Công trình tại huyện Ba Vì, Hà Nội: Chậm tiến độ, lỗi tại ai?

(BĐT) - UBND huyện Ba Vì (chủ đầu tư) vừa ra quyết định chấm dứt hợp đồng với Công ty CP Đầu tư xây dựng và thương mại ĐH – nhà thầu thi công công trình xây dựng nhà văn hóa thôn Mường Cháu, xã Vân Hòa, huyện Ba Vì, TP. Hà Nội vì lý do chậm tiến độ.
Thi công chậm tiến độ, nhà thầu Công ty CP Đầu tư xây dựng và thương mại ĐH bị chủ đầu tư chấm dứt hợp đồng. Ảnh: Minh họa
Thi công chậm tiến độ, nhà thầu Công ty CP Đầu tư xây dựng và thương mại ĐH bị chủ đầu tư chấm dứt hợp đồng. Ảnh: Minh họa

Chủ đầu tư: Do lỗi của nhà thầu

Thông tin tới Báo Đấu thầu, ông Đặng Tiến Hữu, Trưởng ban Ban Quản lý dự án Nhà văn hóa và công trình nước sạch huyện Ba Vì thuộc UBND huyện này cho biết, vào tháng 12/2015, Công ty CP Đầu tư xây dựng và thương mại ĐH được UBND huyện Ba Vì lựa chọn là nhà thầu trúng thầu gói thầu nêu trên. Thời gian hoàn thành là vào khoảng tháng 6/2016. Trong quá trình thi công, Chủ đầu tư cũng đã nhiều lần nhắc nhở, đốc thúc Nhà thầu, tuy nhiên, sau gần hai năm rưỡi thi công, đến nay, Công trình vẫn chưa hoàn thành. Giá trị khối lượng công việc chưa thực hiện còn khoảng 210 triệu đồng.

Đối với phần công việc dở dang còn lại của Công trình, theo ông Hữu, Chủ đầu tư dự kiến lựa chọn nhà thầu thay thế bằng hình thức chỉ định thầu, thực hiện theo đơn giá trúng thầu của nhà thầu đã trúng thầu. “Tuy nhiên, liệu có chọn được nhà thầu thay thế thực hiện bằng với đơn giá trúng thầu của nhà thầu đã trúng từ năm 2015 hay không thì cũng chưa biết được”, ông Hữu chia sẻ thêm.

Công ty CP Đầu tư xây dựng và thương mại ĐH có địa chỉ tại huyện Thanh Trì, TP. Hà Nội. 

Vì đâu nên nỗi?

Đối với bất kỳ một công trình chậm tiến độ nào, trước tiên phải xem xét trách nhiệm của chủ đầu tư, bên mời thầu.
Truy tìm nguồn cơn của sự việc nêu trên, phóng viên Báo Đấu thầu đã liên hệ với ông Phạm Hải Đăng, Giám đốc Công ty CP Đầu tư xây dựng và thương mại ĐH. Ông Đăng thừa nhận: “Việc thi công chậm tiến độ là vì chúng tôi bận thực hiện công trình khác tại Hạ Long. Mặc dù công trình chỉ có quy mô khoảng 1,6 tỷ đồng, nhưng do hiện nay Công ty không có khả năng thực hiện, cả về nhân công, lẫn tài chính..., nên mới chỉ thi công được những hạng mục chính, chưa thực hiện được hạng mục đấu nối, lắp điện cùng các công trình phụ trợ. Không chỉ công trình này, công trình tại Hạ Long cũng đang bị chậm tiến độ và khả năng cũng không thể thực hiện tiếp, có lẽ phải dừng hợp đồng”.

Khi bàn về hình thức xử phạt nào cho nhà thầu vi phạm hợp đồng, cả Chủ đầu tư và Nhà thầu dường như đều không mấy bận lòng, trả lời là “không biết”. Tuy nhiên, ở một diễn biến khác, ông Hữu lại thừa nhận: “Trong năm đầu, Chủ đầu tư không có nguồn kinh phí để thực hiện. Lúc đầu Chủ đầu tư dựa vào nguồn vốn do các quận hỗ trợ huyện Ba Vì, nhưng mất một năm không có vốn. Đến khi chúng tôi thu xếp được nguồn vốn thì Nhà thầu đã không còn tha thiết nữa nên thi công cầm chừng”.

Đối với bất kỳ một công trình chậm tiến độ nào, theo ông Lê Văn Tăng, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trước tiên phải xem xét trách nhiệm của chủ đầu tư, bên mời thầu. Luật Đấu thầu và Nghị định số 63/2014/NĐ-CP đã đưa ra các công cụ để chủ đầu tư, bên mời thầu xử lý mạnh tay với nhà thầu vi phạm để răn đe như tăng mức bảo lãnh thực hiện hợp đồng... Vấn đề là chủ đầu tư, bên mời thầu có thực hiện không, hay lại nể nang vì “nhà thầu ruột”?

Thêm vào đó, về phía chủ đầu tư, theo quy định tại Nghị định số 63/2014/NĐ-CP, việc tổ chức lựa chọn nhà thầu khi nguồn vốn cho gói thầu chưa được xác định dẫn tới tình trạng nợ đọng vốn của nhà thầu có thể bị cấm tham gia hoạt động đấu thầu từ 1 năm đến 3 năm.

Chuyên đề