Ảnh minh họa. Nguồn Internet |
“Bài toán” nội địa hoá
Ông Lưu Hoàng Long, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp điện tử Việt Nam (VEIA) cho biết, nếu như cách đây 20 năm, ngành điện tử Việt Nam mới xuất khẩu được lô hàng đầu tiên trị giá chưa đến 100 triệu USD thì đến năm 2015 kim ngạch xuất khẩu của ngành này đã đạt hơn 57 tỷ USD, đứng đầu các ngành hàng xuất khẩu cả nước với tốc độ tăng trưởng trên dưới 30% hàng năm. Tuy kim ngạch xuất khẩu lớn như vậy, nhưng giá trị chủ yếu nằm ở những doanh nghiệp FDI với tỷ lệ sử dụng sản phẩm nội địa hóa còn thấp (khoảng 20-30%).
Trong bối cảnh với nhiều FTA như hiện nay, lãnh đạo của VEIA cho rằng, ngành công nghiệp điện tử Việt Nam nói chung và các nhà sản xuất nói riêng cần nắm bắt thời cơ để phát triển hạ tầng và công nghệ khi mà thuế nhập khẩu sẽ được miễn giảm đối với hàng hóa nhập khẩu để tạo tài sản cố định; nguyên liệu, vật tư, linh kiện nhằm thực hiện dự án đầu tư; đồng thời cũng có được những thuận lợi từ việc nhập nguyên vật liệu.
Thống kê của Vụ Công nghiệp nặng thuộc Bộ Công Thương cho thấy, trong lĩnh vực sản xuất linh kiện điện tử, các DN nội địa đã đáp ứng 30 - 35% nhu cầu linh kiện đối với điện tử gia dụng, trong khi cung ứng cho các lĩnh vực hạ nguồn khác còn khá thấp: Điện tử tin học, viễn thông chỉ đạt 15%, điện tử chuyên dùng cho công nghệ cao chỉ đạt 5%.
Trong khi đó, nếu để ý các số liệu nhập khẩu nhiều năm nay sẽ thấy kim ngạch nhập khẩu các linh kiện điện tử là cực kỳ lớn. Riêng năm ngoái, kim ngạch nhập khẩu linh kiện máy vi tính, sản phẩm điện tử của Việt Nam đã đạt khoảng 21 tỷ USD, còn linh kiện điện thoại đạt 10 tỷ USD.
Riêng 7 tháng đầu năm 2016, theo Tổng cục Hải quan, với nhóm hàng máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam đã đạt 15,02 tỷ USD, tăng 14,3% so với cùng kỳ năm 2015. Hàn Quốc tiếp tục là đối tác lớn nhất cung cấp nhóm hàng này cho Việt Nam với trị giá nhập khẩu trong 7 tháng đầu năm 2016 đạt 4,88 tỷ USD, tăng 25,6%. Tiếp theo là Trung Quốc (3,05 tỷ USD, tăng 8,4%); Đài Loan (1,65 tỷ USD, tăng 41,6%); Nhật Bản (1,37 tỷ USD, tăng 5,8%)…
Đối diện với cạnh tranh
Theo bà Trương Thị Chí Bình, Giám đốc Trung tâm Phát triển công nghiệp hỗ trợ (SIDEC) thuộc Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách công nghiệp (Bộ Công Thương), tỷ lệ nội địa hóa của các DN điện tử nội địa hiện chỉ là 12%, còn lại là 88% nhập từ nước ngoài, từ nhập linh kiện điện tử cao cấp đến linh kiện cơ khí, nhựa, cao su. Chẳng hạn như với một chiếc tivi lắp ráp ở Việt Nam thì 97% linh kiện điện - điện tử, 87% linh kiện nhựa, cao su và 81% linh kiện cơ khí là phải nhập khẩu.
Bà Bình phân tích, sự tham gia vào các FTA thế hệ mới sẽ tạo điều kiện thâm nhập vào những thị trường mới, rộng lớn hơn cho Việt Nam. Ví dụ như Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) với dự tính sẽ có hiệu lực vào năm 2017, có 65% danh mục sản phẩm với 8.000 - 9.000 loại sản phẩm sẽ được miễn, giảm thuế. Điều này sẽ mở ra cơ hội cho Việt Nam xuất khẩu nhiều hơn những linh kiện và bộ phận thay thế.
Nhưng mặt khác, như lưu ý của vị Giám đốc SIDEC, các nhà sản xuất Việt Nam cần chuẩn bị đối đầu với sự cạnh tranh cao hơn từ những thị trường tương đồng, trong khi các tiêu chuẩn chất lượng, hàm lượng xuất xứ, biện pháp phòng vệ thương mại sẽ trở nên gắt gao hơn khi rào cản thuế quan không còn...