Công nghiệp hỗ trợ vẫn khó đổi mới công nghệ

(BĐT) - Sự yếu kém của ngành công nghiệp hỗ trợ (CNHT), đặc biệt là ngành cơ khí chế tạo có thể khiến mục tiêu công nghiệp hóa của quốc gia không thể về đích vào năm 2020, cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam ký kết sẽ tuột khỏi tầm tay. Đây là nhận định của nhiều chuyên gia tại Hội thảo Thực trạng và nhu cầu đổi mới công nghệ trong các doanh nghiệp CNHT Việt Nam vừa diễn ra.
Không nhiều doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam quan tâm đến công nghệ mới. Ảnh: Lê Tiên
Không nhiều doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam quan tâm đến công nghệ mới. Ảnh: Lê Tiên

Nan giải đổi mới công nghệ

Tại Hội thảo, ông Tạ Việt Dũng, Cục trưởng Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) cho biết, hiện ở Việt Nam mới chỉ có khoảng 1.383 doanh nghiệp (DN) hoạt động trong lĩnh vực CNHT, trong đó chủ yếu tham gia ở công đoạn yêu cầu công nghệ giản đơn, có giá trị gia tăng thấp. Trong khi đó, các DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) chiếm tới trên 80% số DN sản xuất linh kiện, phụ tùng tại Việt Nam, tập trung vào lĩnh vực điện - điện tử và linh kiện kim loại. Trong khi đó, các DN nội địa chỉ mới cung ứng được khoảng 10% nhu cầu nội địa về sản phẩm CNHT.

Ông Dũng cho rằng, Việt Nam đang thiếu những DN thực hiện một số nguyên công do công nghệ phức tạp và khó hoàn vốn, dẫn đến không thực hiện được đơn hàng hoặc thực hiện với giá thành cao. Hơn nữa, trình độ gia công của nhiều DN còn lạc hậu, không đáp ứng được yêu cầu của sản phẩm. DN có quan tâm đến vấn đề công nghệ và phát triển sản phẩm mới, nhưng chưa thực sự coi trọng đúng mức đến các vấn đề kỹ thuật công nghệ. Qua kết quả điều tra tại 200 DN CNHT, chỉ có 51 DN có nhu cầu đổi mới công nghệ (chiếm 25%). Mức độ đầu tư đổi mới công nghệ mới chỉ dừng ở mức mua sắm thiết bị, đào tạo nguồn nhân lực…

Ông Nguyễn Đức Thịnh, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội DN cơ khí Việt Nam cho rằng, thực tế triển khai đổi mới công nghệ của ngành cơ khí đang gặp nhiều khó khăn. Việc đầu tư đổi mới công nghệ trong lĩnh vực cơ khí thời gian qua luôn trong tình trạng chắp vá, mua máy cũ có xuất xứ từ các nước phát triển… Tình trạng chung là các DN vẫn đang hoạt động khép kín, “mạnh ai nấy làm”, ít đầu tư đổi mới công nghệ, thậm chí còn đầu tư chồng chéo. Một số DN đầu tư mới, hiện đại thì lại gặp những khó khăn lớn về thị trường, ảnh hưởng đến khả năng hoàn vốn.

Ưu tiên đổi mới công nghệ quản lý

Cần duy trì nhiều tầng công nghệ trong các DN và nên dành ưu tiên cho đổi mới “công nghệ quản lý”, mặc dù chi phí ít hơn nhưng lại giúp cho DN và sản phẩm sớm hội nhập
Theo đại diện Hiệp hội DN cơ khí Việt Nam, với năng lực hiện nay, các DN cơ khí trong nước rất khó có thể cung ứng trực tiếp cho các tập đoàn đa quốc gia. Tuy nhiên, DN trong nước có thể bước đầu cung ứng  linh kiện, phụ tùng cho các DN FDI, từ đó hấp thụ công nghệ, phương pháp sản xuất và quản lý để nâng cao năng lực, từng bước tiến lên mức cao hơn trong mạng lưới cung ứng sản phẩm.

Để hỗ trợ DN hiệu quả, ông Tạ Việt Dũng cho rằng, trước tiên cần phải tiến hành điều tra, đánh giá một cách tổng thể hiện trạng và năng lực của các DN hỗ trợ trong từng nhóm ngành sản phẩm thuộc danh mục ưu tiên làm cơ sở xác định nhu cầu đổi mới công nghệ, xây dựng lộ trình đổi mới công nghệ cho DN. Đồng thời, sớm ban hành chính sách khuyến khích các DN FDI đầu tư công nghệ sản xuất sản phẩm CNHT hiện đại, liên kết, chuyển giao công nghệ và đào tạo cho các DN trong nước.

Theo ông Trương Hoàng Hải, Tổng thư ký Hiệp hội DN ngành CNHT TP. Hà Nội, Chính phủ nên ban hành chính sách riêng cho DN CNHT trong nước, thay vì chính sách đại trà cho cả DN FDI và DN Việt Nam, vì thực tế là các sản phẩm của DN trong nước chưa có đầu ra, DN nội địa thường ít vốn, sử dụng công nghệ, máy móc lạc hậu hơn các DN FDI. Ông Hải cũng đề nghị Chính phủ cần sớm thành lập Ban chỉ đạo quốc gia để phát triển CNHT.

Đối với DN, ông Nguyễn Đức Thịnh khuyến nghị cần duy trì nhiều tầng công nghệ trong các DN và nên dành ưu tiên cho đổi mới “công nghệ quản lý”, mặc dù chi phí ít hơn nhưng lại giúp cho DN và sản phẩm sớm hội nhập.

Về phía DN FDI, bà Đào Thị Thu Huyền, Chánh Văn phòng cấp cao của Văn phòng Tổng giám đốc Canon tại Việt Nam, cũng đưa ra những khuyến nghị đối với các nhà cung cấp sản phẩm CNHT Việt Nam: “Ban lãnh đạo DN phải có quyết tâm, nỗ lực để trở thành đối tác của các nhà sản xuất sản phẩm hoàn thiện. Sản phẩm cần đáp ứng được tiêu chuẩn về môi trường - chất lượng - giá cả - giao hàng. Đặc biệt, các lô hàng cần đảm bảo chất lượng đồng đều nhau”.

Chuyên đề