“Cú huých” cho đổi mới sáng tạo, đấu thầu bền vững

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Đấu thầu xanh, đấu thầu bền vững hiện đang là xu thế có quy mô toàn cầu, xu thế không thể đảo ngược, thu hút sự quan tâm của nhiều quốc gia và tổ chức quốc tế. Không đứng ngoài xu thế chung đó, Luật Đấu thầu (sửa đổi) đã tạo thêm “cú huých” thúc đẩy đổi mới sáng tạo, đấu thầu xanh, đấu thầu bền vững tại Việt Nam với việc bổ sung cơ chế chính sách phù hợp với tình hình mới.
Luật Đấu thầu (sửa đổi) bổ sung một số ưu đãi trong lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư nhằm khuyến khích sản xuất trong nước, thúc đẩy mua sắm các sản phẩm đổi mới sáng tạo, mua sắm xanh, mua sắm bền vững
Luật Đấu thầu (sửa đổi) bổ sung một số ưu đãi trong lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư nhằm khuyến khích sản xuất trong nước, thúc đẩy mua sắm các sản phẩm đổi mới sáng tạo, mua sắm xanh, mua sắm bền vững

Đón nhận thông tin Luật Đấu thầu (sửa đổi) được Quốc hội bấm nút thông qua, ông Thành Hùng Sinh, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty TNHH Nhất Nước (NNC) không giấu nổi niềm vui. Ông Sinh hy vọng, với việc bổ sung ưu đãi nhằm khuyến khích sản xuất trong nước, sản phẩm của doanh nghiệp (DN) sẽ được sử dụng nhiều hơn trong các gói thầu sử dụng vốn nhà nước.

Ông Sinh cho biết, gần 20 năm hoạt động trong lĩnh vực cơ khí, Công ty đã có nhiều sản phẩm được đánh giá không thua kém hàng nhập khẩu, được khách hàng tin dùng. Tuy nhiên, sản phẩm của NNC vẫn khó chen chân vào các công trình sử dụng vốn nhà nước, bởi nhiều chủ đầu tư/bên mời thầu e ngại với những hàng hóa, máy móc, thiết bị được sản xuất trong nước. Vì thế, nhiều hồ sơ mời thầu (HSMT) yêu cầu nhà thầu phải xuất trình tài liệu để chứng minh hàng hóa cung cấp đã được vận hành thương mại thỏa mãn yêu cầu khách hàng sử dụng cuối cùng tối thiểu 3 năm tính đến ngày mở thầu… Đây là yêu cầu không mấy dễ dàng với những sản phẩm mới, DN khởi nghiệp sáng tạo.

“Lần này, Luật Đấu thầu (sửa đổi) bổ sung một số ưu đãi trong lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư nhằm khuyến khích sản xuất trong nước, thúc đẩy mua sắm các sản phẩm đổi mới sáng tạo, mua sắm xanh, mua sắm bền vững, đây là điểm mới rất đáng chú ý”, ông Sinh nhìn nhận.

Theo ông Trần Quốc Đạt, Trưởng phòng Luật thuộc Liên doanh Việt - Nga Vietsopetro, các ưu đãi được bổ sung trong lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư là cần thiết, phù hợp với chính sách của Đảng và Nhà nước hướng tới việc tăng tính tự chủ, tự cường trong bối cảnh kinh tế thế giới ngày càng có nhiều diễn biến khó lường.

Ông Trần Hào Hùng, Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, hiện đấu thầu xanh, đấu thầu bền vững là xu thế không thể đảo ngược trên thế giới. Việt Nam đương nhiên không thể đứng ngoài xu thế đó, nhất là trong bối cảnh đất nước ngày càng hội nhập sâu rộng. Vì vậy, 3 trụ cột của khái niệm “bền vững” là kinh tế, xã hội và môi trường ngày càng được chú trọng để thúc đẩy đấu thầu bền vững tại Việt Nam.

Ông Hùng cho hay, thời gian qua, các đối tác phát triển của Việt Nam như Ngân hàng Thế giới (WB), Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC), Cơ quan Phát triển quốc tế Australia rất quan tâm đến đấu thầu bền vững và đồng hành cùng Cục Quản lý đấu thầu trong lĩnh vực mới mẻ này. Lãnh đạo Cục Quản lý đấu thầu kỳ vọng, chính sách mới này sẽ góp phần thúc đẩy sản xuất trong nước, nhất là các sản phẩm đổi mới sáng tạo, sản phẩm thân thiện với môi trường thông qua hoạt động đấu thầu; đồng thời, thúc đẩy DN thực hiện nghiên cứu, đầu tư, kinh doanh các ý tưởng khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, từ đó tạo động lực cho các DN Việt Nam phát triển, đất nước phát triển nhanh và bền vững.

Trao đổi với phóng viên, nhiều chuyên gia đề nghị cơ quan có thẩm quyền nhanh chóng ban hành hướng dẫn thực thi để đưa Luật vào cuộc sống, sớm phát huy hiệu quả của chính sách. Về phía DN, các nhà sản xuất phải tích cực đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học công nghệ nâng cao chất lượng hàng hóa, từ đó tăng sức cạnh tranh tại các cuộc thầu.

Các chuyên gia cũng nhìn nhận, đấu thầu bền vững thường gắn với chi phí cao hơn và đặt ra cho các chủ đầu tư bài toán khó hơn: trong điều kiện nguồn vốn có hạn mà vẫn muốn có được hàng hóa, dịch vụ thân thiện với môi trường. Đấu thầu bền vững yêu cầu người làm công tác đấu thầu phải thay đổi tư duy, áp dụng một quy trình làm việc mới… Theo đó, bắt đầu từ khung pháp lý, sau đó sẽ là các hoạt động phổ biến, hướng dẫn nâng cao nhận thức, nâng cao năng lực cho chủ đầu tư, bên mời thầu, nhà thầu và rộng hơn là toàn xã hội. Một số ý kiến nhấn mạnh, công tác tổ chức thực thi, giám sát cũng sẽ rất quan trọng để bảo đảm việc áp dụng đấu thầu bền vững đem lại lợi ích thực chất cho tất cả các bên liên quan.

Quy định về ưu đãi trong lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư, Điều 10 Luật Đấu thầu (sửa đổi) quy định rõ:

1. Đối tượng được hưởng ưu đãi trong lựa chọn nhà thầu bao gồm:

a) Hàng hóa có xuất xứ Việt Nam;

b) Sản phẩm, dịch vụ thân thiện môi trường theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường;

c) Nhà thầu trong nước sản xuất hàng hóa có xuất xứ Việt Nam phù hợp với hồ sơ mời thầu;

d) Nhà thầu nước ngoài liên danh với nhà thầu trong nước mà nhà thầu trong nước đảm nhận từ 25% trở lên giá trị công việc của gói thầu;

đ) Nhà thầu trong nước tham dự thầu với tư cách độc lập hoặc liên danh với nhà thầu trong nước khác khi tham dự đấu thầu quốc tế;

e) Nhà thầu là doanh nghiệp siêu nhỏ, doanh nghiệp nhỏ theo quy định của pháp luật về hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa;

g) Nhà thầu là doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo theo quy định của pháp luật;

h) Nhà thầu có sử dụng số lượng lao động nữ từ 25% trở lên; số lượng lao động là thương binh, người khuyết tật từ 25% trở lên; số lượng lao động là người dân tộc thiểu số từ 25% trở lên.

2. Các ưu đãi trong lựa chọn nhà thầu bao gồm:

a) Xếp hạng cao hơn cho nhà thầu thuộc đối tượng được hưởng ưu đãi trong trường hợp nhà thầu thuộc đối tượng được hưởng ưu đãi và nhà thầu không thuộc đối tượng được hưởng ưu đãi được đánh giá ngang nhau;

b) Cộng thêm điểm vào điểm đánh giá của nhà thầu thuộc đối tượng được ưu đãi đối với trường hợp áp dụng phương pháp giá cố định, dựa trên kỹ thuật, kết hợp giữa kỹ thuật và giá để so sánh, xếp hạng;

c) Cộng thêm số tiền vào giá dự thầu hoặc vào giá đánh giá của nhà thầu không thuộc đối tượng được ưu đãi đối với trường hợp áp dụng phương pháp giá thấp nhất hoặc phương pháp giá đánh giá để so sánh, xếp hạng;

d) Được ưu tiên trong đánh giá về năng lực, kinh nghiệm và các tiêu chí khác trong quá trình đánh giá hồ sơ dự thầu;

đ) Gói thầu xây lắp có giá gói thầu không quá 05 tỷ đồng được dành cho doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ tham dự thầu. Trường hợp đã tổ chức đấu thầu, nếu không có doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ đáp ứng được yêu cầu thì được phép tổ chức đấu thầu lại và cho phép các doanh nghiệp khác được tham dự thầu.

3. Việc áp dụng ưu đãi trong lựa chọn nhà thầu được quy định như sau:

a) Đối tượng quy định tại các điểm a, b, c và g khoản 1 Điều này được hưởng ưu đãi theo quy định tại điểm b hoặc điểm c khoản 2 Điều này khi tham dự gói thầu mua sắm hàng hóa, hỗn hợp;

b) Đối tượng quy định tại điểm d và điểm đ khoản 1 Điều này được hưởng ưu đãi theo quy định tại điểm b hoặc điểm c khoản 2 Điều này khi tham dự gói thầu cung cấp dịch vụ tư vấn, dịch vụ phi tư vấn, xây lắp, hỗn hợp tổ chức đấu thầu quốc tế;

c) Đối tượng quy định tại điểm h khoản 1 Điều này được hưởng ưu đãi theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều này khi tham dự gói thầu cung cấp dịch vụ tư vấn, dịch vụ phi tư vấn, xây lắp, hỗn hợp tổ chức đấu thầu trong nước;

d) Đối tượng quy định tại điểm e khoản 1 Điều này được hưởng ưu đãi theo quy định tại điểm a và điểm đ khoản 2 Điều này khi tham dự gói thầu xây lắp tổ chức đấu thầu trong nước;

đ) Ngoài ưu đãi theo quy định tại điểm b và điểm c khoản 2 Điều này, nhà thầu quy định tại điểm c và điểm g khoản 1 Điều này còn được hưởng ưu đãi theo quy định tại điểm d khoản 2 Điều này khi tham dự thầu gói thầu cung cấp dịch vụ tư vấn, dịch vụ phi tư vấn, mua sắm hàng hóa, xây lắp, hỗn hợp tổ chức đấu thầu trong nước;

e) Đối với gói thầu mua sắm hàng hoá tổ chức đấu thầu trong nước mà có ít nhất 03 hãng sản xuất cho 01 mặt hàng xuất xứ trong nước đáp ứng về kỹ thuật, chất lượng, giá thì chủ đầu tư quyết định việc yêu cầu nhà thầu chào hàng hoá xuất xứ trong nước đối với mặt hàng này.

4. Đối tượng được hưởng ưu đãi trong lựa chọn nhà đầu tư bao gồm:

a) Nhà đầu tư có giải pháp ứng dụng công nghệ nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường đối với dự án thuộc nhóm có nguy cơ tác động xấu đến môi trường mức độ cao theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường;

b) Nhà đầu tư cam kết chuyển giao công nghệ thuộc Danh mục công nghệ được ưu tiên đầu tư phát triển theo quy định của pháp luật về công nghệ cao hoặc thuộc Danh mục công nghệ khuyến khích chuyển giao theo quy định của pháp luật về chuyển giao công nghệ.

5. Các ưu đãi trong lựa chọn nhà đầu tư bao gồm:

a) Xếp hạng cao hơn cho nhà đầu tư thuộc đối tượng được hưởng ưu đãi trong trường hợp nhà đầu tư thuộc đối tượng được hưởng ưu đãi và nhà đầu tư không thuộc đối tượng được hưởng ưu đãi được đánh giá ngang nhau;

b) Cộng thêm điểm vào điểm tổng hợp để so sánh, xếp hạng.

6. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.

Chuyên đề