Cú “bẻ lái” và hành trình ngược dòng của Genetica

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Cuối năm 2018, Genetica - doanh nghiệp công nghệ chuyên về giải mã gen - mở rộng sang thị trường Đông Nam Á. Ông Cao Anh Tuấn, nhà sáng lập, Giám đốc điều hành Genetica chia sẻ, ban đầu, kế hoạch của Genetica là đặt bản doanh tại Singapore. Nhưng kế hoạch đã thay đổi khi ông Cao Anh Tuấn lần đầu tiên gặp Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng tại San Francisco (Mỹ).
Genetica nhận thấy việc giải mã hệ gen người châu Á, trong đó có Việt Nam, sẽ mang đến đóng góp hữu ích cho ngành y học nước nhà
Genetica nhận thấy việc giải mã hệ gen người châu Á, trong đó có Việt Nam, sẽ mang đến đóng góp hữu ích cho ngành y học nước nhà

Cảm động trước sự cởi mở

Tháng 10/2021, Genetica - start up trong lĩnh vực giải mã gen ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) và công nghệ sinh học phân tử vào con chip bản quyền chuyên sâu giải mã gen dành cho người châu Á có trụ sở chính tại San Francisco - đã ký biên bản hợp tác xây dựng trung tâm giải mã gen lớn nhất Đông Nam Á đặt tại Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC). Trung tâm được cố vấn bởi các nhà khoa học tại các trường đại học hàng đầu của Mỹ như UCSF, Harvard, Stanford, Cornell.

Sự kiện này khiến nhiều người dân Việt Nam tự hào khi đất nước sẽ có một trung tâm giải mã gen lớn nhất khu vực, một ngành khoa học sinh học đầy mới mẻ nhưng nhiều tiềm năng phát triển.

Ông Cao Anh Tuấn, nhà sáng lập, Giám đốc Điều hành Genetica

Ông Cao Anh Tuấn, nhà sáng lập, Giám đốc Điều hành Genetica

Kể về hành trình trở về của Genetica, ông Cao Anh Tuấn chia sẻ, cuối năm 2018, lần đầu tiên gặp Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng tại San Francisco, tôi rất ấn tượng khi Bộ trưởng nói: “Chính phủ Việt Nam sẽ tạo điều kiện tốt nhất cho các nhà khoa học từ Mỹ về Việt Nam phát triển”. Ngay sau cuộc gặp này, Bộ trưởng đã mời 100 nhà khoa học người Việt trên khắp thế giới về Việt Nam. Tôi cũng về tham dự và thực sự rất cảm động trước sự cởi mở và ủng hộ của các cấp lãnh đạo. Điều này tác động lớn làm thay đổi cách suy nghĩ của tôi. Và chúng tôi quyết định đặt trụ sở chính của Genetica vùng Đông Á tại Việt Nam.

Cũng theo người sáng lập Genetica, sau 3 năm mở rộng sang thị trường Đông Nam Á với 3 văn phòng kinh doanh tại TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Singapore và 2 phòng thí nghiệm tại Hà Nội, San Francisco, Genetica nhận thấy những giá trị thiết thực và quan trọng của việc giải mã hệ gen người châu Á, trong đó có Việt Nam, sẽ mang đến đóng góp hữu ích cho ngành y học nước nhà.

“Được sự hỗ trợ và động viên của Bộ KH&ĐT, Genetica quyết định hợp tác cùng NIC xây dựng Trung tâm giải mã gen lớn nhất Đông Nam Á, đặt tại NIC nhằm phục vụ cho nhu cầu giải mã gen, nghiên cứu ứng dụng thông tin gen đang ngày một phát triển tại Việt Nam và khu vực”, ông Tuấn chia sẻ.

Trung tâm giải mã gen tại Việt Nam của Genetica có công suất giải mã lên đến 500.000 bộ gen/năm. Hiện Trung tâm đang được xây dựng, thiết kế đạt tiêu chuẩn đồng bộ với phòng thí nghiệm của Genetica tại Mỹ và tuân thủ đạo luật về bảo mật y tế HIPAA nhằm đảm bảo độ chính xác cao nhất của kết quả xét nghiệm, chẩn đoán, bảo mật thông tin.

Đây sẽ là nơi phục vụ cho các nghiên cứu về gen di truyền của Genetica kết hợp với nhiều bệnh viện hàng đầu trên thế giới và trong nước như: Đại học Y Harvard, Bệnh viện Trung ương Huế, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới…, mang đến những khám phá mới về các bệnh di truyền, góp phần xây dựng phác đồ điều trị bằng liệu pháp gen, phát triển thuốc chữa bệnh dựa trên gen người châu Á và Việt Nam.

Tham gia vào Hệ sinh thái đổi mới sáng tạo của NIC, Genetica trân trọng những cơ hội trong tương lai của chiến lược đầu tư này như kết nối với nguồn nhân lực chất lượng cao trong nước; hình thành mối quan hệ đối tác với các đơn vị trong hệ sinh thái của NIC… Đặc biệt là xây dựng nền móng vững chắc để mang khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Việt Nam vươn tầm khu vực.

Ước mơ mang điều tốt đẹp cho quê hương

Trước khi khởi nghiệp, Cao Anh Tuấn được biết đến là tiến sĩ ngành khoa học máy tính tại Đại học Cornell (Mỹ). Ông làm việc cho một trong những tập đoàn công nghệ lớn hàng đầu thế giới tại Mỹ (Google) với mức thu nhập hấp dẫn và tương lai phát triển rộng mở, bao người mơ ước. Tuy vậy, ông đã từ bỏ sự “êm ái” này để khởi nghiệp, mong được trở về mang những điều tốt đẹp cho quê hương.

“Tôi chỉ là một trong số hơn 30.000 nhân viên của Google nên tôi không dùng cái mác “người của Google” như một bảo chứng. Dù mức lương ở đó có thể cho tôi cuộc sống dư dả, thoải mái nhưng tôi vẫn muốn làm một điều gì đó cho riêng mình và tạo ra giá trị cho xã hội”, ông Tuấn tâm sự.

Hơn nữa, người bạn đời của ông là TS. Bùi Thanh Duyên, đồng sáng lập Genetica, đang làm việc tại thung lũng Silicon trong lĩnh vực phân tử - di truyền học cũng muốn làm gì đó cho quê hương. Cả hai quyết định mang công nghệ tiên tiến nhất đang có trong tay để đem đến lợi ích phát triển cho các thế hệ người Việt.

Cách tiếp cận mới trong chăm sóc sức khỏe cho người Việt

Với hơn 30 dịch vụ giải mã gen dành cho trẻ em và người trưởng thành, Genetica từng bước mang công nghệ giải mã gen đến gần hơn với người Việt, mở ra cách tiếp cận mới trong việc chăm sóc sức khỏe, giúp “cá nhân hóa” lựa chọn về dinh dưỡng, tập luyện, thay đổi lối sống và đánh giá nguy cơ bệnh di truyền.

Hơn nữa, việc giải mã gen còn giúp Genetica thực hiện mục tiêu xây dựng cơ sở dữ liệu lớn về hệ gen người châu Á cũng như Việt Nam, thúc đẩy những nghiên cứu về chăm sóc sức khỏe trúng đích, y học cá thể và y học chính xác trong tương lai.

Theo ông Tuấn, từ khi dịch Covid-19 mới xảy ra ở Vũ Hán (Trung Quốc), Genetica đã có gói giải mã gen Hiểu hệ miễn dịch (G-Immunity) giúp đánh giá nguy cơ nhiễm virus, đặc biệt với các loại virus liên quan đến đường hô hấp. Ngoài ra, gói giải mã gen này còn giúp đánh giá nguy cơ mắc cúm mùa, các loại cúm A, H5N1, H1N1…

Ông Tuấn đưa ra một ví dụ: “Khi dịch Covid-19 bùng lên ở TP.HCM, cả mấy gia đình trong cùng chung cư của bạn tôi nhiễm bệnh. Mấy người cùng chung cư chỉ bị mất vị giác hoặc khứu giác một tuần, nhưng riêng bạn tôi thì trở nặng, phải điều trị liên tục hơn 10 ngày. Sau khi hết bệnh, bạn ấy tâm sự rằng: “Khi nhận được kết quả của báo cáo G-Immunity, mình biết mình mang một số đột biến nguy cơ cao cho hội chứng suy hô hấp cấp tính. Báo cáo nêu rõ, nếu nhiễm virus SARS-CoV-2 thì nguy cơ phải dùng máy thở cao gấp 5 lần người bình thường. Mẹ mình cũng mang đột biến này. May mà bà ở chỗ khác, không bị nhiễm. Giờ đây nhiệm vụ của mình là phải cố gắng cho bà tiêm đủ 2 mũi, tránh xa chốn đông người. Người già mà mang các đột biến như mình, khi mắc Covid-19 sẽ nguy hiểm hơn nhiều lần”.

Hiện nay, Genetica đang hợp tác với Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương để tìm hiểu hệ gen của người Việt có chứa đặc điểm riêng biệt nào không, có dẫn đến những khác biệt về số ca nặng và tử vong so với các nước trên thế giới không?

Ngoài ra, một trong những dự án quan trọng Genetica đang triển khai là đánh giá sự tương thích và cho kết quả tối ưu của từng loại vắc xin theo kiểu gen. Genetica ước tính năm 2022 Việt Nam sẽ có 20 - 30 loại vắc xin khác nhau, và người dùng có thể chọn được loại vắc xin phù hợp nhất với kiểu gen của mình.

“Thực ra giá trị mà nghiên cứu gen mang lại lớn hơn rất nhiều. Giá trị về mặt xã hội khó đo được bằng tiền mà bằng sự xúc động cùng những lời cảm ơn chân thành từ khách hàng. Tôi hạnh phúc khi nghe khách hàng kể về sự thay đổi trong cuộc sống khỏe, sống vui của họ, tôi mừng khi biết họ đã tìm ra cách dạy con sao cho hiệu quả. Đặc biệt là những xét nghiệm về gen ung thư đã giúp gỡ bỏ tảng đá đè nặng trong tâm trí người bệnh ra sao… Tất cả những điều này là động lực để chúng tôi tiếp tục làm công việc của mình”, ông Tuấn chia sẻ.

Chuyên đề

Kết nối đầu tư