Bước sang năm 2018, thị trường chứng khoán Việt Nam tiếp tục nóng khi chỉ số Vn-Index chính thức vượt 1.000 điểm. Ảnh: Dương Thùy |
Với kết quả ấn tượng chung của toàn ngành, nhiều công ty chứng khoán đã báo lãi lớn, vượt xa so với năm 2016.
Công ty chứng khoán “ăn đậm”
Theo báo cáo tài chính quý IV/2017 của Công ty CP Chứng khoán FPT, doanh thu hoạt động quý IV/2017 đạt gần 102,5 tỷ đồng, tăng 28,5% so với cùng kỳ 2016. Trong khi nhiều mảng hoạt động không tăng trưởng so với cùng kỳ 2016 thì doanh thu từ hoạt động môi giới chứng khoán đạt 39,6 tỷ đồng, tăng 103% so với cùng kỳ năm 2016. Lũy kế cả năm 2017, doanh thu hoạt động đạt 316,5 tỷ đồng, tăng 13% so với năm 2016. Doanh thu hoạt động tài chính quý IV/2017 đạt gần 8,7 tỷ đồng, tăng gấp 10 lần so với cùng kỳ năm 2016.
Kết quả lợi nhuận sau thuế quý IV/2017 của Công ty đạt 62 tỷ đồng, tăng 74,6% so với cùng kỳ 2016. Lũy kế cả năm 2017, Công ty CP Chứng khoán FPT đạt 179 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng 22% so với năm 2016.
Công ty CP Chứng khoán Artex cũng vừa công bố báo cáo tài chính quý IV/2017 với nhiều kết quả tích cực. Doanh thu hoạt động năm 2017 đạt 154 tỷ đồng, gấp 6,4 lần so với năm 2016. Trong đó, doanh thu nghiệp vụ môi giới chứng khoán cả năm 2017 đạt 107 tỷ đồng, gấp 4,7 lần so với 2016, chiếm 69,5% tổng doanh thu hoạt động. Lợi nhuận sau thuế đạt 88 tỷ đồng, gấp 17,6 lần so với năm 2016. Thu nhập trên một cổ phần (EPS) tăng từ 376 đồng/CP lên 6.519 đồng/CP.
Mặc dù chưa công bố báo cáo tài chính quý IV/2017 nhưng Công ty Chứng khoán Rồng Việt cho biết, doanh thu năm 2017 đạt 366 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 138 tỷ đồng, vượt 125% so với năm 2016 (61,3 tỷ đồng) và vượt 38,34% so với kế hoạch (100 tỷ đồng). Trong đó, doanh thu từ dịch vụ chứng khoán chiếm 41,96%, tăng 32,48% so với năm trước; đầu tư tài chính chiếm 27,36%, tăng 98,36% so với năm trước; kinh doanh môi giới chiếm 23,78%, tăng 77,45% so với năm trước.
Theo công bố của sở giao dịch, top 3 công ty chứng khoán môi giới lớn nhất 2017 đang nắm giữ khoảng 36,65% thị phần tại HOSE và 30,58% thị phần trên HNX. Trong đó, Công ty Chứng khoán Sài Gòn là đơn vị dẫn đầu tại cả 2 sàn HOSE và HNX với thị phần môi giới lần lượt là 13,69% và 11,4%. Theo sau là Công ty Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội, Công ty Chứng khoán VNDirect, Công ty Chứng khoán HSC, Công ty Chứng khoán Bản Việt (VCSC)… Mặc dù chưa công bố nhưng nhiều khả năng kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp này sẽ vượt xa so với năm 2016.
Triển vọng năm 2018
Công ty Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC) đưa ra dự báo rất tích cực về TTCK Việt Nam trong năm 2018. BSC dự báo, nếu làn sóng cổ phần phần hóa, niêm yết mới và thoái vốn nhà nước được thực hiện đúng tiến độ và song hành với hoạt động niêm yết thì vốn hóa thị trường sẽ tăng thêm 15 - 20 tỷ USD trong năm 2018. Thanh khoản bình quân dự báo đạt 272 triệu USD/phiên, tăng 25% so với năm 2017. Quy mô thị trường cổ phiếu niêm yết tăng lên 150 - 160 tỷ USD, đưa mức vốn hóa thị trường lên mức tương đương 73 - 75% GDP trong năm 2018.
Rõ ràng, với mức tăng trưởng 48% trong năm 2017, vượt xa mức lãi suất tiết kiệm tại các ngân hàng (chỉ 8,5%), nhà đầu tư không thể không cân nhắc đầu tư vào TTCK. Bằng chứng là bước sang năm 2018, TTCK Việt Nam vẫn chưa có dấu hiệu “hạ nhiệt” khi chỉ số Vn-Index chính thức vượt 1.000 điểm vào ngày 3/1/2018. Các phiên giao dịch trên 10.000 tỷ đồng/ngày cũng liên tục xuất hiện và đã đưa thanh khoản TTCK Việt Nam sang một trang sử mới. Một nguồn thu không nhỏ của các công ty chứng khoán đến từ cho vay giao dịch ký quỹ và với sức nóng của thị trường hiện tại, nguồn thu này đã đem về không ít lợi nhuận.
Dòng vốn nội địa và khối ngoại vẫn đang đổ vào TTCK Việt Nam; thanh khoản của thị trường tiếp tục tăng trong những ngày đầu năm 2018 hứa hẹn một kịch bản tăng trưởng tương tự như năm 2017 của các công ty chứng khoán.