Công ty CP Đầu tư hạ tầng giao thông Đèo Cả giải bài toán vốn và "bão giá" vật liệu

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Trước những khó khăn, thách thức từ "bão giá" vật liệu, tiếp cận vốn, lãnh đạo Công ty CP Đầu tư hạ tầng giao thông Đèo Cả (mã chứng khoán: HHV) đã chia sẻ với nhà đầu tư về các biện pháp đã và đang thực hiện để hoàn thành kế hoạch doanh thu 2.515 tỷ đồng và 396 tỷ đồng lợi nhuận trong năm 2022.
Công ty CP Đầu tư hạ tầng giao thông Đèo Cả giải bài toán vốn và "bão giá" vật liệu

Thông tin về kết quả kinh doanh quý I/2022 tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2022, Công ty CP Đầu tư hạ tầng giao thông Đèo Cả cho biết, doanh thu hợp nhất đạt 430 tỷ đồng, tăng hơn 20% so với cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận sau thuế đạt 76 tỷ đồng, tăng trưởng 28%. Với kết quả đạt được, Công ty đã hoàn thành gần 20% kế hoạch lợi nhuận năm 2022 (396 tỷ đồng). Còn doanh thu hợp nhất kế hoạch năm nay dự kiến ở mức 2.515 tỷ đồng (tăng 35,1% so với năm 2021).

Năm 2022, Ban lãnh đạo Công ty cho biết sẽ đầu tư hơn 3.000 tỷ đồng vào một số dự án như hợp tác kinh doanh (BCC) đầu tư vào Dự án cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo (2.000 tỷ đồng), cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận (450 tỷ đồng), đầu tư trực tiếp các dự án hạ tầng giao thông khác (200 tỷ đồng), đầu tư lĩnh vực bất động sản (370 tỷ đồng)...

Để có nguồn lực thực hiện kế hoạch kinh doanh, Công ty sẽ chào bán cổ phần cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ 1:1, tương đương tổng khối lượng 267,3 triệu cổ phiếu, có giá trị theo mệnh giá trên 2.673 tỷ đồng, đã được Đại hội đồng cổ đông thông qua tại phiên họp bất thường hồi tháng 11/2021. Đồng thời, Công ty sẽ chi trả cổ tức bằng cổ phiếu (tương đương 91,8% lợi nhuận sau thuế chưa phân phối của Công ty mẹ, 48% lợi nhuận sau thuế chưa phân phối hợp nhất năm 2021) trị giá 267,38 tỷ đồng. Sau khi hoàn thành 2 phương án trên, dự kiến vốn điều lệ Công ty tăng từ 2.673 tỷ đồng lên 5.615 tỷ đồng.

Trước khó khăn về nguồn vốn kinh doanh khi tín dụng thắt chặt, thị trường chứng khoán chưa thuận lợi và trái phiếu bất ổn, Công ty đã kết nối với các doanh nghiệp, các nhà đầu tư, quỹ đầu tư để đa dạng hóa kênh huy động, điều chỉnh cấu trúc tài chính phù hợp. Đồng thời ưu tiên hình thức hợp đồng hợp tác BCC.

Để ứng phó với tình trạng "bão giá" vật liệu, ngay bước đầu triển khai các dự án cao tốc, Công ty đã ký hợp tác lâu dài với các nhà cung cấp xi măng, nhựa đường..., đồng thời tạm ứng trước để bình ổn giá. Công ty cũng báo cáo cơ quan nhà nước có thẩm quyền điều chỉnh giá đối với hợp đồng để đảm bảo quyền lợi cho các nhà thầu; làm việc với địa phương, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Xây dựng để đưa ra các phương án điều chỉnh giá trong quá trình thanh quyết toán công trình.

Ngoài giá vật liệu tăng, Công ty cũng gặp khó khăn do thiếu mỏ đất, cát tại các dự án cao tốc Bắc - Nam. Sự thiếu hụt xuất phát từ việc các nhà cung cấp đòi hỏi mức giá cao hơn nhiều so với giá theo hợp đồng đã ký với các chủ đầu tư. Công ty đã chủ động làm việc với địa phương để bổ sung các mỏ ngay từ bước khảo sát dự án, khi triển khai dự án đã được uỷ quyền khai thác các mỏ đất, cát để đảm bảo trữ lượng cho toàn bộ dự án.

Trong chiến lược phát triển trung và dài hạn, Công ty xác định tiếp tục tập trung vào lĩnh vực hạ tầng giao thông đường bộ, cung cấp dịch vụ khép kín với 4 hoạt động chính bao gồm: đầu tư hạ tầng giao thông theo phương thức PPP; thi công xây lắp; quản lý vận hành, khai thác các công trình hạ tầng giao thông đường bộ; đầu tư phát triển bất động sản và các dịch vụ gắn liền với đường cao tốc.

Chuyên đề