2 gói thầu cung cấp dịch vụ giặt là đồ vải y tế năm 2020 và 2021, với tổng giá trị 29,3 tỷ đồng.

Theo một chuyên gia đấu thầu, đối với gói thầu cung cấp dịch vụ, các yêu cầu về kỹ thuật cần chú trọng vào sản phẩm đầu ra như tiêu chuẩn, quy cách, thông số, chất lượng... của dịch vụ. Về cơ bản, không cần nêu quy trình, phương pháp thực hiện dịch vụ cụ thể mà nhà thầu phải tuân theo. Nhà thầu được quyền chủ động đề xuất quy trình, thiết bị, phương pháp thực hiện mà nhà thầu thấy là thích hợp để thực hiện gói thầu.

Chuyên đề

Kết nối đầu tư