Củng cố niềm tin, gia tăng nội lực cho doanh nghiệp và nền kinh tế

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Tính trung bình, cứ 3 doanh nghiệp (DN) thì có 2 DN dự kiến giảm quy mô lao động trên 5%, thậm chí giảm trên 50%. Cứ 5 DN, thì có đến 4 DN cắt giảm kế hoạch doanh thu trên 5%, trong đó có gần 30% giảm trên 50% doanh thu.
Ảnh minh họa: Internet
Ảnh minh họa: Internet

"Bức tranh xám màu" này vừa được Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV thuộc Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng) đưa ra tại báo cáo kết quả khảo sát tình hình DN và một số đề xuất, tham mưu để hỗ trợ DN và nền kinh tế gửi Thủ tướng Chính phủ.

DN hết sức “nguy kịch”

Theo kết quả khảo sát từ gần 1 vạn DN được Ban IV công bố, 82,3% DN dự kiến giảm quy mô, tạm ngừng kinh doanh hoặc ngừng kinh doanh trong các tháng còn lại của năm 2023. Trong số các DN còn hoạt động năm 2023, 71,2% dự kiến giảm quy mô lao động trên 5%, trong đó có 22,2% dự kiến giảm trên 50%; 80,7% DN dự kiến giảm doanh thu trên 5%, trong đó tỷ lệ giảm trên 50% doanh thu là 29,4%.

Niềm tin của DN đối với kinh tế vĩ mô, kinh tế ngành trong bối cảnh này đặc biệt thấp. 81,4% DN được khảo sát có đánh giá tiêu cực/rất tiêu cực về triển vọng kinh tế Việt Nam trong các tháng còn lại của năm 2023, trong khi hướng tích cực chỉ chiếm 4,2%.

Qua phản ánh của cộng đồng DN, hiện có 4 khó khăn, thách thức lớn nhất, gồm: Khó khăn về đơn hàng (59,2%); Khó khăn trong tiếp cận vốn vay (51,1%); Thực hiện thủ tục hành chính và đáp ứng các quy định của pháp luật (45,3%); Nguy cơ hình sự hóa các giao dịch kinh tế (31,1%).

Đáng chú ý là dù DN đang gặp nhiều khó khăn, nhưng sự hỗ trợ của chính quyền địa phương chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn, khi có đến 84% DN đánh giá hiệu quả điều hành và hỗ trợ của chính quyền địa phương ở mức kém hiệu quả. Từ đó, Ban IV cho rằng: "Khâu triển khai chính sách, truyền thông chính sách và hiệu quả thực thi chưa tương xứng với quyết tâm và hành động của Chính phủ và Thủ tướng".

Khẩn trương có giải pháp cứu nguy cho DN

Trước mắt, theo Ban IV, Chính phủ cần triển khai giải pháp để tiết giảm chi phí cho DN. Cụ thể là kéo dài thời hạn các chính sách hỗ trợ DN đã phát huy hiệu quả trong giai đoạn Covid-19, bao gồm việc giảm 2% thuế giá trị gia tăng đến hết năm 2025 thay vì chỉ hết năm 2023; tiếp tục giãn, hoãn, giảm các khoản phí liên quan đến bảo hiểm xã hội, kinh phí công đoàn, hay xem xét mức đóng thuế thu nhập cá nhân mới để giảm chi phí lao động cho DN; đưa thuế thu nhập DN đối với các DN xuất khẩu về mức 5 - 10% để tạo sức cạnh tranh với DN các nước khác...

Ban IV cho biết, đẩy nhanh việc hoàn thuế cho DN lúc này là rất cần thiết. "Cho phép DN được hoàn thuế trong vòng 3 tháng sau khi hoàn thành xuất khẩu đơn hàng; kết hợp các biện pháp thanh tra, hậu kiểm để kiểm soát rủi ro, chống gian lận thuế nhằm tạo điều kiện cho số đông các DN tuân thủ tốt pháp luật", Ban IV đề xuất.

Ảnh: Ban IV cung cấp

Ảnh: Ban IV cung cấp

Việc tiếp cận được vốn vay nhanh chóng hơn cũng là vấn đề được nhiều DN quan tâm. Do đó, Ban IV đề xuất 4 giải pháp: Một là nghiên cứu gói tín dụng ưu đãi cho các ngành, lĩnh vực sản xuất chủ lực, trong đó có những khoản mục dành cho DN nhỏ và vừa.

Hai là không siết tín dụng với các nhóm bất động sản liên quan đến xây dựng nhà ở xã hội, bệnh viện, trường học, hạ tầng sản xuất.

Ba là cho phép ngân hàng thương mại trong nước được mua lại các trái phiếu sắp tới hạn và xử lý như một dạng tín dụng đặc biệt vì lượng trái phiếu này có giá trị vượt rất nhiều lần khả năng mua lại của các DN trong nước.

Bốn là xem xét giảm mạnh lãi suất vay cho thuê, mua nhà ở xã hội để số đông công nhân, người lao động có cơ hội tiếp cận việc thuê, mua nhà từ nguồn hỗ trợ tín dụng. Đồng thời, Nhà nước xem xét các cơ chế để DN tham gia tín chấp, bảo lãnh cho người lao động trong quá trình này so với quy trình xét duyệt phức tạp theo diện "đối tượng chính sách" như hiện nay để chủ trương phát triển nhà ở xã hội đi vào thực tiễn...

Ngoài ra, theo Ban IV, giải pháp quan trọng không kém vào lúc này với các DN là phải cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. "Vấn đề cần nhất lúc này là DN phải ổn định tư tưởng, tập trung sản xuất, kinh doanh. Vì vậy, cần sớm hoàn thành điều tra các vụ án hiện tại; ban hành nghị quyết không hình sự hóa các quan hệ kinh tế, dân sự như những năm 1997 - 2000. Đồng thời, hạn chế thanh tra, kiểm tra DN, cơ sở sản xuất kinh doanh (không quá 1 lần/năm) và không ban hành thêm văn bản mới tạo thêm gánh nặng về thuế, phí, thủ tục hành chính. Cơ chế và quy định pháp lý phải rõ ràng đối với các chính sách, thủ tục hành chính liên quan tới hỗ trợ DN để cán bộ các cấp có thể thực hiện mà không lo bị phạm lỗi", Ban IV đề xuất.

Riêng đối với lĩnh vực phòng cháy, chữa cháy (PCCC), Ban IV khuyến nghị, Thủ tướng phân quyền cho cơ quan PCCC cấp quận/huyện thẩm duyệt và nghiệm thu cho các nhà máy có vốn đầu tư dưới 200 tỷ đồng và ngành nghề không đặc biệt gây nguy cơ cháy nổ, để giảm thời gian chờ đợi kéo dài vì các khâu xét duyệt đang hầu hết tập trung về một vài đầu mối ở Trung ương như hiện nay.

Theo Ban IV, để tạo thuận lợi cho DN trong quá trình tiếp cận với các nguồn cung mới, thị trường mới trong bối cảnh khó khăn đặc biệt về thị trường như hiện nay, cần xem xét cải thiện các quy định liên quan tới mở tài khoản đồng ngoại tệ tại các ngân hàng thương mại, bởi quy trình này hiện còn khá phức tạp và kém linh hoạt cho DN.

Cũng liên quan đến rào cản thủ tục hành chính, tại hội nghị đối thoại với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ngày 26/5, Hiệp hội DN châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) đề nghị sớm sửa đổi Nghị định 152/2020/NĐ-CP, trong đó cần cân nhắc điều chỉnh các yêu cầu về trình độ học vấn và kinh nghiệm làm việc để phù hợp với tình hình thực tế, từ đây thúc đẩy một quy trình đăng ký thuận lợi hơn.

EuroCham đề xuất loại bỏ hạn chế về số lần được gia hạn giấy phép lao động, hiện chỉ cho phép một lần gia hạn, dẫn đến việc người nộp đơn phải làm lại toàn bộ quy trình đăng ký sau một thời gian ngắn.

Để hỗ trợ DN tiếp cận thị trường, cần phát huy trọng tâm vai trò của ngoại giao kinh tế và đàm phán thương mại; nghiên cứu xây dựng các kênh thông tin tập trung để phân tích, dự báo về các xu hướng kinh tế, kinh doanh quốc tế, cập nhật các ưu đãi phát triển và cảnh báo rủi ro...

Chuyên đề