Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet |
Theo đó, Cục Hàng không Việt Nam yêu cầu, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) xây dựng phương án phục vụ, bố trí nguồn nhân lực đảm bảo cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, phương tiện nhằm duy trì chất lượng dịch vụ và an ninh trật tự tại cảng hàng không, phục vụ tốt, an toàn các chuyến bay, đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân.
ACV tập trung bố trí bổ sung nhân viên an ninh hàng không, phương tiện, trang thiết bị trong khu vực cảng hàng không để thực hiện nhanh nhất việc soi chiếu an ninh, trả hành lý cho hành khách, công tác thông tin để hành khách biết và lấy hành lý đúng khu vực quy định, tránh ùn tắc và gây bức xúc cho hành khách, đặc biệt chú trọng đối với Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất và Nội Bài.
Đồng thời, rà soát và bố trí hợp lý khu vực các phương tiện ra vào đón, trả hành khách, khu vực vị trí đỗ xe chờ đón hành khách để đáp ứng nhu cầu của lượng hành khách tăng dịp cao điểm; tăng cường nhân viên hướng dẫn cho các phương tiện ra/vào nhà ga hành khách để đón/trả khách và ứng dụng khoa học công nghệ nhằm hỗ trợ hoạt động điều phối, tạo thuận lợi trong giao thông, tránh xung đột, ùn tắc giao thông trong khu vực cảng hàng không.
ACV chủ động liên hệ, phối hợp chặt chẽ với Sở Giao thông vận tải, Thanh tra Giao thông tại các tỉnh, thành phố và cơ quan chức năng có thẩm quyền để tổ chức phân luồng giao thông, giảm thiểu ùn tắc trong cảng hàng không và khu vực đường giao thông kết nối ra vào nhà ga hành khách, đặc biệt tại Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất; kịp thời phát hiện và phối hợp xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân liên quan tới tình trạng “xe dù”, lôi kéo hành khách, hành vi tăng giá vé trái quy định.
Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam bố trí vị trí đỗ thuận lợi nhất cho các tuyến xe buýt đang hoạt động tại cảng hàng không để hành khách dễ dàng nhận biết và sử dụng dịch vụ xe buýt, nhất là tại Cảng hàng không Tân Sơn Nhất; tăng cường lực lượng kiểm tra, giám sát nội bộ về an toàn khai thác và kiểm tra, giám sát việc cung cấp dịch vụ của các hãng taxi, xe công nghệ được quyền khai thác tại các cảng hàng không; có hình thức xử lý nghiêm (tổ chức và cá nhân) đối với các trường hợp nhân viên của hãng có hiện tượng chèo kéo, ép giá khách.
Đối với dự án dừng thi công trong dịp Tết năm 2024, ACV phải dọn dẹp công trường, tập trung thiết bị thi công đúng nơi quy định, bố trí đầy đủ hệ thống rào chắn, biển báo, đèn tín hiệu... để hạn chế đến mức thấp nhất ảnh hưởng đến luồng tuyến di chuyển của máy bay, phương tiện và con người đi lại tại cảng hàng không, đảm bảo an toàn khai thác.
Với các hãng hàng không Việt Nam, Cục Hàng không Việt Nam yêu cầu xây dựng kế hoạch tăng chuyến, đặc biệt trong giai đoạn cao điểm và bố trí các chuyến bay khai thác ban đêm đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân trên cơ sở phù hợp với hạ tầng hàng không và công tác bảo đảm an ninh, an toàn.
Các hãng hàng không xây dựng kế hoạch, biện pháp kiểm soát, giảm đến mức thấp nhất việc chậm, hủy chuyến bay; không để hành khách đi tàu bay về quê ăn Tết chậm do thiếu phương tiện vận chuyển, tăng cường công tác kiểm soát, đảm bảo an toàn hàng không.
Đối với các đơn vị cung cấp dịch vụ mặt đất, đơn vị cung cấp dịch vụ hàng không, Cục Hàng không Việt Nam yêu cầu các đơn vị xây dựng kế hoạch, phương án, biện pháp cụ thể đảm bảo khả năng cung cấp dịch vụ trong dịp Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán 2024, đảm bảo bố trí đủ nguồn lực, trang thiết bị để phục vụ các chuyến bay theo kế hoạch khai thác tăng chuyến của các hãng hàng không.
Ngoài ra, các cảng vụ tăng cường kiểm tra, giám sát các chuyến bay chậm chuyến, hủy chuyến; nghĩa vụ của các hãng hàng không Việt Nam đối với hành khách trong trường hợp chậm, hủy chuyến.