Củng cố, lan tỏa niềm tin cho doanh nhân, doanh nghiệp

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Trong cuộc gặp gỡ với các doanh nghiệp tư nhân ngày 21/9/2024, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã khẳng định: "Tháo gỡ cho doanh nghiệp là tháo gỡ cho nền kinh tế. Doanh nghiệp phát triển là đất nước phát triển". Thủ tướng đưa ra tuyên bố này để kêu gọi các cơ quan chức năng tập trung giải quyết những khó khăn mà doanh nghiệp đang phải đối mặt, từ đó thúc đẩy sự phát triển kinh tế của đất nước.
Việc xây dựng niềm tin của doanh nghiệp vào môi trường đầu tư, kinh doanh sẽ tạo động lực cho khởi nghiệp và phát triển kinh tế bền vững. Ảnh: Lê Tiên
Việc xây dựng niềm tin của doanh nghiệp vào môi trường đầu tư, kinh doanh sẽ tạo động lực cho khởi nghiệp và phát triển kinh tế bền vững. Ảnh: Lê Tiên
TS. Nguyễn Sĩ Dũng

TS. Nguyễn Sĩ Dũng

Mặc dù Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ có nhiều cố gắng thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, phát triển cộng đồng doanh nghiệp, nhưng trong những năm vừa qua, số lượng doanh nghiệp ngừng hoạt động, giải thể hoặc phá sản ở Việt Nam vẫn có xu hướng tăng. Cụ thể, năm 2023 có 89.100 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 20,7% so với năm 2022; 65.500 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 28,9%; 18.000 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể.

Trong 9 tháng đầu năm 2024, bình quân mỗi tháng có 18.200 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, bao gồm các doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động và giải thể.

Nguyên nhân khiến nhiều doanh nghiệp Việt Nam dừng hoạt động, giải thể hoặc phá sản được nhiều nhà phân tích chỉ ra, như khả năng tiếp cận vốn, đất đai khó khăn, ảnh hưởng tiêu cực của biến động kinh tế toàn cầu, chi phí sản xuất tăng cao, cạnh tranh khốc liệt, môi trường pháp lý và hành chính thiếu thuận lợi…

Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại những nguyên nhân sâu xa khác cần được nhận biết để xử lý kịp thời.

Trước hết, đó là tình trạng hình sự hóa các quan hệ kinh tế và dân sự

Đây thực sự là một trong những nguyên nhân làm doanh nghiệp nản lòng và có thể dẫn đến nhiều hệ quả tiêu cực. Dưới đây là một số hệ quả rất dễ nhận biết.

Thứ nhất, khi các tranh chấp kinh tế và dân sự bị hình sự hóa, doanh nghiệp dễ cảm thấy lo lắng, bất an làm triệt tiêu tính năng động, sáng tạo trong sản xuất, kinh doanh.

Thứ hai, khởi nghiệp là một hành trình đầy rủi ro. Nếu môi trường pháp lý không hỗ trợ sẽ làm tăng nguy cơ bị xử lý hình sự ngay cả trong những trường hợp tranh chấp kinh tế thông thường. Điều này có thể làm nguội lạnh tinh thần khởi nghiệp, ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển của nền kinh tế.

Thứ ba, khi phải đối mặt với rủi ro bị hình sự hóa, doanh nghiệp sẽ cần tăng cường các biện pháp phòng ngừa pháp lý, từ việc thuê luật sư đến chi phí cho các quy trình pháp lý. Điều này làm tăng chi phí vận hành, ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả kinh doanh và lợi nhuận của doanh nghiệp.

Thứ tư, việc lạm dụng các biện pháp hình sự trong tranh chấp kinh tế và dân sự có thể bị lợi dụng bởi những bên có quyền lực hay có sự hậu thuẫn từ cơ quan chức năng, dẫn đến việc một số doanh nghiệp ở vị thế lép vế, thiệt thòi khi xảy ra tranh chấp. Điều này làm gia tăng tình trạng bất bình đẳng trong kinh doanh, gây ra sự mất cân bằng trong cạnh tranh trên thị trường.

Thứ năm, khi doanh nghiệp cảm thấy quan hệ kinh tế có thể dễ dàng bị hình sự hóa, niềm tin vào hệ thống pháp luật bị suy giảm. Điều này dẫn đến một môi trường kinh doanh không minh bạch và không bền vững, làm giảm sự hấp dẫn đối với các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Nhìn chung, việc hình sự hóa quá mức tranh chấp kinh tế và dân sự là nỗi sợ của các doanh chủ vì họ rất dễ bị tổn thương, đồng thời gây thiệt hại cho sự phát triển kinh tế chung. Một môi trường pháp lý minh bạch, công bằng, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của doanh nghiệp sẽ là điều kiện tiên quyết để các doanh nghiệp yên tâm phát triển và đóng góp vào nền kinh tế.

Việc hình sự hóa các quan hệ kinh tế và dân sự ở Việt Nam đã được đề cập trong nhiều vụ việc. Một ví dụ điển hình là khi hai doanh nghiệp có tranh chấp về hợp đồng kinh tế, thay vì giải quyết tranh chấp qua tòa án dân sự hoặc trọng tài kinh tế, cơ quan điều tra có thể can thiệp bằng cách khởi tố doanh nghiệp với tội danh “lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” hoặc “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Như vậy, một tranh chấp hợp đồng kinh tế thông thường đã bị biến thành một vụ án hình sự. Trong một số trường hợp khác, doanh nghiệp không thể thực hiện nghĩa vụ tài chính do biến động kinh doanh, nhưng bị cáo buộc có ý định gian dối, dẫn đến truy tố hình sự.

Với các doanh nghiệp phát hành trái phiếu hoặc cổ phiếu, nếu việc phát hành không được thực hiện theo các quy định chặt chẽ, lãnh đạo doanh nghiệp có nguy cơ bị cáo buộc “gây thiệt hại cho nhà đầu tư” hoặc “vi phạm quy định về phát hành chứng khoán”. Thay vì giải quyết bằng cách bồi thường hoặc thương lượng, một số vụ việc đã bị biến thành án hình sự.

Những ví dụ nói trên cho thấy việc hình sự hóa các quan hệ kinh tế và dân sự không chỉ gây ra khó khăn cho các bên liên quan mà còn làm giảm niềm tin vào môi trường kinh doanh và hệ thống pháp luật của Việt Nam. Điều này quả thực không khuyến khích tinh thần khởi nghiệp.

Thứ hai là tình trạng né tránh, đùn đẩy và trì trệ của bộ máy công vụ

Đây là một nguyên nhân rất quan trọng làm giảm sức phát triển của các doanh nghiệp. Trong một mô hình thể chế mà các thủ tục hành chính liên quan đến giao đất, phê chuẩn quy hoạch, đánh giá tác động môi trường, phòng cháy, chữa cháy và nhiều thủ tục khác đều phải qua sự phê duyệt của cơ quan nhà nước, nếu bộ máy công vụ hoạt động chậm trễ và thiếu hiệu quả có thể gây ra rất nhiều hệ lụy.

Hệ lụy đầu tiên là làm gia tăng chi phí thời gian và tài chính cho doanh nghiệp. Khi các thủ tục cần thiết bị kéo dài hoặc không rõ ràng, doanh nghiệp phải trì hoãn các dự án, dẫn đến chi phí phát sinh rất lớn. Những chi phí này không chỉ bao gồm tiền lãi vay hoặc chi phí quản lý, mà còn là cơ hội kinh doanh bị mất. Sự trì trệ của bộ máy công vụ làm giảm tính linh hoạt và khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp trên thị trường.

Hệ lụy thứ hai là khuyến khích tham nhũng. Sự trì trệ trong hệ thống hành chính thường tạo ra cơ hội cho tham nhũng. Doanh nghiệp có thể phải chi thêm tiền “bôi trơn” để đẩy nhanh quá trình xử lý thủ tục. Điều này không chỉ làm gia tăng chi phí không chính thức, mà còn làm xói mòn lòng tin của doanh nghiệp vào tính công bằng và minh bạch của hệ thống pháp luật. Tham nhũng sẽ trở thành một “chi phí mặc định” trong môi trường kinh doanh.

Hệ lụy thứ ba là làm giảm niềm tin vào môi trường đầu tư. Khi doanh nghiệp phải đối mặt với hệ thống hành chính trì trệ và phức tạp, niềm tin vào môi trường đầu tư giảm sút. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến doanh nghiệp trong nước mà còn tác động đến các nhà đầu tư nước ngoài, những người thường yêu cầu tính minh bạch và hiệu quả trong quy trình hành chính.

Hệ lụy thứ tư là cản trở sự phát triển của các dự án quy mô lớn. Các dự án có quy mô lớn như đầu tư kết cấu hạ tầng hoặc bất động sản cần rất nhiều giấy phép và sự phê duyệt từ nhiều cơ quan khác nhau. Sự đùn đẩy trách nhiệm giữa các cơ quan có thể làm cho dự án bị trì hoãn trong thời gian dài, thậm chí bị hủy bỏ. Điều này làm giảm sức hút của các dự án lớn cần thiết cho chiến lược phát triển kinh tế.

Hệ lụy thứ năm là gây ra hiệu ứng tâm lý e ngại cho doanh nghiệp nhỏ và vừa. Các doanh nghiệp nhỏ và vừa thường là những chủ thể chịu ảnh hưởng nhiều nhất từ sự trì trệ của bộ máy công vụ. Với nguồn lực tài chính và nhân lực hạn chế, họ không đủ khả năng để kéo dài thời gian chờ đợi thủ tục hay "thương lượng" với hệ thống hành chính phức tạp. Điều này làm họ mất đi động lực phát triển, tạo ra rào cản lớn cho tinh thần doanh nghiệp.

Thứ ba là vấn đề chi phí không chính thức

Đây là một vấn đề rất nghiêm trọng và thực tế mà nhiều doanh nghiệp tại Việt Nam đang phải đối mặt, không chỉ làm gia tăng gánh nặng tài chính, mà còn tiềm ẩn rủi ro pháp lý nghiêm trọng.

Bôi trơn là một hiện tượng phổ biến trong môi trường kinh doanh hiện nay, nơi doanh nghiệp phải bỏ ra các chi phí không chính thức để đẩy nhanh quy trình hành chính, phê duyệt hoặc cấp giấy phép. Bôi trơn giúp các doanh nghiệp tiết kiệm thời gian trong ngắn hạn, nhưng nó làm gia tăng chi phí kinh doanh và ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh. Ngoài ra, chi phí bôi trơn không chỉ dừng lại ở một lần, mà có thể kéo dài liên tục trong suốt quá trình hoạt động của doanh nghiệp.

Một trong những mối lo lớn hơn của các doanh nghiệp là việc bôi trơn có thể bị xem là hành vi phạm tội, dẫn đến nguy cơ bị truy tố hình sự bất cứ lúc nào. Rủi ro này rất cao vì tham nhũng là một tội phạm hình sự bị xử lý rất nghiêm khắc ở Việt Nam. Doanh nghiệp có thể bị cáo buộc "đưa hối lộ" hoặc bị điều tra khi có sự thay đổi về lãnh đạo, chính sách hoặc do những xung đột nội bộ. Đây là một áp lực rất lớn cho các doanh nghiệp, khiến họ phải hoạt động trong môi trường mập mờ, không an toàn và đầy rủi ro.

Doanh nghiệp phải sống trong sự lo lắng rằng một khi mối quan hệ với các cơ quan nhà nước không suôn sẻ, họ có thể bị truy tố bất kỳ lúc nào vì những khoản bôi trơn trước đó. Sự bất an này ảnh hưởng rất tiêu cực đến tinh thần khởi nghiệp và hoạt động kinh doanh. Khi doanh nghiệp phải trả chi phí bôi trơn để giải quyết công việc, họ mất niềm tin vào hệ thống pháp luật và quy trình hành chính. Hệ quả tiếp theo là họ cũng mất hết sự tự tin để đầu tư và mở rộng hoạt động kinh doanh.

Chi phí bôi trơn không chỉ là vấn đề của một cá nhân hoặc một cơ quan, mà đã trở thành một phần của hệ thống, nơi doanh nghiệp phải tuân thủ nếu muốn tồn tại. Điều này làm suy yếu sự công bằng và sự phát triển kinh tế dài hạn.

Thứ tư là chủ nghĩa thân hữu

Các chuyên gia còn gọi là chủ nghĩa tư bản thân hữu (crony capitalism). Chủ nghĩa thân hữu là một vấn đề rất nhức nhối và có tác động sâu rộng đến môi trường kinh doanh. Trong mô hình thân hữu, các doanh nghiệp có quan hệ chặt chẽ với những quan chức cao cấp có thể sử dụng mối quan hệ để đạt được các lợi thế không công bằng so với những doanh nghiệp khác. Điều này tạo ra một môi trường kinh doanh không bình đẳng và thiếu minh bạch.

Trong một hệ thống thân hữu, các doanh nghiệp có mối quan hệ với giới lãnh đạo chính trị thường được hưởng những đặc quyền, chẳng hạn dễ dàng tiếp cận nguồn vốn từ các ngân hàng nhà nước hoặc các quỹ đầu tư lớn; được ưu tiên nhận các hợp đồng từ Chính phủ hoặc được phê duyệt nhanh chóng trong các dự án công; được miễn trừ hoặc ưu đãi về thuế, cũng như các yêu cầu pháp lý liên quan đến hoạt động kinh doanh... Trong khi đó, các doanh nghiệp không có mối quan hệ gặp nhiều khó khăn khi cạnh tranh trên thị trường, dù có thể minh bạch hơn, cung cấp sản phẩm, dịch vụ tốt hơn. Điều này dẫn đến một môi trường kinh doanh mất công bằng, gây cản trở sự phát triển lành mạnh của nền kinh tế.

Các doanh nghiệp có quan hệ thân hữu không cần chú trọng cải tiến công nghệ, nâng cao năng suất, hoặc đầu tư vào nghiên cứu và phát triển. Thay vào đó, họ tập trung vào việc duy trì và khai thác quan hệ để hưởng lợi từ chính sách hoặc các cơ hội đặc quyền. Điều này làm giảm động lực đổi mới trong nền kinh tế và kìm hãm sự phát triển của các ngành công nghiệp, vì các doanh nghiệp này không chịu sức ép cạnh tranh thực sự.

Doanh nghiệp vừa và nhỏ thường là những doanh nghiệp gặp khó khăn nhất trong môi trường thân hữu, vì không có các mối quan hệ hoặc nguồn lực để cạnh tranh với những "ông lớn" có hậu thuẫn chính trị. Sự phân biệt này làm giảm tính năng động của thị trường, nơi mà các doanh nghiệp vừa và nhỏ, thường là nguồn lực chính của đổi mới và việc làm, không có đủ cơ hội phát triển.

Chủ nghĩa thân hữu thường đi đôi với tham nhũng. Những doanh nghiệp có quan hệ thân hữu có thể sử dụng các khoản hối lộ hoặc "bôi trơn" để duy trì đặc quyền, từ đó dẫn đến sự xói mòn tính liêm chính của hệ thống công quyền. Sự tồn tại của các mối quan hệ này làm suy yếu hệ thống pháp luật, vì quy định pháp lý không được áp dụng công bằng cho tất cả doanh nghiệp.

Chủ nghĩa thân hữu dẫn đến một sự bất mãn lớn trong xã hội, khi người dân chứng kiến sự phân biệt đối xử giữa các doanh nghiệp dựa trên quan hệ thay vì năng lực thực chất và cơ hội cạnh tranh công bằng.

Tóm lại, để thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp và đạt mục tiêu 2 triệu doanh nghiệp chất lượng vào năm 2030, quan trọng là phải nhận diện những tồn tại, bất cập và đề ra các giải pháp hữu hiệu để xử lý chúng.

Thông điệp mới đây của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm về việc "không hình sự hóa các quan hệ kinh tế và dân sự" là một tín hiệu tích cực và lạc quan cho môi trường kinh doanh tại Việt Nam. Điều này thể hiện sự cam kết từ phía Đảng và Nhà nước trong việc cải thiện khung pháp lý, tạo điều kiện thuận lợi và an toàn cho doanh nghiệp hoạt động mà không phải lo ngại bị truy tố hình sự vì các tranh chấp dân sự hay kinh tế thông thường.

Việc giảm thiểu hình sự hóa các mối quan hệ kinh tế sẽ giúp tạo ra một môi trường pháp lý minh bạch hơn, thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp và văn hóa đổi mới sáng tạo. Đây cũng là bước tiến quan trọng trong việc bảo vệ quyền lợi của doanh nghiệp và tạo niềm tin vào hệ thống pháp luật, giúp cải thiện khả năng cạnh tranh và sự phát triển bền vững cho nền kinh tế.

Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, giảm thiểu sự trì trệ của bộ máy công vụ; tăng cường trách nhiệm giải trình của các cơ quan nhà nước để hỗ trợ doanh nghiệp một cách nhanh chóng, hiệu quả. Đồng thời, tăng cường giám sát, áp dụng công nghệ số trong quản lý và minh bạch hóa quy trình phê duyệt nhằm giảm thiểu vấn nạn bôi trơn và bảo đảm môi trường kinh doanh công bằng. Đặc biệt, cần có biện pháp quyết liệt để loại bỏ đặc quyền cho các doanh nghiệp có quan hệ thân hữu, từ đó xây dựng một môi trường kinh doanh công bằng dựa trên năng lực thực tế.

Những giải pháp này sẽ giúp khôi phục niềm tin của doanh nghiệp vào môi trường đầu tư, kinh doanh, tạo động lực cho khởi nghiệp và phát triển kinh tế bền vững cho đất nước.

Chuyên đề