Gạo mua nhập kho dự trữ quốc gia tại miền Bắc được yêu cầu phải xay xát từ thóc vụ Đông Xuân năm 2018 tại Nam Bộ, điều này sẽ phát sinh thêm chi phí vận chuyển. Ảnh: Lê Tiên |
Chung một “kịch bản” trúng thầu
Gói thầu nêu trên sử dụng ngân sách nhà nước; được tổ chức đấu thầu rộng rãi theo phương thức 1 giai đoạn 2 túi hồ sơ; được đóng/mở thầu vào 9h ngày 10/5/2018.
Ngày 22/5/2018, Cục DTNN khu vực Hà Nội đã có Quyết định số 171/QĐ-CDTHN phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu đối với các phần thầu số 01, 03, 04 và 05 thuộc Gói thầu Cung cấp 9.000 tấn gạo nêu trên. Theo đó, 4 phần thầu trên lần lượt được trao nguyên giá cho 4 nhà thầu gồm: Công ty CP Lương thực Hà Nam Ninh (số lượng 1.800 tấn gạo; giá trúng thầu/giá gói thầu là 19.521 triệu đồng); Công ty TNHH Phát Tài (số lượng 1.000 tấn gạo; giá trúng thầu/giá gói thầu là 10.845 triệu đồng); Công ty CP Thương mại Minh Khai (số lượng 1.200 tấn gạo; giá trúng thầu/giá gói thầu là 13.006,8 triệu đồng); Công ty TNHH Thủy Long Hà Nam (số lượng 1.000 tấn; giá trúng thầu/giá gói thầu là 10.839 triệu đồng).
Sáng ngày 30/5/2018, trao đổi với phóng viên Báo Đấu thầu, cán bộ đấu thầu của Cục DTNN khu vực Hà Nội cho biết, Gói thầu Cung cấp 9.000 tấn gạo nêu trên gồm 7 phần thầu, được đấu thầu độc lập với nhau. Hiện tại, Cục DTNN khu vực Hà Nội mới lựa chọn được nhà thầu cho 4 phần thầu với tổng số lượng gạo là 5.000 tấn; tổng giá trúng thầu/giá gói thầu là 54.211,8 triệu đồng; 3 phần thầu không chọn được nhà thầu trong đợt vừa rồi là các phần thầu số 02, 06 và 07 (tổng số lượng gạo là 4.000 tấn). Sở dĩ không chọn được nhà thầu cho 3 phần thầu vì tất cả nhà thầu tham gia đều chào vượt giá. Đối với 4 phần thầu đã chọn được nhà thầu thì mỗi phần thầu có từ 3 - 4 nhà thầu tham gia nộp hồ sơ dự thầu (HSDT). Về cơ bản, tất cả nhà thầu đều đáp ứng các yêu cầu về kỹ thuật. Tuy nhiên khi tiến hành mở hồ sơ đề xuất tài chính thì mỗi phần thầu chỉ có 1 nhà thầu chào giá không vượt quá giá gói thầu (trùng khớp với giá gói thầu); các nhà thầu khác đều chào vượt giá gói thầu.
Mua gạo sản xuất tại Nam Bộ nhập kho dự trữ tại miền Bắc
Theo tìm hiểu, về tiêu chuẩn chất lượng, các phần thầu của Gói thầu Cung cấp 9.000 tấn gạo nêu trên đều yêu cầu gạo 15% tấm, loại hạt dài, được xay xát từ thóc thu hoạch vụ Đông Xuân năm 2018 tại Nam Bộ, bảo đảm tiêu chuẩn chất lượng theo quy định tại Thông tư số 205/2011/TT-BTC của Bộ Tài chính về việc ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về dự trữ nhà nước đối với gạo; thời gian thực hiện hợp đồng là 60 ngày. Theo Quyết định số 171/QĐ-CDTHN, 4 nhà thầu trúng thầu cung cấp gạo nói trên sẽ phải nhập gạo vào kho dự trữ quốc gia xong trước ngày 15/7/2018; hợp đồng trọn gói, có giá cố định trong suốt thời gian thực hiện hợp đồng.
Trả lời phóng viên Báo Đấu thầu về việc vì sao gạo mua nhập vào các kho dự trữ quốc gia tại miền Bắc lại yêu cầu phải được xay xát từ thóc thu hoạch vụ Đông Xuân năm 2018 tại Nam Bộ, điều này sẽ phát sinh thêm chi phí vận chuyển, làm tăng giá gạo nhập kho, cán bộ đấu thầu của Cục DTNN khu vực Hà Nội trả lời: “Đó là tiêu chuẩn ngành, đã được Tổng cục Dự trữ Nhà nước thông qua, nhằm bảo đảm được chất lượng gạo nhập vào kho trong suốt thời gian dự trữ”.
Về việc vì sao giá trúng thầu của 4 phần thầu lại khớp với giá từng phần thầu thì cán bộ của Cục DTNN khu vực Hà Nội thừa nhận là “không hiểu tại sao”, “nhiều người cũng thắc mắc như vậy nhưng lúc mở thầu ra, chúng tôi mới biết nhà thầu bỏ giá giống với giá gói thầu”. Với việc giá trúng thầu khớp với giá 4 phần thầu, thông qua đấu thầu rộng rãi nhưng con số tiết kiệm cho ngân sách nhà nước từ 5.000 tấn gạo nói trên là 0 đồng. Đối với 3 phần thầu không chọn được nhà thầu, ngày 29/5/2018, Cục này đã mời các nhà thầu chào lại giá nhưng không có nhà thầu nào tham gia. Hiện tại, đơn vị này đang chờ ý kiến chỉ đạo của Tổng cục DTNN về việc lựa chọn nhà thầu cho 3 phần thầu còn lại.