Công ty CP Đầu tư EPT: Vốn nhỏ, hiệu quả kinh doanh lớn

(BĐT) - Chỉ từ đầu năm 2020 đến nay, Công ty CP Đầu tư EPT (gọi tắt là Đầu tư EPT) liên tiếp được công bố trúng 5 gói thầu mua sắm thiết bị cho các công ty điện lực. 
Năm 2019, Công ty CP Đầu tư EPT được công bố trúng 55 gói thầu ngành điện với tổng giá trúng thầu hơn 400 tỷ đồng. Ảnh: Nhã Chi
Năm 2019, Công ty CP Đầu tư EPT được công bố trúng 55 gói thầu ngành điện với tổng giá trúng thầu hơn 400 tỷ đồng. Ảnh: Nhã Chi

Trước đó, trong giai đoạn 2017 - 2019, Công ty được công bố trúng tổng cộng 138 gói thầu mua sắm thiết bị ngành điện, với tổng giá trị hơn 900 tỷ đồng. Trong đó, khách hàng tiêu biểu của Công ty là các thành viên của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN). Hiệu quả kinh doanh của Công ty cũng là điều đáng mơ ước đối với nhiều doanh nghiệp cùng ngành.

Đơn cử, trong tháng 12/2019, Liên danh Đầu tư EPT - Công ty TNHH Tập đoàn EVD - Công ty TNHH Truyền thông năng lượng Thái Lê được công bố trúng Gói thầu Cung cấp vật tư thiết bị trung áp thuộc Dự án Lắp đặt thiết bị Recloser, LBS cho lưới điện trung áp năm 2019 khu vực Bắc Kạn, Cao Bằng, Lào Cai, Sơn La, Điện Biên, Quảng Ninh và Hà Tĩnh. Gói thầu do Công ty Dịch vụ điện lực miền Bắc làm chủ đầu tư. Giá trúng thầu là 90,6 tỷ đồng, đạt tỷ lệ tiết kiệm 4%.

Trước đó 2 tháng, với tư cách thành viên liên danh, Đầu tư EPT đã trúng Gói thầu Cung cấp thiết bị, dây dẫn và phụ kiện, cách điện với giá 40,8 tỷ đồng, đạt tỷ lệ tiết kiệm 2,3%. Gói thầu do Công ty Dịch vụ điện lực miền Bắc làm chủ đầu tư. 2 thành viên còn lại trong Liên danh là Công ty CP Thiết bị điện Sơn Đông và Công ty TNHH Dây và Cáp điện Trường Thịnh.

Ngoài 2 gói thầu trên, trong năm 2019, Đầu tư EPT được công bố trúng 53 gói thầu khác, nâng tổng giá trúng thầu lên hơn 400 tỷ đồng. Trước đó, Công ty ghi nhận sự sụt giảm mạnh quy mô trúng thầu trong năm 2018, chỉ đạt 110 tỷ đồng, giảm 65% so với năm 2017 (đạt 320 tỷ đồng).

Với vốn điều lệ chỉ khoảng 30 tỷ đồng, nhưng doanh thu bán hàng bình quân trong giai đoạn 2016 - 2018 của Đầu tư EPT lên tới 400 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế bình quân tương ứng khoảng 7,8 tỷ đồng. Đặc biệt, doanh thu bán hàng của Công ty đạt mức đỉnh 588 tỷ đồng vào năm 2017, lợi nhuận sau thuế đạt 9,05 tỷ đồng, tỷ suất lợi nhuận ròng trên vốn đầu tư của chủ sở hữu (ROE) lên đến 44,3%.

Hiện tại, Công ty chưa công bố báo cáo tài chính năm 2019. Tuy nhiên, nếu hoàn thành kế hoạch năm 2019 là 370 tỷ đồng doanh thu và 7,1 tỷ đồng lợi nhuận, Công ty sẽ duy trì ROE ở mức 35 - 40%.

Được thành lập vào tháng 7/2009, Đầu tư EPT tiền thân là Công ty CP Sản xuất và Thương mại EMIC - doanh nghiệp đầu ngành về sản xuất các thiết bị điện trực thuộc quản lý của Bộ Công Thương trước khi hoàn toàn về tay các ông chủ tư nhân vào cuối năm 2015.

Sau khi Tổng công ty CP Thiết bị điện Việt Nam (GELEX) thoái hết vốn vào tháng 3/2017, doanh nghiệp này đổi tên thành Công ty CP Đầu tư EPT do ông Nguyễn Hoa Cương nắm giữ 41% cổ phần, Phạm Ngọc Quý sở hữu 10,5% và Hoàng Anh Dũng sở hữu 4,5% (cơ cấu cổ đông tại thời điểm 31/12/2018). Tổng giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật của Công ty hiện nay là ông Hoàng Anh Dũng. Trước đó, vị trí này thuộc về ông Hoàng Phương.

Được biết, ông Nguyễn Hoa Cương hiện đang giữ nhiều chức vụ quan trọng tại các doanh nghiệp sản xuất thiết bị điện như: Chủ tịch HĐQT Công ty CP K.I.P Việt Nam (tiền thân là Công ty CP Khí cụ Điện 1); thành viên HĐQT GELEX; thành viên HĐQT Công ty CP Chế tạo biến thế và vật liệu điện Hà Nội - doanh nghiệp đang cùng Công ty CP Đầu tư và Phát triển hạ tầng Hoàng Thành của doanh nhân Nguyễn Thị Bích Ngọc thực hiện dự án bất động sản Hoàng Thành Pearl.

Chuyên đề