Ảnh Internet |
Công trình bệnh viện với 68 gói thầu
Theo Quyết định số 1276/QĐ-UBND ngày 26/5/2016 của UBND tỉnh Bình Dương về việc phê duyệt KHLCNT bổ sung Công trình Bệnh viện đa khoa 1.500 giường, có 68 gói thầu sẽ được triển khai với tổng giá các gói thầu là 1.804.799.244.890 đồng.
Theo phụ lục KHLCNT bổ sung kèm theo Quyết định, có đến 41 gói thầu tư vấn, trong đó 31 gói tư vấn lập HSMT, 10 gói tư vấn giám sát. Trong Kế hoạch này, có 32 gói thầu áp dụng hình thức đấu thầu rộng rãi, 36 gói thầu áp dụng chỉ định thầu rút gọn. Đi sâu vào chi tiết của KHLCNT, nhiều chuyên gia về quản lý chất lượng công trình và đấu thầu đều bày tỏ nhiều quan ngại.
Chuyên gia Lê Văn Thịnh, nguyên Trưởng Phòng giám định 1 - Cục Giám định nhà nước về Công trình xây dựng (Bộ Xây dựng) cho rằng, “KHLCNT này có số lượng gói thầu quá nhiều. KHLCNT này quá manh mún, nhìn từ góc độ quản lý chất lượng công trình là hoàn toàn không ổn, các gói thầu nếu triển khai cùng thời điểm thì khả năng hoàn thành là không cao”.
“Nếu chủ đầu tư cho rằng cần nhiều gói thầu vì khó chọn nhà thầu làm được nhiều việc với cương vị tổng thầu, do đó, cần chia nhiều gói thầu để phù hợp với năng lực của nhà thầu là hoàn toàn ngụy biện, vì nếu có nhiều gói thầu thì Ban quản lý dự án (BQLDA) phải có trách nhiệm kết nối các gói thầu. Muốn làm được việc này thì BQLDA phải là những người có kinh nghiệm quản lý, đã từng làm tổng thầu thi công hoặc đã từng quản lý dự án có nhiều gói thầu tương tự” - ông Thịnh nhấn mạnh thêm.
Chuyên gia Nguyễn Việt Hùng, nguyên Vụ trưởng Vụ Quản lý đấu thầu (nay là Cục Quản lý đấu thầu thuộc Bộ KH&ĐT) chia sẻ thêm: Đây là công trình lớn, tổng mức đầu tư lên đến hàng ngàn tỷ đồng. Do vậy KHLCNT có thể gom rất nhiều gói thầu lớn, bé. Vì có nhiều gói thầu nhỏ áp dụng chỉ định thầu rút gọn nên phải duyệt dự toán, do đó phải có các gói thẩm định giá để có cơ sở duyệt dự toán. Trong dự án này, chủ đầu tư đang chia nhỏ các hạng mục công việc ra. Toàn bộ công việc đều được đấu thầu để chọn tư vấn lập HSMT, đánh giá HSDT, sau khi chọn được nhà thầu thì lại đấu thầu chọn tư vấn giám sát, tư vấn kiểm toán. Cách hình thành các gói thầu trong kế hoạch này về lý thuyết và pháp lý thì không có vấn đề gì. Tuy nhiên, việc thực hiện được kế hoạch này lại phụ thuộc rất nhiều vào năng lực của BQLDA. Và đặc biệt là phụ thuộc vào các điều, khoản của hợp đồng khi ký với từng nhà thầu riêng lẻ phải đề cập tới trách nhiệm giữa các nhà thầu như thế nào.
Nhà thầu lo “vỡ trận”
Một nhà thầu khác cho biết, khi công trình phân chia thành nhiều gói thầu nhỏ lẻ thì xảy ra tình trạng những hạng mục chung như: cẩu tháp, vận thăng, trạm điện tạm, hệ thống cấp điện tạm, hệ thống cấp thoát nước tạm, bảo vệ công trình, hệ thống vệ sinh tạm, vệ sinh công trình, chi phí thực hiện các biện pháp an toàn lao động, hàng rào tạm,…. không có đơn vị nào chịu trách nhiệm thực hiện. Lý do là vì mỗi gói thầu đều chỉ có một phần chi phí cho những công việc này, mà việc thực hiện thì không thể xé lẻ được. Do vậy, với KHLCNT nêu trên, nhiều nhà thầu nhận định, khả năng “vỡ trận”, xung đột giữa các gói thầu, giữa các nhà thầu là rất cao. Hệ lụy về sau ảnh hưởng đến chất lượng công trình là không tính toán được.