Tiềm năng hợp tác và thu hút đầu tư lớn
Nhưng không chỉ có người tiêu dùng thành thị yêu thích công nghệ, các nhà đầu tư mạo hiểm cũng đã rót lượng vốn kỷ lục vào công nghệ đô thị. Theo báo cáo của C.B. Insights, lượng đầu tư toàn cầu cho lĩnh vực này đạt hơn 75 tỷ USD trong giai đoạn 2016-2018, nhiều hơn các lĩnh vực truyền thống như Dược - Sinh học. Tại Hoa Kỳ, nhóm công ty liên quan đến công nghệ thu hút 45% tổng vốn đầu tư mạo hiểm trong ba năm qua.
Với lượng dân số đô thị gia tăng mạnh mẽ trong bối cảnh bùng nổ công nghệ, tốc độ đầu tư cũng tăng theo tỷ lệ thuận. Vinay Goel, Giám đốc Công nghệ của JLL cho biết: “Nhà đầu tư quan tâm đến công nghệ đô thị là việc dễ hiểu. Dân số toàn cầu đang đồng loạt tiến về các đô thị trên khắp thế giới, nên việc dòng vốn chảy vào lĩnh vưc này cũng là lẽ thường tình”.
Nhà đầu tư cũng bắt đầu để mắt đến mảng công nghệ công cộng, với việc khá nhiều chính quyền địa phương chú trọng đầu tư vào việc phủ sóng WiFi. Goel nhận định: “Lợi ích của việc kết nối rộng rãi, xử lý công nghệ trung tâm sẽ giúp thành phố phát triển theo cả hai hướng công lẫn tư, trong mọi tình huống”.
“Lấy ví dụ nếu một công ty bất động sản tư nhân có thể kiểm soát được số lượng người đi ra vào các tòa nhà, họ có thể chia sẻ dữ liệu này với chính quyền để quản lý giao thông công cộng trong khu vực, hoặc các loại hình dịch vụ gọi xe để có đủ nguồn cung cho khu vực của họ”.
Một thế giới của dân thành thị
Đối với đại đa số dân chúng, thành phố chính là nhà. Tỷ lệ dân thành thị trung bình trên thế giới là 55%, và con số này được dự báo sẽ tiếp tục tăng mạnh.
Công nghệ cũng đang định hình lại bất động sản đô thị, từ ngành xây dựng “ConTech” cho đến các ứng dụng ăn uống. Công nghệ đang thay đổi cách chúng ta thiết kế và vận hành bất động sản, giúp giảm chi phí xây dựng và tối ưu hóa bãi đỗ xe.
Các giải pháp di động là lĩnh vực thu hút đầu tư nóng nhất, chiếm 61% tổng lượng đầu tư công nghệ đô thị. Những ứng dụng gọi xe như Uber và Lyft; ứng dụng chia sẻ xe đạp và xe điện; và các ứng dụng chuyển phát sẽ thay đổi hoàn toàn bộ mặt đô thị, giảm sức ép đỗ xe và giải phóng không gian của các khu vực công cộng. Công nghệ được dự báo sẽ tiếp tục có những tác động đáng kể khi xe không người lái được phổ biến rộng rãi.
Co-living và co-working cũng là một mảng ăn tiền lớn, đứng top ba thu hút đầu tư sau dịch vụ ăn uống. "Không gian và thói quen làm việc đang thay đổi", Goel cho biết. “Chúng tôi nhận thấy các doanh nghiệp không nhất thiết phải tập trung toàn bộ nhân viên vào cùng một văn phòng, đặc biệt là ở các thành phố nổi tiếng kẹt xe”.
Stephen Wyatt, Tổng giám đốc tại JLL Việt Nam nhận xét: “Không có nơi nào tốt hơn để chứng kiến sức nóng về nhu cầu văn phòng của các công ty công nghệ và co-working như tại Việt Nam. Đất nước đang bắt kịp tốc độ phát triển nhanh chóng với các thị trường khác trong khu vực, nhờ vào tầng lớp doanh nhân trẻ, năng động, am hiểu về công nghệ cao. Chúng tôi ghi nhận sự gia tăng đáng kể nhu cầu từ các công ty công nghệ và co-working trong ba năm qua và dự đoán xu hướng này sẽ tiếp tục mạnh mẽ trong năm năm tới”.
Lĩnh vực xây dựng là miếng bánh béo bở tiếp theo. Điển hình như, ứng dụng đám mây đang góp phần tăng hiệu suất làm việc của đội xây dựng, tối ưu hóa nguồn nhân sự và tăng tiến độ dự án. Công nghệ mới giúp cải thiện tính minh bạch và đồng bộ hóa dữ liệu, đây là hai yếu tố quan trọng nhất khi mà ngành xây dựng đang vật lộn với chi phí gia tăng. Công nghệ làm giảm sức ép cho các thành phố đại công trường, ví dụ như Oklahoma, nơi có mật độ dự án xây dựng dự kiến sẽ tăng 17% vào năm 2018.
Todd Burns, Giám đốc Quản lý dự án của JLL cho biết: “Nhiều mô hình công nghệ mới như 3D thực tế ảo và các công cụ hỗ trợ hợp tác đã thúc đẩy năng suất làm việc, cắt giảm thời gian và chi phí xây dựng". Những sáng kiến này có thể phá vỡ cách thức các công trình đô thị đã và đang vận hành, thúc đẩy tiến độ xây dựng và góp phần kiến tạo những thành phố chất lượng tốt hơn.